Náo nức trẩy hội mùa Xuân

Mùa xuân, mùa của những lễ hội làng, hội vùng. Người dân hân hoan đi trẩy hội để được thể hiện lòng tri ân đối với các bậc tiền nhân; thành tâm nguyện cầu một năm mới bình an, may mắn đến với gia đình. Lễ hội còn là mạch nguồn để trở về với quá khứ, khi được trực tiếp tham gia vào các hoạt động mang đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc, của địa phương.

Du khách thập phương dự Lễ hội chùa Bái Đính năm 2025. Ảnh: Minh Quang

Du khách thập phương dự Lễ hội chùa Bái Đính năm 2025. Ảnh: Minh Quang

Lễ hội Chùa Bái Đính là một lễ hội tiêu biểu của miền Bắc, hòa quyện giữa nét đẹp Phật giáo và truyền thống dân gian Việt Nam. Đây không chỉ là dịp hành hương mà còn là cơ hội để tìm hiểu văn hóa, tận hưởng cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp của vùng đất Ninh Bình.

Đến với Ninh Bình, viếng thăm chùa Bái Đính nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên chị Nguyễn Thị Nguyệt ở huyện Cẩm Giàng (tỉnh Hải Dương) trở lại mảnh đất thiêng trong những ngày chùa Bái Đính khai hội.

Chị Nguyệt chia sẻ: Về với lễ hội Chùa Bái Đính, tôi có cơ hội được tìm hiểu về lịch sử của ngôi chùa có tuổi đời hàng nghìn năm này. Trong không gian trầm mặc, linh thiêng, chúng tôi có cơ hội được chứng kiến những nghi thức truyền thống của lễ hội như: Dâng hương cầu nguyện quốc thái dân an, dâng lục cúng; tưởng nhớ công đức của Quốc sư Nguyễn Minh Không, lễ tế thần Cao Sơn và chầu thánh Mẫu Thượng Ngàn; Phần hội là các nghi thức như: Rước kiệu bài vị thờ Thần Cao Sơn, Đức Thánh Nguyễn, Bà chúa Thượng Ngàn, rước kiệu lễ lên chùa cổ và chương trình nghệ thuật chào mừng…

Được trẩy hội, du xuân ở Ninh Bình vào những thời tiết thuận lợi, chúng tôi được chiêm bái, vãn cảnh chùa, được tham quan miền đất có cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp và thành tâm nguyện cầu bình an, may mắn tới tất cả mọi người.

Đã thành thông lệ, cứ vào ngày 11 tháng Giêng hàng năm, Nhân dân ở thôn Xuân Vũ (xã Ninh Vân, thành phố Hoa Lư) lại tưng bừng tổ chức lễ hội làng. Đối với người dân thôn Xuân Vũ, tham gia lễ hội làng là cơ hội được thành kính tỏ lòng tri ân công đức của các bậc tiền nhân đã có công bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ làng. Và những người thôn quê hồn hậu ấy cũng vui hết mình với những hoạt động sôi nổi trong lễ hội, đặc biệt là những hoạt động mang đậm nét văn hóa truyền thống như: tổ tôm điếm, đu quay, chọi gà…

Ông Nguyễn Quang Diệu, một người dân trong thôn chia sẻ: Lễ hội làng đã ăn sâu vào tiềm thức, trở thành nét đẹp văn hóa, là nơi “về nguồn” ý nghĩa của biết bao thế hệ người dân chúng tôi. Dù là ở ngay quê hương, hay phải bôn ba mưu sinh quanh năm ở xứ người nhưng khi làng mở hội thì ai cũng cố gắng thu xếp công việc để về quê dự hội như một cách để tỏ lòng thành kính tri ân công đức của các bậc tiền nhân và cùng nguyện cầu một năm mới dồi dào sức khỏe, mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt. Những nghi lễ truyền thống, những trò chơi dân gian trong lễ hội làng đã tạo nên sức hút đặc biệt với không chỉ người dân địa phương mà còn với du khách thập phương, khách quốc tế.

Nghi lễ rước “Khiết Đùn từ 36 quẻ” tại lễ hội Đền Cát Đùn, xã Gia Hưng (Gia Viễn). Ảnh: Ngọc Linh

Nghi lễ rước “Khiết Đùn từ 36 quẻ” tại lễ hội Đền Cát Đùn, xã Gia Hưng (Gia Viễn). Ảnh: Ngọc Linh

Đặc biệt, lễ hội làng còn là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước và lòng tự hào về nguồn cội của mình cho thế hệ trẻ. Đối với người dân xã Gia Hưng (huyện Gia Viễn) thì mỗi dịp tổ chức lễ hội truyền thống động Hoa Lư (hay còn gọi là thung Lau, thung Ông) vào ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm đều là một trong những thời khắc linh thiêng nhất trong năm. Đây là dịp để Nhân dân địa phương tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ ân đức to lớn của Đinh Tiên Hoàng Đế và các bậc tiền nhân, cầu cho một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt. Cứ vào dịp làng mở hội thì con cháu dù có đi xa cũng cố gắng thu xếp công việc để về làng dự hội.

