Hát múa ăn mừng dưới cây bông – Lễ hội độc đáo của người Thái

'Kin Chiêng Boọc Mạy' có nghĩa là lễ hội hát múa ăn mừng dưới cây bông. Đây là lễ tục tiêu biểu, đặc sắc nhất của đồng bào dân tộc Thái thôn Rộc Răm, xã Xuân Phúc (huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa).

Được tái hiện trong khuôn khổ Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc”, đang diễn ra tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Lễ hội hát múa ăn mừng dưới cây bông thu hút rất nhiều sự quan tâm của người dân và du khách.

Mâm cơm cúng trong lễ Kin Chiêng Boọc Mạy. Ảnh: Phạm Sỹ.

Mâm cơm cúng trong lễ Kin Chiêng Boọc Mạy. Ảnh: Phạm Sỹ.

Lễ hội được diễn ra vào dịp đầu năm mới, nhằm tạ ơn thần linh, mở hội ăn mừng sau một năm lao động để cầu cho dân làng bình an, mạnh khỏe, ngô lúa tốt tươi. Không khí vui tươi, rộn ràng tại lễ hội thực sự là sợi dây bền chặt gắn kết cộng đồng dân tộc Thái ở các vùng miền núi phía Tây xứ Thanh.

Kin Chiêng Boọc Mạy được chia làm hai phần: Phần lễ là các nghi thức tâm linh - những bài cúng cơ bản được các thầy mo kể về sự tích lập bản, lập mường, ca ngợi tổ tiên, những người có công.

Phần hội là hệ thống gồm 26-50 trò diễn do thầy mo môn hoặc các “mo khách” thể hiện như chặt củi, làm rẫy, múa kiếm, quét nhà, thổi khèn bè... mỗi trò đều có một vị thần linh từ Mường Trời xuống tham dự (do thầy mo đóng). Nét đặc sắc nhất trong Lễ hội “Kin Chiêng Boọc Mạy” chính là việc hát múa dưới cây bông. Lúc này, cây bông là vật trung tâm trong lễ hội. Cây bông được làm bằng tre, luồng, dài khoảng 1,7 – 1,8m có đục lỗ. Cành hoa, bông hoa thường được nhuộm màu sắc sặc sỡ. Mỗi cây có từ 100 đến 200 cành, mỗi cành có từ 50 đến 80 bông hoa, các bông hoa phần lớn những người đến tham gia tự làm và cắm vào cây.

Bên cạnh đó còn có phần chơi những loại nhạc cụ truyền thống: Cồng chiêng, khua luống, trống, boong bu, khèn, sáo; cùng các trò chơi dân gian như: Hát khặp, nhảy sạp, đánh mảng, kéo co, ném còn...

Ngày nay, “Kin Chiêng Boọc Mạy” đã trở thành một hình thức sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong đời sống của bà con người Thái xã Xuân Phúc, huyện Như Thanh (Thanh Hóa) và khá hoàn chỉnh về nghệ thuật trình diễn.

Lễ tục này không chỉ có ý nghĩa quan trọng về tính cố kết cộng đồng mà còn có ý nghĩa giáo dục truyền thống, bảo tồn và phát huy văn hóa Thái, đề cao giá trị nhân văn sâu sắc. Lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy hướng con người tới các giá trị chân - thiện - mỹ, một cuộc sống lành mạnh, vui tươi, ấm no, hạnh phúc. Sau phần lễ, là thời khắc dân làng tổ chức hội.

Một số hình ảnh tại buổi lễ:

Thầy Mo cùng dân làng dâng thần linh cơm mới. Ảnh: Phạm Sỹ.

Thầy Mo cùng dân làng dâng thần linh cơm mới. Ảnh: Phạm Sỹ.

Đồng bào dân tộc Thái hát múa dưới cây bông. Ảnh: Phạm Sỹ.

Đồng bào dân tộc Thái hát múa dưới cây bông. Ảnh: Phạm Sỹ.

Biểu diễn giã bánh bằng lóng gỗ. Ảnh: Phạm Sỹ.

Biểu diễn giã bánh bằng lóng gỗ. Ảnh: Phạm Sỹ.

Khua luống trong phần hội tạo nét riêng độc đáo của lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy. Ảnh: Phạm Sỹ.

Khua luống trong phần hội tạo nét riêng độc đáo của lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy. Ảnh: Phạm Sỹ.

Đồng bào dân tộc Thái biểu diễn nhạc cụ truyền thống trong lễ hội. Ảnh: Phạm Sỹ.

Đồng bào dân tộc Thái biểu diễn nhạc cụ truyền thống trong lễ hội. Ảnh: Phạm Sỹ.

Những điệu múa độc đáo của các cô gái trong lễ hội. Ảnh: Phạm Sỹ.

Những điệu múa độc đáo của các cô gái trong lễ hội. Ảnh: Phạm Sỹ.

Du khách cùng chung vui Lễ Hát múa ăn mừng dưới cây Bông với các Nghệ nhân dân gian tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Phạm Sỹ.

Du khách cùng chung vui Lễ Hát múa ăn mừng dưới cây Bông với các Nghệ nhân dân gian tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Phạm Sỹ.

Phạm Sỹ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/hat-mua-an-mung-duoi-cay-bong-le-hoi-doc-dao-cua-nguoi-thai-10299982.html
Zalo