Hitler ở tuổi thiếu niên: Chống đối cha, muốn trở thành họa sĩ
Câu chuyện về một cậu bé còn chưa đến tuổi thiếu niên tranh đấu với người cha cứng rắn có tính áp đặt là một trong những đề mục hiếm hoi mà Hitler kể một cách chi tiết và xem chừng trung thực trong quyển Mein Kampf.
Lúc người cha nghỉ hưu ở tuổi 58, cậu bé Adolf lên 6 đang theo học một trường công lập ở làng Fischlham, chỉ một quãng ngắn gần thị trấn Linz về hướng Tây Nam. Đó là vào năm 1895. Trong 4 hoặc 5 năm kế tiếp, người cha lông bông của cậu đang lĩnh lương hưu và cư ngụ từ làng này qua làng khác chung quanh Linz.
Khi bước sang tuổi 15, cậu học trò còn nhớ địa chỉ đã thay đổi 7 lần và trường học đã thay đổi 5 lần. Trong 2 năm, cậu theo học trường nhà dòng ở Lambach, ở gần nơi cha cậu đã mua một nông trại. Ở đây, cậu hát trong ca đoàn, tham gia một lớp dạy hát và - theo lời kể của riêng cậu- mơ đến một ngày được thụ phong.
Cuối cùng, gia đình cậu định cư hẳn trong làng Leonding, vùng ngoại ô phía Nam của thị trấn Linz, nơi họ có một ngôi nhà và khu vườn khiêm tốn.
Năm 11 tuổi, Adolf theo học trường trung học ở Linz. Việc này cho thấy người cha đã chịu hy sinh tài chính cho con ăn học và mong mỏi đứa con trở thành công chức giống như mình như thế nào. Nhưng Adolf luôn chống lại ý tưởng này một cách quyết liệt. Sau này, ông kể:
“Lúc chỉ mới 11 tuổi, lần đầu tiên tôi buộc phải chống đối (cha tôi)... Tôi không muốn trở thành công chức”.

Hình ảnh minh họa chân dung Hitler thời thiếu niên và trưởng thành. Ảnh: Time.
Câu chuyện về một cậu bé còn chưa đến tuổi thiếu niên tranh đấu với người cha cứng rắn có tính áp đặt là một trong những đề mục hiếm hoi mà Hitler kể một cách chi tiết và xem chừng trung thực trong quyển Mein Kampf. Mâu thuẫn giữa 2 cha con cho thấy biểu hiện đầu tiên của một ý chí mãnh liệt, không nao núng mà sau này sẽ mang người con đi xa, bất chấp bao trở ngại tưởng chừng không thể vượt qua được.
“Tôi không muốn trở thành công chức, không, nghìn lần không. Bằng những mẩu chuyện trong cuộc đời mình, cha tôi cố khơi dậy trong tôi lòng yêu thích cái nghề này, nhưng kết quả chỉ là ngược lại. Tôi... ớn đến tận cổ khi nghĩ đến việc ngồi trong một văn phòng, đánh mất mọi tự do, chẳng còn có thể làm chủ thời gian của mình, bị bắt buộc phải cảm thấy toại nguyện cả đời với những biểu mẫu cần điền vào...
Cho đến một ngày, tôi thấy rõ rằng mình sẽ trở thành một họa sĩ, một nghệ nhân... Cha tôi cực kỳ kinh ngạc: ‘Họa sĩ hả? Nghệ nhân hả?’
Ông ấy nghĩ tôi không minh mẫn, hoặc có lẽ ông ấy nghĩ đã nghe nhầm hoặc hiểu lầm về tôi. Nhưng khi biết rõ và đặc biệt khi hiểu ra ý nguyện nghiêm túc của tôi, ông tỏ ra cương quyết hết mực. ‘Nghệ nhân! Không! Không bao giờ trong khi cha còn sống!’... Cha tôi không hề thay đổi câu “Không bao giờ!” Còn tôi vẫn cương quyết nói: ‘‘Nhưng....”.
Sau này, Hitler giải thích một trong những nguyên do khiến ông học hành kém cỏi rồi cuối cùng bỏ học là vì chống lại ý muốn của người cha.
“Tôi nghĩ một khi cha tôi thấy tôi không tiến bộ ở trường học, ông sẽ cho tôi dồn thời gian vào mơ ước của mình, dù ông có thích hay không”.
Điều này được viết ra vào 34 năm sau, có thể là một phần biện hộ cho sự thất bại của Hitler ở trường học. Điểm của ông ở trường tiểu học đều cao. Nhưng điểm của ông ở trường trung học Linz thì kém đến nỗi cuối cùng, khi không thể nhận được chứng chỉ, ông bị buộc phải chuyển qua học trường công lập ở Steyr. Ông chỉ theo học trường này một thời gian ngắn rồi bỏ dở.
Thất bại ở trường học giày vò Hitler trong đoạn đời về sau, khi ông dùng nhiều ngôn từ mang tính hạ nhục để nói về “hạng người” hàn lâm, bằng cấp và chứng chỉ cùng dáng vẻ mô phạm của họ. Ngay cả trong 3, 4 năm cuối của cuộc đời, ở Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực, trong khi tất bật về chiến lược, chiến thuật và chỉ huy quân đội, Hitler thường dành một buổi tối để kể lại với những người bạn chí thân của mình về sự ngu xuẩn của những thầy giáo lúc ông còn nhỏ. Nhiều câu lải nhải của ông trong thời gian này đã được ghi lại.
“Khi nhớ về những thầy giáo của mình, tôi nhận ra là phần lớn trong số họ đều hơi điên khùng. Những người được xem là nhà giáo giỏi thì chỉ là ngoại lệ. Những người như thế mà có quyền cản bước đường của một đứa trẻ thì sẽ là cả một bi kịch - 3 tháng 3 năm 1942”.
[...]
“Khi nhớ về những giáo viên của mình ở trường học, tôi nhận ra phân nửa trong số họ là bất bình thường... Học trò chúng tôi ở nước Áo ngày xưa được nuôi nấng nhằm tuân phục người lớn và phụ nữ. Nhưng ta không khoan dung với giáo viên, họ là những kẻ thù tự nhiên của ta. Đa số có phần điên khùng và một số rốt cuộc trở nên tận trung với Chúa trong hoang tưởng! ... Tôi có ác cảm đặc biệt với giáo viên. Tôi không có khả năng về ngoại ngữ - đó là vì ông giáo của tôi khi đó là một kẻ ngu ngốc bẩm sinh. Tôi không thể chịu được khi nhìn thấy ông ta - 29 tháng 8 năm 1942”.
“Giáo viên của chúng tôi là những kẻ chuyên chế tuyệt đối. Họ không có lòng cảm thông với tuổi trẻ, mục đích duy nhất của họ là nhồi nhét vào đầu của chúng tôi và biến chúng tôi trở thành loài khỉ vượn thông thái giống như họ. Nếu có đứa học trò nào cho thấy chút ít tính sáng tạo, thì họ sẽ liên tục hành hạ nó và những đứa học trò gương mẫu mà tôi từng được biết thì đều thất bại ở kiếp sau - 7 tháng 9 năm 1942”.
Rõ ràng là cho đến ngày cuối trong đời, Hitler vẫn không bao giờ tha thứ, cũng như không thể nào quên các giáo viên, vì họ đã cho ông điểm kém. Nhưng ông có thể bóp méo sự việc đến mức lố bịch.