Về miền Tây đi 'chợ chiếu ma'
Nghề dệt chiếu ở Định Yên được giữ gìn và tiếp nối qua nhiều thế hệ suốt trăm năm qua. Điểm độc đáo của làng nghề này là việc mua bán chiếu chỉ diễn ra từ nửa đêm về sáng nên được gọi là 'chợ chiếu ma'.
Mỗi năm thu 80 tỷ đồng
Làng nghề dệt chiếu Định Yên trải dọc theo tuyến Quốc lộ 54 đi qua địa bàn hai xã Định Yên và Định An, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.

Làng nghề dệt chiếu Định Yên hiện còn hơn 430 hộ, với khoảng 50 hộ đầu tư máy dệt.
Theo các bậc cao niên trong làng, để tri ân cụ Phan Văn An, người đầu tiên đưa nghề dệt chiếu về làng và sợ kỵ húy nên người dân làng thống nhất lấy tên Định Yên để gọi chung cho cả làng nghề.
Thời hưng thịnh, làng có cả nghìn hộ gia đình tham gia dệt chiếu. Đi dọc các tuyến đường trong xã, đâu đâu cũng bắt gặp cảnh những bó lác (cói) nhuộm đủ sắc màu phơi nơi nắng. Tuy nhiên, trải qua nhiều biến đổi của thời gian, làng nghề truyền thống dệt chiếu Định Yên cũng lắm thăng trầm.
Đến nay, cả làng còn khoảng 430 hộ sản xuất chiếu. Trong đó, có khoảng 50 hộ đầu tư máy dệt để nâng cao công suất, còn lại người dân vẫn dệt chiếu thủ công truyền thống.
Theo UBND huyện Lấp Vò, mỗi năm làng nghề cung ứng ra thị trường khoảng 1,3 triệu sản phẩm chiếu các loại với doanh thu khoảng 80 tỷ đồng.
Thay đổi để thích nghi
Bà Nguyễn Thị Vân, 65 tuổi nhưng đã có 50 năm trong nghề dệt chiếu cho biết, dù chuyển sang dệt máy nhưng những khung dệt thủ công vẫn được gia đình bà cất giữ như một kỷ vật quý báu. Dẫu tuổi cũng khá cao nhưng người thợ dệt vẫn thoăn thoắt đôi tay luồn từng sợi lác màu, nhịp nhàng dập từng khung dệt.

