Bị viêm khớp dạng thấp có tiêm vaccine phòng cúm mùa được không?
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn có ảnh hưởng tới hệ miễn dịch của người bệnh, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng do virus cúm cũng như biến chứng do cúm. Nhiều người mắc viêm khớp dạng thấp lo ngại rằng việc tiêm phòng vaccine cúm có thể gây ra các đợt bùng phát bệnh, sự thật là gì?

Tiêm vaccine ngừa cúm hàng năm có tác dụng giúp giảm tỷ lệ nhập viện do cúm ở người bị viêm khớp dạng thấp. Ảnh: ST
Nhu cầu tiêm vaccine phòng cúm mùa tăng lên khi bệnh cúm đang vào mùa. Nhất là khi thống kê cho thấy các trường hợp biến chứng nặng do cúm thường có liên quan tới trẻ nhỏ, người lớn tuổi, người có bệnh nền, chẳng hạn như tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh tự nhiễm như viêm khớp dạng thấp.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) TP Hà Nội, trong tháng 1 năm 2025, thành phố ghi nhận 820 trường hợp mắc cúm, tăng 51 ca (6%) so với cùng kỳ năm trước. Các tác nhân gây bệnh chủ yếu là cúm A (H3N2), cúm A (H1N1) và cúm B.
Bị viêm khớp dạng thấp có tiêm vaccine phòng cúm mùa được không? Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn có ảnh hưởng tới hệ miễn dịch của người bệnh, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng do virus cúm cũng như biến chứng do cúm. Nhiều người mắc viêm khớp dạng thấp lo ngại rằng việc tiêm phòng vaccine cúm có thể gây ra các đợt bùng phát bệnh, sự thật là gì?

Bị viêm khớp dạng thấp có tiêm vaccine phòng cúm mùa được không? Ảnh: ST
1. Tại sao bị viêm khớp dạng thấp nên tiêm vaccine phòng cúm mùa?
Theo Medical News Today, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc tiêm vaccine phòng cúm khi bị viêm khớp dạng thấp được đánh giá là có lợi ích lớn hơn nhiều so với các rủi ro tiềm ẩn như tác dụng phụ của vaccine ngừa cúm gây ra khi tiêm.
Dưới đây là những lý do cho thấy người mắc viêm khớp dạng thấp nên tiêm vaccine ngừa cúm mùa:
- Nguy cơ nhiễm cúm cao hơn ở bệnh nhân mắc viêm khớp dạng thấp: Do là bệnh tự miễn nên người mắc viêm khớp dạng thấp thường có miễn dịch kém hơn. Điều này đồng nghĩa với nguy cơ nhiễm trùng cao hơn, bao gồm cả nhiễm virus gây cúm mùa như cúm A, cúm B,... Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí BMC Musculoskeletal Disorders, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người bị viêm khớp dạng thấp có tỷ lệ mắc bệnh cúm mùa cao hơn các nhóm khác tới 35% và nguy cơ mắc phải bất kỳ một nhiễm trùng nào là 70% và nguy cơ cần phải nhập viện do các bệnh nhiễm trùng cao hơn tới 83% so với nhóm khỏe mạnh cùng độ tuổi và không mắc bệnh viêm khớp dạng thấp.
Một phần của nguy cơ nhiễm cúm mùa cao hơn của bệnh nhân viêm khớp dạng thấp đến từ rủi ro của thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp. Theo Everyday Health, một vài loại thuốc kê đơn điều trị viêm khớp dạng thấp hoạt động bằng cách ức chế hệ miễn dịch nên có thể tạo ra "lỗ hổng" để virus cúm xâm nhập dễ dàng hơn.

