'Cơn bão' cúm mùa hoành hành tại Mỹ

Dịch cúm mùa chẳng khác nào một cơn bão dịch bệnh nguy hiểm hoành hành tại nước Mỹ khi đã có có hàng chục triệu người mắc bệnh, 13.000 ca tử vong, và rất bất thường khi có tỷ lệ nhập viện cao hơn thời đại dịch Covid-19, trong đó có nhiều bệnh nhân nặng.

Bất thường và nguy hiểm dịch cúm mùa

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), dịch cúm mùa hiện đang bùng phát ở ít nhất 45/50 bang khắp nước Mỹ. Với ít nhất 24 triệu ca mắc cúm, 310.000 ca nhập viện điều trị và 13.000 ca tử vong do cảm cúm đã được ghi nhận, dịch cúm mùa 2024-2025 tại nước Mỹ được đánh giá rất nghiêm trọng, bất thường, có tỷ lệ nhập viện vượt thời đại dịch Covid-19 và ngang với đỉnh điểm của đại dịch cúm lợn năm 2009.

“Cơn bão” cúm mùa bất thường và nguy hiểm đang hoành hành tại nước Mỹ

“Cơn bão” cúm mùa bất thường và nguy hiểm đang hoành hành tại nước Mỹ

Đến nay, đã có trên 45 bang và khu vực của nước Mỹ thông báo về mức độ hoạt động của cảm cúm ở mức “cao hoặc rất cao”, trong khi số ca khám cấp cứu liên quan đến cảm cúm trên toàn quốc cũng đạt mức “rất cao”. Đáng chú ý, CDC cũng ghi nhận một trường hợp nhiễm virus cúm A (H1N2) biến thể ở người trong tuần này. Đây là ca nhiễm virus cúm biến thể đầu tiên được báo cáo trong mùa 2024-2025 tại Mỹ, cho thấy thêm một thách thức mới trong cuộc chiến kiểm soát dịch cúm.

Theo số liệu thống kê gần đây nhất, kể từ ngày 23-1 đến ngày 1-2, cứ 100.000 người Mỹ có 14,4 người nhập viện do cúm, cao hơn tỷ lệ nhập viện trong dịch Covid-19 lúc đỉnh điểm làn sóng virus chủng Delta tháng 9-2021. Hiện, tỷ lệ nhập viện do cúm bằng một nửa so với đỉnh dịch Covid-19 khi làn sóng biến thể Omicron năm 2022. Tuy nhiên, đây là dịch mùa cúm đầu tiên ở nước Mỹ có số ca nhập viện tích lũy cao hơn thời đại dịch Covid-19 với khoảng 64 ca nhập viện do cúm trên 100.000 người tính đến ngày 1-2 vừa qua, cao hơn so với 44 ca lúc dịch Covid-19.

Số ca tử vong hàng tuần do cúm mùa hiện nay cũng lần đầu vượt so với đại dịch Covid-19. Trong 2 tuần cuối tháng 1-2025, bệnh cúm khiến 1.302 người tử vong, nhiều hơn so với 1.066 người mắc Covid-19. Theo CDC, virus cúm hoạt động ở mức độ cao trên cả nước Mỹ với tỷ lệ cứ 3 người xét nghiệm tại phòng khám hoặc bệnh viện, sẽ có 1 người dương tính. Thậm chí, tại một số phòng khám ở Thủ đô Washington có tới 50% bệnh nhân xét nghiệm dương tính với virus cúm - một con số mà giới chuyên môn đánh giá là “đáng kinh ngạc và vượt qua cả đại dịch Covid-19 trước đây”.

“Cơn bão” cúm mùa càn quét đã dẫn tới những hệ lụy nghiêm trọng cho nước Mỹ, trước hết là sự quá tải của hệ thống bệnh viện. Các bệnh viện rơi vào khủng hoảng khi hứng chịu sự “tấn công” của dịch mùa cúm nghiêm trọng và bất thường nhất trong 15 năm qua.

Tiến sĩ Ryan Maves, chuyên gia y khoa chăm sóc đặc biệt tại Trường Y khoa Đại học Wake Forest, cho rằng, cường độ của mùa cúm năm nay giống như đại dịch cúm năm 2009, do một loại virus mới gây ra, xuất hiện ở Mexico và lây lan nhanh chóng trên toàn thế giới. Vì thế, dù có số lượng bệnh viện rất lớn, nhưng đa số các bệnh viện tại Mỹ đều rơi vào tình trạng quá tải”. Tiến sĩ Ryan Maves sau khi mô tả “mọi người tràn vào bãi đậu xe, chạy vào bệnh viện mặc dù nơi này đã rất đông” đã phải thốt lên rằng: “Tôi đang chứng kiến những điều mà cá nhân tôi chưa từng thấy”.

CDC Mỹ thừa nhận, nước này đang hứng chịu một mùa cúm dữ dội và các bệnh viện đang trong tình trạng khủng hoảng. Hệ thống y tế và cơ sở vật chất hiện không thể đáp ứng cho tất cả bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân nặng cần can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo - liệu pháp oxy hóa màng ngoài cơ thể).

Sự bùng phát bất thường của cúm mùa không chỉ ảnh hưởng đến hệ thống y tế mà còn tác động mạnh đến giáo dục. Nhiều trường học trên khắp nước Mỹ đã buộc phải hủy lớp học hoặc chuyển sang hình thức học trực tuyến nhằm giảm thiểu nguy cơ lây lan trong bối cảnh các ca bệnh tăng vọt.