Mỗi năm làng nghề dệt chiếu Định Yên cung ứng ra thị trường 1,3 triệu sản phẩm.
"Dệt máy dễ hơn, nhanh hơn dệt thủ công nên giờ những người trẻ trong làng, trong xóm dù không được truyền dạy từ gia đình cũng có thể tham gia sản xuất được. Chỉ cần một người thợ dệt có nghề, có tâm hướng dẫn, chỉ vài ngày học việc là biết sử dụng máy dệt chiếu", bà Vân chia sẻ.
Là truyền nhân đời thứ tư của nghề dệt chiếu, anh Nguyễn Thanh Hùng hiện vẫn tiếp nối giữ lửa nghề của gia đình. Tuy nhiên, để đáp ứng và thích nghi với thị trường, anh Hùng đã mạnh dạn đầu tư 10 máy dệt để tăng năng suất, với 16 lao động thường xuyên.
Anh Hùng cho hay, dệt máy không chỉ cho sản phẩm đẹp hơn, sản lượng lớn hơn mà còn giúp người lao động tăng thu nhập.
"Tiền công dệt mỗi chiếc chiếu có giá 15.000 đồng, mỗi ngày thợ dệt máy có thể cho ra 10 - 12 chiếc chiếu, thu nhập ổn định từ 150.000 - 180.000 đồng. Không chỉ sản xuất mà cơ sở của tôi còn thu mua chiếu dệt thủ công hay của cơ sở khác của làng nghề rồi mang đi tiêu thụ khắp các tỉnh thành khác trong cả nước", anh Hùng nói.
Vì sao gọi "chợ chiếu ma"?
Theo lời bà Vân, với khung dệt thủ công, người thợ phải làm rất nhiều công đoạn mới có thể dệt ra chiếc chiếu hoàn chỉnh. Ví dụ như phải căng chỉ ni-lông vào khung dệt, bắt chỉ lác màu, bắt bông (hoa văn)… Dệt thủ công thì phải hai người một khung dệt vì một người luồn lác, một người dập khung dệt.
Bà con dệt chiếu từ sáng tới chiều, tối nghỉ ngơi, cơm nước xong thì khoảng nửa đêm bắt đầu mang chiếu ra trước sân đình làng để bán. Mỗi người cầm theo chiếc đèn dầu, vác mớ chiếu trên vai dạo ra trước mắt cánh bạn hàng.
Điều đặc biệt là người mua chỉ ngồi một chỗ, khi thấy người bán vác chiếu đi ngang, nhìn hợp mắt thì ngoắc lại để xem, ngã giá nhẹ nhàng. "Phiên chợ chỉ diễn ra chỉ khoảng hai giờ, từ lúc nửa đêm nhưng cũng không có khung giờ cố định vì còn phụ thuộc vào con nước lớn, nước ròng của kênh rạch. Người ta quen gọi là "chợ chiếu ma" là vậy", bà Vân lý giải.
Theo bà Trương Thị Diệp, quyền Chủ tịch UBND huyện Lấp Vò, "chợ chiếu ma" đã tồn tại theo suốt thời gian của làng nghề, đến trước năm 2000 thì biến mất. Lý do là thời điểm này hạ tầng giao thông đường bộ đã được kết nối, đặc biệt là tuyến Quốc lộ 54 đi qua khu vực làng chiếu Định Yên nên cánh bạn hàng, thương lái thu mua chiếu cũng thay đổi phương thức, thời gian với tiến trình phát triển.
"Hồi đó, cánh bạn hàng thu mua chiếu đi bằng ghe, khi tới vàm kênh, phải chờ con nước lớn mới đưa ghe vô neo đậu dưới bến đình Định Yên. Còn bây giờ người ta đi ô tô, xe tải tới tận từng cơ sở thu mua, chủ yếu giao dịch ban ngày nên "chợ chiếu ma" cũng tự dưng biến mất", bà Diệp cho biết.
Sản phẩm du lịch cộng đồng độc đáo
Bà Trương Thị Diệp thông tin thêm, làng nghề dệt chiếu Định Yên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2013.

Hình ảnh tái diễn Chợ chiếu ma được UBND huyện Lấp Vò tổ chức đã thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước.
Từ tháng 9/2023, UBND huyện Lấp Vò đã cho ra mắt sản phẩm du lịch cộng đồng tại làng chiếu Định Yên kết hợp tái hiện lại "chợ chiếu ma" với 150 diễn viên là những người thợ dệt của làng nghề tham gia hoạt cảnh mua bán chiếu lúc nửa đêm.
Đây được xem là sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương.
Theo kế hoạch, mỗi tháng UBND huyện Lấp Vò sẽ trình diễn buổi thực cảnh tái hiện "chợ chiếu ma" một lần vào ngày thứ bảy của tuần cuối tháng. Tuy nhiên, sau này, đơn vị tổ chức dời vào ngày rằm Âm lịch hằng tháng vì thuận lợi con nước để cảnh trên bến dưới thuyền sinh động hơn.
"Thực cảnh tái hiện "chợ chiếu ma" giúp nhiều người được sống lại ký ức tuổi thơ bên mái đình làng. Tuy nhiên, buổi tái hiện cũng có đôi phần hư cấu vì đòi hỏi yếu tố nghệ thuật, đem lại cảm xúc cho người xem", bà Diệp chia sẻ thêm.
Làng chiếu Định Yên được ca sĩ - đạo diễn Lý Hải lựa chọn làm phim trường chính cho seri phim Lật Mặt. Trong đó Lật Mặt 6 - Chiếc vé định mệnh, lấy bối cảnh làng chiếu Định Yên và tình bạn của những người đàn ông xuất thân từ nghề dệt chiếu của nơi này. Trước khi công chiếu, Lý Hải cùng ê-kíp đã trở lại Định Yên để chiếu phim tri ân người dân làng nghề đã hết lòng hỗ trợ đoàn phim.