Nguy cơ nhiễm cúm cao hơn ở bệnh nhân mắc viêm khớp dạng thấp (Ảnh: ST)
- Nguy cơ gặp phải các biến chứng cúm cao hơn khi bị viêm khớp dạng thấp:Theo một nghiên cứu trên tạp chí The Lancet thì người mắc viêm khớp dạng thấp có nguy cơ nhập viện và mất mạng do biến chứng cúm cao hơn từ 1,5 - 2 lần. Các biến chứng của cúm bao gồm: Viêm tai giữa, viêm xoang, tăng nghiêm trọng của các tình trạng sức khỏe hiện có, viêm cơ tim, viêm não, viêm cơ, tiêu cơ vân, viêm phổi bội nhiễm do vi khuẩn, viêm phế quản và viêm phổi do virus, suy đa tạng, nhiễm trùng máu.
Virus cúm kích hoạt phản ứng viêm khi vào cơ thể, làm tăng mức độ triệu chứng đau nhức toàn thân do hệ miễn dịch sản sinh ra cytokine, từ đó khiến bệnh nhân đang sẵn có các vấn đề xương khớp như viêm khớp dạng thấp bùng phát các cơn đau khớp mạnh mẽ hơn, đau buốt hơn nếu nhiễm cúm.
2. Vaccine ngừa cúm có hiệu quả như thế nào?
Nghiên cứu năm 2018 trên NCBI đã chỉ ra rằng, tiêm vaccine ngừa cúm hàng năm có tác dụng giúp giảm tỷ lệ nhập viện do cúm ở người bị viêm khớp dạng thấp, đặc biệt ở người lớn tuổi. Nghiên cứu này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm nhắc lại vaccine cúm hàng năm vì các loại virus gây cúm sẽ biến đổi theo thời gian và mỗi năm vaccine cúm có thể được điều chỉnh cho phù hợp với các chủng cúm đang lưu hành giúp tăng khả năng bảo vệ chủ động của hệ miễn dịch. Hơn nữa, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, lượng kháng thể sinh ra do vaccine cũng sẽ giảm dần theo thời gian.
Nhưng nhìn chung, theo CDC Hoa Kỳ thì hiệu quả của vaccine phòng cúm là khoảng 40 - 60%. Việc tiêm vaccine phòng cúm không giúp bạn ngăn chặn hoàn toàn virus cúm nhưng có thể giúp triệu chứng cúm ít nghiêm trọng hơn, giảm nguy cơ cúm tiến triển nặng và phải nhập viện do cúm.
Cụ thể, với nhóm trẻ (6 tháng đến 17 tuổi) được tiêm vaccine ngừa cúm đã giảm tình trạng gặp bác sĩ chăm sóc sức khỏe từ 59 đến 67%, giảm khả năng nhập viện vì cúm từ 52 đến 61%. Đồng thời, tiêm vaccine phòng cúm cũng mang lại hiệu quả bảo vệ cho cả người lớn, giảm nguy cơ thăm khám bệnh do cúm hơn 33 - 49%, giảm khả năng nhập viện từ 41 - 44%. Ở người cao tuổi, tiêm vaccine cúm cũng giúp giảm tỷ lệ nhiễm virus cúm, phải thăm khám bác sĩ hơn 41 - 51% và khả năng nhập viện vì cúm hơn 42%.
Tiêm vaccine phòng cúm có gây bùng phát cơn viêm khớp dạng thấp?
Đây chính là lo ngại chung của nhiều bệnh nhân mắc viêm khớp dạng thấp. Và theo nhiều nghiên cứu, vaccine ngừa cúm không phải là nguyên nhân gây bùng phát bệnh viêm khớp dạng thấp. Nhưng ngược lại, theo Medical News Today, nhiễm trùng do virus như cúm có thể gây bùng phát các triệu chứng viêm khớp dạng thấp như đau nhức xương khớp, mệt mỏi nghiêm trọng, sốt,... Vì lý do này thì người bị viêm khớp dạng thấp nên tiêm vaccine phòng cúm mùa bất cứ khi nào có thể.