“Vũ khí” vaccine

Các chuyên gia y tế cho rằng, nguyên nhân trước hết dẫn tới dịch cúm “nguy hiểm chẳng kém dịch Covid-19” tại nước Mỹ hiện nay là những ngày cuối tháng 1, đầu tháng 2 đang là giai đoạn đỉnh điểm của dịch cúm ở nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ với số ca mắc và tử vong do cúm liên tục tăng, khi không khí lạnh là một tác nhân gây nhiễm virus cúm. Những hệ lụy do cúm mùa khiến không ai có thể chủ quan và các biện pháp ứng phó với cúm mùa phải được cập nhật, điều chỉnh để phù hợp với tình hình mùa cúm bất thường năm nay.

Yếu tố thời tiết là một trong những nguyên nhân chính giải thích lý do mọi người dễ mắc cúm vào mùa này, đặc biệt sau khi hệ miễn dịch đã bị ảnh hưởng nặng nề sau đại dịch Covid-19. Số ca mắc cúm mùa tăng cao có thể là do trong một thời gian dài xảy ra đại dịch Covid-19, bệnh cúm mùa không phát triển mạnh, khiến cơ thể con người không sản sinh ra kháng thể chống bệnh cúm, đặc biệt là đối với trẻ em. Bên cạnh đó, khi du lịch quốc tế trở lại bình thường và các khuyến nghị đeo khẩu trang được nới lỏng, virus cúm có điều kiện thuận lợi để lây lan rộng rãi. Yếu tố mùa đông, như nhiệt độ lạnh hơn và ít nắng hơn, có thể làm trầm trọng thêm sự lây lan của bệnh cúm, gia tăng hơn nữa những thách thức do tỷ lệ tiêm chủng giảm. Hệ thống miễn dịch ở người có thể yếu hơn trong mùa đông do lượng vitamin D thấp vì thiếu nắng.

Một nghiên cứu trước đó được công bố trên Tạp chí Dị ứng và miễn dịch học lâm sàng (The Journal of Allergy and Clinical Immunology) đã chỉ ra, trên thực tế, việc giảm nhiệt độ bên trong mũi chỉ 5 độ C sẽ tiêu diệt gần 50% trong số hàng tỷ tế bào chống vi khuẩn và virus có ích trong lỗ mũi. Trong khi đó, Tiến sĩ Zara Patel, chuyên khoa tai mũi họng tại trường Y khoa Đại học Stanford (California, Mỹ), cho rằng, nhiệt độ lạnh hơn hạn chế phản ứng miễn dịch bẩm sinh của con người. Cùng quan điểm, Tiến sĩ Benjamin Bleier, Phó Giáo sư tại trường Y khoa Harvard (thành phố Boston, Mỹ), giải thích rằng, không khí lạnh có liên quan đến việc tăng nguy cơ nhiễm virus vì về cơ bản, con người đã mất một nửa khả năng miễn dịch.

Một nguyên nhân khác khiến ứng phó với dịch cúm khó khăn được xác định một phần do CDC Mỹ hạn chế công bố dữ liệu quan trọng về dịch cúm kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ hai. Nhiều chuyên gia y tế cảnh báo, việc thiếu thông tin quan trọng về mức độ lây lan và nguy hiểm của các chủng virus cúm khiến hệ thống y tế Mỹ rơi vào thế bị động. Bác sĩ Sonya Stokes, công tác tại phòng cấp cứu khu vực Vịnh San Francisco, bày tỏ lo ngại rằng khi không có dữ liệu chi tiết, thì không thể đưa ra hướng điều trị phù hợp cho bệnh nhân.

Việc hạn chế công bố dữ liệu không chỉ tác động đến hệ thống y tế trong nước Mỹ mà còn ảnh hưởng đến hợp tác quốc tế. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết CDC Mỹ đã ngừng chia sẻ dữ liệu thông qua nền tảng FluNet và FluID, vốn là công cụ quan trọng giúp giám sát sự lây lan của virus cúm trên toàn cầu. Trong bối cảnh virus cúm gia cầm H5N1 có dấu hiệu lây lan rộng, các chuyên gia càng lo ngại thiếu dữ liệu có thể khiến Mỹ chậm trễ trong việc phát hiện và ngăn chặn dịch bệnh.

Để ứng phó với dịch cúm mùa hiện nay, các chuyên gia y tế nhấn mạnh, đẩy mạnh tiêm vaccine phòng cúm là biện pháp phổ biến nhất đang được các nước áp dụng để bảo vệ người dân. Bên cạnh tăng cường chiến dịch tiêm vaccine, CDC Mỹ đồng thời khuyến khích các bang tạm đóng cửa trường học nếu cần thiết, cũng như tạm đóng cửa các chợ gia cầm sống. Ngoài ra, để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, các chuyên gia cũng khuyến cáo cần chú ý đến các biện pháp phòng bệnh không đặc hiệu như tăng cường vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, vệ sinh tay, giữ ấm, ăn uống đầy đủ dưỡng chất, vệ sinh môi trường như: tránh không khí ẩm thấp, thiếu ánh nắng, vệ sinh bề mặt, hạn chế tiếp xúc nơi đông người.

HOÀNG TUẤN

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/con-bao-cum-mua-hoanh-hanh-tai-my-post603922.antd
Zalo