Những phong tục truyền thống trong ngày hội vẫn được gìn giữ như một “báu vật”, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho Nhân dân và du khách về dự hội. Chị Minh Trúc (xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn) công tác ở xa quê. Năm nào làng mở hội, chị Trúc cũng đưa gia đình cùng tham gia chuyến hành hương về nguồn cội.

Chị Trúc chia sẻ, con đường nhỏ dẫn lối vào Động Hoa Lư mùa này vắng hẳn những bông lau, nhưng không vì thế mà bớt đi sự gợi nhớ về một thuở in dấu chân của vị vua huyền thoại. Hội làng là dịp hiếm hoi con cháu gần xa được hội tụ sau một năm vất vả mưu sinh khắp mọi miền. Chẳng cứ già hay trẻ, nam hay nữ, ai cũng có ý thức để gìn giữ nét đẹp văn hóa lễ hội làng với mong muốn lễ hội thực sự là nơi về nguồn đầy ý nghĩa trong tâm linh mỗi người con đất Việt.

Được biết, để những ngày hội làng thực sự trở thành nét đẹp văn hóa của địa phương, những năm qua, địa phương đã tăng cường các hoạt động quản lý lễ hội, quản lý di tích. Theo đó, UBND xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, lòng tự hào cho người dân địa phương về việc bảo vệ di tích. Đồng thời, phát huy có hiệu quả vai trò của những người cao tuổi trong việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong các lễ hội làng. Các cụ cao tuổi sẽ là người hướng dẫn về mặt lễ nghi, truyền lại các phong tục tập quán và tổ chức các hoạt động hành lễ trong lễ hội…

Ninh Bình là tỉnh nằm ở cửa ngõ phía Nam đồng bằng Bắc Bộ, tiếp giáp khu vực miền Trung. Từ ngàn xưa đã là nơi gặp gỡ, giao thoa của hai vùng văn hóa lớn của đất nước. Hiện nay, tỉnh ta có hơn 200 lễ hội. Hầu hết các lễ hội diễn ra vào dịp đầu Xuân trong thời gian từ đầu tháng Giêng đến hết tháng Ba âm lịch, chủ yếu là lễ hội làng, thôn, bản với quy mô nhỏ, thời gian tổ chức ngắn (từ 1 đến 1,5 ngày).

Một số lễ hội có quy mô lớn như: Lễ hội Hoa Lư, lễ hội Tràng An, lễ hội Chùa Bái Đính, lễ hội Đền đức Thánh Nguyễn, lễ hội Đền Thái Vi... Các lễ hội tuy được tổ chức với các quy mô khác nhau song đều thu hút được sự tham dự của đông đảo Nhân dân địa phương và du khách.

Đặc biệt, tuy cuộc sống ngày càng hiện đại, song những nét văn hóa truyền thống trong việc tổ chức lễ hội đều được các địa phương nâng niu, gìn giữ và đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của mỗi vùng, miền.

Các lễ hội trên địa bàn tỉnh đều được tổ chức trang trọng, thiết thực, hiệu quả, đúng quy định, phù hợp với quy mô, ý nghĩa lịch sử văn hóa, với nhiều hoạt động phong phú thu hút sự tham gia tích cực của người dân. Công tác xã hội hóa các nguồn lực trong việc tổ chức lễ hội cũng được đẩy mạnh. Công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, đặc biệt là tuân thủ các quy định về nếp sống văn minh trong lễ hội đều được các địa phương chú trọng.

Các lễ hội thường được tổ chức với 2 phần: phần nghi lễ và phần hội. Phần nghi lễ truyền thống do Nhân dân địa phương thực hiện trang trọng, linh thiêng và thành kính, nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của các bậc tiền nhân, khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đồng thời là hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa lịch sử của dân tộc.

Phần hội có nhiều hoạt động gắn liền với đời sống tinh thần, sinh hoạt của người dân như các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao truyền thống: Hát Xẩm, hát Chèo, hát Chầu văn, hát Ca trù, trống nhảy, múa trống, cồng chiêng, hát Đúm, Sắc bùa, múa sạp, hát giao duyên tiếng Mường, giai điệu Mường xưa... và những trò chơi dân gian: cờ người, cờ tướng, chọi gà, cờ bỏi, tổ tôm điếm, kéo co, bơi chải, đua thuyền, đập niêu, kéo chữ, thi diễn tích...

Các hoạt động phần hội tổ chức kết nối nhuần nhuyễn với các nghi thức phần lễ tạo ra không khí vui tươi, lành mạnh trong không gian của lễ hội, tạo ra môi trường văn hóa đặc sắc, riêng có của vùng đất Cố Đô.

Đào Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nao-nuc-tray-hoi-mua-xuan-512193.htm
Zalo