Trong đó, vaccine phòng cúm mất từ 2 tuần đến 1 tháng để có thể phát huy hoàn toàn tác dụng. Do vậy nên tiêm vaccine ít nhất từ 2 tuần tới 1 tháng trước khi mùa cúm bắt đầu. Cụ thể, cúm mùa thường bắt đầu vào tháng 10, tháng 11 dương lịch và kết thúc vào tháng 3 dương lịch; thường đạt đỉnh vào tháng 3 - 4 và tháng 9 - 10 dương lịch hàng năm. Chủ yếu liên quan tới giai đoạn giao mùa.
Người đang dùng thuốc chữa viêm khớp dạng thấp có thể tiêm vaccine ngừa cúm không?
Thông thường người đang uống thuốc viêm khớp dạng thấp hoàn toàn có thể tiêm vaccine phòng cúm, bao gồm thuốc methotrexate, infliximab và etanercept. Tuy nhiên, một thử nghiệm lâm sàng năm 2017 trên BMJ thì bệnh nhân ngừng dùng methotrexate có thể giúp cải thiện hiệu quả của vaccine ngừa cúm. Nhưng đôi khi ngừng thuốc có thể khiến bệnh bùng phát nặng hơn nên cần tham khảo ý kiến bác sĩ để nhận được lời khuyên phù hợp với từng thể trạng cá nhân khác nhau.
Các tác dụng phụ khi tiêm vaccine phòng cúm
Giống như các loại vaccine khác thì tiêm vaccine phòng cúm cũng có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn từ nhẹ, trung bình tới nghiêm trọng. Các tác dụng phụ phổ biến gồm: Đau nhức, sưng tấy tại vị trí tiêm; đau đầu; sốt; buồn nôn; đau mỏi cơ bắp tại tay tiêm; mệt mỏi nói chung.
Sốc phản vệ là phản ứng nghiêm trọng khi tiêm phòng cúm có thể phát triển trong vòng vài phút tới vài giờ sau khi tiêm. Các triệu chứng gồm: Thở khò khè; phát ban mề đay toàn thân; khó thở; sưng nề mắt, môi, họng; da nhợt nhạt hơn; nhịp tim nhanh; co giật; ngất xỉu. Khi xuất hiện một trong bất kỳ triệu chứng kể trên sau khi tiêm vaccine phòng cúm cần nhanh chóng liên hệ với nhân viên y tế để được cấp cứu khẩn cấp.
3. Phòng cúm cho người mắc viêm khớp dạng thấp
Ngoài tiêm vaccine ngừa cúm hàng năm thì bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp cần lưu ý những vấn đề sau để phòng cúm hiệu quả:
- Tránh tiếp xúc với người có các triệu chứng cúm hay nghi ngờ bị cúm, bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác (ho, hắt hơi, sổ mũi, sốt,...).
- Tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước sạch trong ít nhát 20 giây.
- Đeo khẩu trang khi tới những nơi đông người, điều kiện thông gió kém.
- Vệ sinh và khử trùng các bề mặt thường xuyên tiếp xúc, nhất là khi trong nhà có người bị nhiễm cúm.
- Duy trì các thói quen lành mạnh như ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên, chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng, kiểm soát căng thẳng.
- Uống thuốc viêm khớp dạng thấp đúng, đủ theo đơn của bác sĩ và thăm khám định kỳ nếu cần thiết.
Nhìn chung, người bị viêm khớp dạng thấp có nguy cơ nhiễm cúm và biến chứng nặng do cúm nên tiêm vaccine phòng cúm là cách an toàn để giảm nguy cơ này. Trước khi tiêm vaccine, hãy nói chuyện với bác sĩ để tìm hiểu cân nhắc về các rủi ro và tác dụng phụ tiềm ẩn có thể gặp phải sau khi tiêm. Ngoài vaccine phòng cúm thì người bị viêm khớp dạng thấp cũng cần tiêm thêm các vaccine ngừa phế cầu, vaccine ngừa zona để giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp khác.
Nguồn: Medical News Today, The Lancet