Nguy cơ nhiễm trùng từ tai nghe bẩn: Cách phòng tránh
Tai nghe không dây bẩn không chỉ làm giảm chất lượng âm thanh, mà còn có thể gây ra các vấn đề về thính giác hoặc nhiễm trùng tai. Làm cách nào để vệ sinh tai nghe đúng cách?
Tai nghe không dây đã trở thành một phần không thể trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Tuy nhiên, có bao giờ bạn kiểm tra xem chúng bẩn đến mức nào chưa? Nếu nhìn kĩ, có thể bạn sẽ giật mình khi thấy lớp bụi bẩn và ráy tai tích tụ trên bề mặt tai nghe, thậm chí làm kẹt lưới loa.
Dưới đây là một số lời khuyên từ các chuyên gia giúp bạn giữ tai nghe không dây luôn sạch sẽ và an toàn.
Nguy cơ từ việc sử dụng tai nghe không dây bẩn
Theo Tiến sĩ Jonathan Webster, bác sĩ đa khoa tại Doctify, ráy tai không phải là một vấn đề xấu, bởi nó có vai trò bảo vệ tai khỏi bụi bẩn và vi khuẩn.
Tuy nhiên, khi đeo tai nghe trong thời gian dài, ráy tai không thể tự đào thải ra ngoài như bình thường, khiến nó tích tụ trong tai và trên tai nghe. Điều này tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, giữ lại độ ẩm và tăng nguy cơ nhiễm trùng tai.
Nhà vi sinh vật học - Tiến sĩ Michael Taveirne (ĐH bang North Carolina) vào năm 2019 đã kiểm tra mẫu vi khuẩn trên nhiều loại tai nghe khác nhau, và phát hiện chúng chứa vi khuẩn tụ cầu (Staphylococcus) và pseudomonas, hai loại vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng trong điều kiện thích hợp.
Tương tự, theo một chuyên gia về tai mũi họng tại Florida, tai nghe có thể chứa vi khuẩn nhiều hơn khoảng 2.700 lần so với một chiếc thớt nhà bếp hoặc gấp 6 lần bồn rửa chén.

Tai nghe không dây bẩn có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng. Ảnh: TIỂU MINH
Mặc dù không phải ai cũng bị nhiễm trùng tai do dùng tai nghe bẩn, nhưng nguy cơ sẽ tăng lên nếu tai nghe không vừa vặn, gây trầy xước ống tai hoặc nếu người dùng thường xuyên chạm vào tai nghe mà không rửa tay.
Cách vệ sinh tai nghe không dây đúng cách
Mặc dù nguy cơ là vậy, nhưng bạn có thể dễ dàng vệ sinh tai nghe chỉ với một vài vật dụng quen thuộc trong nhà. Dưới đây là các bước làm sạch tai nghe hiệu quả mà không làm hư hỏng thiết bị.
- Dùng khăn lau khử trùng hoặc bình xịt không chứa cồn: Đây là cách đơn giản nhất để loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn mà không làm ảnh hưởng đến chất liệu của tai nghe. Hãy chọn khăn lau khử trùng không chứa cồn để tránh làm khô và nứt các bộ phận bằng nhựa, silicon hoặc cao su.
- Sử dụng dụng cụ vệ sinh tai nghe: Có rất nhiều dụng cụ chuyên dụng để làm sạch tai nghe, nhưng nếu không có, bạn có thể dùng bàn chải đánh răng cũ hoặc tăm bông để quét sạch bụi bẩn trong các khe nhỏ. Với AirPods hoặc các loại tai nghe có lưới loa, hãy chải nhẹ nhàng để loại bỏ các mảng ráy tai cứng đầu.
- Lau sạch tai nghe bằng vải sợi nhỏ: Nếu bạn có kính mắt, chắc chắn bạn sẽ quen thuộc với vải lau kính bằng sợi nhỏ. Loại vải này giúp làm sạch tai nghe mà không để lại xơ vải, đồng thời giảm tích tụ tĩnh điện, một trong những nguyên nhân khiến bụi bẩn bám lại nhanh hơn.
- Ngâm đầu mút tai nghe trong nước xà bông: Với các tai nghe có đầu mút silicon hoặc foam (như Sony WF-1000XM4 hay AirPods Pro), hãy tháo chúng ra và ngâm trong nước ấm pha ít xà bông khoảng 30 phút. Sau đó, hãy lau khô hoàn toàn trước khi gắn lại. Điều này giúp loại bỏ mồ hôi, bụi bẩn và vi khuẩn tích tụ sau thời gian dài sử dụng.

Vệ sinh tai nghe không dây bằng các bộ công cụ chuyên dụng. Ảnh: TIỂU MINH
Đừng quên rằng hộp sạc cũng là nơi bụi bẩn tích tụ. Nếu đặt tai nghe sạch vào một hộp sạc đầy bụi và vi khuẩn, chúng sẽ nhanh chóng bị bẩn trở lại. Hãy dùng tăm bông hoặc bàn chải mềm để loại bỏ bụi bẩn bên trong hộp.
Nếu có vết bẩn cứng đầu, bạn có thể dùng một miếng vải thấm nước xà bông để lau bên ngoài, nhưng tránh để nước lọt vào cổng sạc.
Lưu ý, người dùng không nên sử dụng cồn đậm đặc để vệ sinh tai nghe, bởi nó có thể làm khô và nứt các bộ phận bằng nhựa hoặc cao su. Không rửa tai nghe trực tiếp dưới nước trừ khi tai nghe của bạn có khả năng chống nước (IPX7 trở lên).
Nhìn chung, tai nghe sạch không chỉ giúp cải thiện chất lượng âm thanh, mà còn bảo vệ sức khỏe đôi tai của bạn. Vi khuẩn và bụi bẩn có thể dễ dàng tích tụ, nhưng với những bước vệ sinh đơn giản trên, bạn hoàn toàn có thể giữ tai nghe của mình sạch sẽ hơn.