Làm gì để chặn dịch sởi bùng phát?

Theo các chuyên gia y tế, sau khi tiêm phòng sởi, vaccine sẽ kích thích cơ thể đáp ứng tạo miễn dịch giúp cơ thể không nhiễm virus. Vì vậy, để phòng bệnh, người dân nên đi tiêm phòng vaccine sởi.

Bệnh nhi mắc sởi nặng điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: BVCC.

Bệnh nhi mắc sởi nặng điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: BVCC.

Số ca mắc tăng tại Hà Nội

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội cho biết, trong tuần vừa qua, toàn thành phố ghi nhận 114 trường hợp mắc sởi. Cộng dồn từ đầu năm 2025, thành phố Hà Nội ghi nhận 441 trường hợp tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Số ca mắc sởi trong tuần tương đương so với tuần trước và vẫn ở mức cao, chủ yếu ở người chưa tiêm vaccine hoặc chưa tiêm đầy đủ, dự báo tiếp tục ghi nhận ca bệnh trong thời gian tới.

Đặc biệt, không ít trường hợp mắc sởi gặp nguy kịch do biến chứng. Cụ thể, đại diện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, Khoa Nhi của bệnh viện đã điều trị cho nhiều bệnh nhân mắc bệnh sởi, trong đó phần lớn là trẻ em dưới 1 tuổi. Trường hợp bệnh nhi N.T.Q. (5 tháng tuổi, Bắc Giang) là một trong những ca bệnh nặng nhất tại khoa. Ban đầu, bệnh nhi sốt cao 39,5°C, ho khan, ngạt mũi, mắt nhiều gỉ và tiêu chảy 3 - 4 lần mỗi ngày. Sau 2 ngày sốt, bệnh nhi bắt đầu phát ban đỏ từ mặt, cổ và lan ra thân mình - một dấu hiệu điển hình của bệnh sởi. Ban sởi lan đến hai đùi và bệnh nhi được chẩn đoán mắc sởi biến chứng viêm phổi.

Trước khi chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, tình trạng suy hô hấp của bệnh nhi trở nên nghiêm trọng, buộc phải đặt nội khí quản và bóp bóng hỗ trợ. Khi nhập viện, bệnh nhi có ban sởi toàn thân, phù nề mi mắt, xuất huyết tại các vị trí tiêm truyền. Chẩn đoán hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, một biến chứng nặng của sởi.

Không chỉ trẻ nhỏ, người lớn cũng có nguy cơ biến chứng do sởi. Trước đó, bệnh nhân nam (56 tuổi ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vào Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) trong tình trạng khó thở, sốt cao, phát ban ở vùng đầu, mặt và cổ sau chuyển biến suy hô hấp cấp.

Các triệu chứng bệnh sởi được xác định rõ ràng, xét nghiệm khẳng định dương tính với bệnh sởi. Cùng với biến chứng viêm phổi do virus sởi gây ra kèm theo tiêu chảy, biểu hiện nhiễm trùng của bệnh nhân cũng có xu hướng tăng. Sau 4 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân tỉnh táo, giảm sốt, mức độ tiêu chảy giảm nhiều, mức độ suy hô hấp đã được cải thiện rõ rệt, các chỉ số về mức ổn định, ban nổi toàn thân.

Cần tiêm phòng đầy đủ

Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho rằng, bất kỳ trẻ nhỏ nào chưa có miễn dịch mà tiếp xúc với nguồn bệnh đều có nguy cơ mắc bệnh rất cao. Điều đáng nói, qua thống kê, trên địa bàn Thủ đô, nhóm tuổi dưới 9 tháng bị mắc sởi chiếm trên 20%. Đây là nhóm tuổi nhỏ, chưa đủ tuổi để tiêm vaccine phòng bệnh sởi theo chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia. Do đó, nhằm tăng miễn dịch, góp phần quan trọng ngăn chặn dịch bệnh sởi, từ ngày 17 - 28/2, toàn thành phố triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ từ đủ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi, phấn đấu đạt 95%. Dự kiến, khoảng 20.000 trẻ trong độ tuổi này sẽ được tiêm 1 mũi vaccine phòng bệnh sởi.

BS Phạm Văn Phúc - Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây dịch, do virus sởi gây nên, lây qua đường hô hấp. Sởi có các biểu hiện sốt, phát ban đặc trưng, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc mắt, tiêu hóa.

Sởi dễ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng và đôi khi gây tử vong bao gồm viêm phổi, viêm não. Bệnh sởi ở người lớn ít khi xảy ra. Người lớn mắc bệnh sởi thường gặp ở các nhóm có yếu tố nguy cơ là người chưa bao giờ tiêm vaccine phòng sởi; người có suy giảm miễn dịch sởi theo thời gian; những người có bệnh nền và bệnh suy giảm miễn dịch; điều trị hóa chất, ung thư… Khi phát hiện các triệu chứng bất thường, người dân nên đến cơ sở y tế chuyên khoa uy tín để được khám và điều trị kịp thời tránh biến chứng đáng tiếc.

BS Phúc khuyến cáo, hiện nay trên thế giới có nhiều loại vaccine phòng sởi được sản xuất dưới dạng vaccine đơn hoặc vaccine đôi phối hợp (sởi -rubella hoặc sởi - quai bị - rubella). Sau khi tiêm, vaccine sẽ kích thích cơ thể đáp ứng tạo miễn dịch giúp cơ thể không nhiễm virus sởi. Vì vậy, để phòng bệnh, người dân nên đi tiêm phòng vaccine sởi.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, dễ lây lan qua đường hô hấp qua các giọt bắn của người mắc bệnh hoặc có thể qua tiếp xúc trực tiếp, bàn tay bị nhiễm dịch tiết của người bệnh. Những nơi tập trung đông người như nơi công cộng, trường học... có nguy cơ rất cao lây lan dịch sởi. Để phòng bệnh sởi, người dân nên chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vaccine sởi đi tiêm đầy đủ và đúng lịch. Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/lam-gi-de-chan-dich-soi-bung-phat-10300210.html
Zalo