Cảnh báo lây bệnh viêm não nguy hiểm

Đối tượng dễ mắc bệnh là người trẻ tuổi, người chưa có miễn dịch hoặc chưa được tiêm phòng

Một phụ nữ 48 tuổi sinh sống tại TP HCM về quê ăn Tết ở Hà Nam bằng xe khách. Ngày 7-2, bà bắt đầu sốt rét run liên tục, nặng dần và đến tối cùng ngày thì đau đầu, nôn, mệt mỏi, lơ mơ, nhận thức chậm; được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện địa phương trước khi chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Bệnh đặc biệt nguy hiểm

PGS-TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai, cho biết tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân có những ban xuất huyết hoại tử trên da, dịch não tủy màu vàng đục - dấu hiệu điển hình của viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu. Xét nghiệm khẳng định bệnh nhân nhiễm vi khuẩn não mô cầu type B - một trong những chủng nguy hiểm nhất. "Đây là bệnh đặc biệt nguy hiểm bởi tốc độ tiến triển và có thể cướp đi sinh mạng con người trong vòng chưa đầy một ngày kể từ khi khởi phát. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp và thường để lại di chứng nặng nề" - PGS Cường cảnh báo.

Sau khi được điều trị kịp thời, bệnh nhân tiến triển tốt hơn, hết sốt, hết đau đầu, các vết ban hoại tử ngoài da đã dần biến mất, có thể ra viện trong vài ngày tới. Những người tiếp xúc gần với bệnh nhân gồm người nhà, nhân viên y tế đã được cảnh báo và uống thuốc dự phòng. Bệnh viện cũng thông báo về ca bệnh này cho các đơn vị có liên quan để điều tra dịch tễ, phòng chống lây nhiễm các ổ dịch lây lan trong cộng đồng.

Trước đó chưa lâu, một nam quân nhân 23 tuổi đã tử vong được xác định do sốc nhiễm khuẩn não mô cầu thể tối cấp. Trước khi đến cơ sở y tế, nam thanh niên này có đau bụng kèm theo sốt, gai rét. Bệnh nhân được đưa đến bệnh xá trong tình trạng sốt cao 40 độ C, nôn liên tục ra dịch vàng, đau bụng quanh rốn, điều trị hạ sốt và dùng kháng sinh. Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhân nhanh chóng xấu đi với các biểu hiện khó thở, lơ mơ, ban xuất huyết toàn thân. Trước khi đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khoảng 10 phút, bệnh nhân ngừng tuần hoàn. Dù được cấp cứu tích cực nhưng sau 45 phút tim không đập lại, bệnh nhân được xác định tử vong ngoại viện. Đây là ca tử vong do viêm não mô cầu đầu tiên được ghi nhận ở nước ta trong năm 2025.

Thăm khám bệnh nhân não mô cầu tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: NGUYÊN HÀ

Thăm khám bệnh nhân não mô cầu tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: NGUYÊN HÀ

Lan nhanh chốn đông người

PGS Đỗ Duy Cường cho biết viêm não mô cầu là bệnh cấp tính do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra. Bệnh thường gặp ở những nơi đông người như doanh trại, trường học, khu tập thể, ký túc xá…, đặc biệt ở những người suy giảm miễn dịch hoặc đồng nhiễm khuẩn đường hô hấp. Vi khuẩn dễ dàng lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết, giọt bắn từ mũi, họng của người bệnh hoặc người lành mang trùng. Khoảng 5%-25% dân số Việt Nam mang mầm bệnh nhưng không có biểu hiện ra bên ngoài. Tỉ lệ này thậm chí còn cao hơn tại khu vực ổ dịch. Đối tượng dễ mắc bệnh là người trẻ tuổi, người chưa có miễn dịch hoặc chưa được tiêm phòng.

"Với thể cấp và tối cấp bệnh tiến triển cực nhanh, chỉ trong vài giờ với các triệu chứng sốt cao, đau đầu, nôn, rối loạn ý thức, hôn mê. Ban xuất huyết hoại tử trên da có thể báo hiệu tình trạng nhiễm trùng huyết và suy đa tạng, dẫn đến tử vong nhanh chóng. Viêm màng não do não mô cầu có tỉ lệ tử vong từ 10%-20%. Với những thể bệnh nặng, bệnh nhân có thể tử vong trong vòng 24 giờ nếu không được điều trị kịp thời. Nếu được cứu sống, vẫn có một tỉ lệ bị di chứng như bại não, chậm phát triển tâm thần vận động, điếc, bại liệt, suy thận, tổn thương gan" - PGS Cường nhấn mạnh.

Bác sĩ Trần Quang Đại, Phòng Tiêm chủng vắc-xin (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), cho biết bệnh viêm màng não mô cầu không phải là bệnh thường gặp nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng. Có những trường hợp tử vong chỉ sau vài giờ nhập viện. Các triệu chứng của bệnh thường xuất hiện đột ngột. Đối với những ca bệnh không điển hình thường có biểu hiện như sốt, buồn nôn hoặc nôn, chán ăn, đau họng; đối với ca đặc trưng thường xuất hiện phát ban xuất huyết, cứng cổ, sợ ánh sáng. Đối với trẻ nhỏ, có một số dấu hiệu xuất phát từ sự thay đổi lối sinh hoạt thường ngày như ngủ li bì, kén ăn, bỏ bú, chán chơi, phát ban… Đây là một trong những bệnh lý nguy hiểm nhất do tốc độ tiến triển nhanh và khả năng gây tử vong chỉ trong vòng 24 giờ.

Theo thống kê, tỉ lệ mắc bệnh viêm màng não mô cầu ở Việt Nam lên đến khoảng 2,3/100.000 dân. Đây là 1 trong 10 căn bệnh truyền nhiễm có tỉ lệ tử vong cao nhất. Thời gian qua, một số địa phương đã ghi nhận ca mắc, tử vong do căn bệnh này. Để phòng bệnh, cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc hoặc chăm sóc người bệnh, bệnh có thể dự phòng bằng vắc-xin. Khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Cứ 6 người nhiễm não mô cầu, 1 không qua khỏi

Đến nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn xếp viêm màng não vào nhóm bệnh nguy hiểm hàng đầu, bởi mỗi năm thế giới có đến hơn 2,5 triệu ca nhiễm do mọi nguyên nhân và khoảng 240.000 ca tử vong vì căn bệnh này. Cứ 6 người nhiễm não mô cầu sẽ có 1 người không qua khỏi. Các trường hợp mắc bệnh đều phải được theo dõi, điều trị. Với những người tiếp xúc gần đều cần điều trị dự phòng bằng kháng sinh đặc hiệu, đồng thời giám sát, theo dõi sức khỏe.

Bài và ảnh: NGỌC DUNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/canh-bao-lay-benh-viem-nao-nguy-hiem-196250219210939504.htm
Zalo