Lễ hội người Hoa ở phương Nam
Vài năm trở lại đây, ở TP Hồ Chí Minh đã tổ chức và duy trì lễ hội văn hóa của cộng đồng người Hoa ở khu vực Chợ Lớn (quận 5) nhằm bảo tồn, phát huy giá trị phi vật thể quốc gia 'Tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Nguyên tiêu của người Hoa ở quận 5 - TP Hồ Chí Minh'. Điều này bắt nguồn từ mấy trăm năm qua, những lễ hội của cộng đồng người Hoa ở khu vực này đã được cả người Hoa, người Việt duy trì, bảo vệ và phát triển, tạo thành nét văn hóa riêng trong bức tranh văn hóa nhiều màu sắc của 54 dân tộc anh em.
Ngoài những giá trị phi vật thể, rất nhiều những giá trị văn hóa khác của cộng đồng hiện nay vẫn được bảo tồn, duy trì trong cơn bão đô thị hóa như những ngôi chùa, hội quán, miếu… có tuổi đời từ 200 tới hơn 250 năm.
Nét văn hóa trong lòng đô thị
Ngày bình thường, di chuyển trên những tuyến đường như Nguyễn Trãi, Lương Nhữ Học, Hải Thượng Lãn Ông, Châu Văn Liêm, Tản Đà, Lão Tử… (khu vực quận 5, quận 6) chỉ là khung cảnh nhộn nhịp, bởi đây là nơi buôn bán sầm uất đông đúc nhất ở TP Hồ Chí Minh.
Đây là khu vực tập trung cư dân người Hoa sinh sống bởi ở những biển quảng cáo ven đường, bên cạnh những dòng chữ tiếng Việt, tiếng Anh thông thường vẫn thấp thoáng có dòng chữ tiếng Hoa được ghi khéo léo bên cạnh. Những ngôi chùa hay hội quán của người Hoa ở khu vực này như chùa Bà Thiên Hậu (đường Nguyễn Trãi), chùa Ông (còn gọi là miếu Quan Đế), chùa Quan Âm (còn gọi là hội quán Ôn Lăng), chùa Ông Bổn… luôn có màu sắc sặc sỡ, khác biệt với những căn nhà đô thị, tòa chung cư cao ốc đặc trưng ở thành phố.

Lễ hội múa rồng độc đáo của cộng đồng người Hoa.
Những địa điểm này cũng là nơi gắn liền với đời sống văn hóa tâm linh tín ngưỡng không chỉ riêng của cộng đồng người Hoa trong khu vực mà còn là đông đảo người dân địa phương khác. Thậm chí ngày nay, khi du lịch tới TP Hồ Chí Minh đã lên tới hàng chục triệu người mỗi năm thì đây còn là địa điểm lui tới của hàng ngàn khách du lịch vì tính lâu đời độc đáo của những ngôi chùa, công trình văn hóa trên.
Trong đó nổi bật và lâu đời nhất chính là chùa Bà Thiên Hậu, công trình kiến trúc văn hóa được xếp hạng di tích cấp Quốc gia. Theo những văn bia được ghi lại ở chùa thì nơi đây được xây dựng từ những năm 1760 bởi những thương nhân người Quảng Châu (Trung Quốc) sang đây buôn bán. Dù có nhiều lần trùng tu, tôn tạo thì kiến trúc cơ bản của chùa Bà Thiên Hậu vẫn giữ được những nét chính như từ khoảng 250 năm qua.
Theo những người Hoa sinh sống gần chùa thì thời bấy giờ, các thương nhân người Hoa thường xuyên di chuyển từ Quảng Châu (Trung Quốc) tới Chợ Lớn bằng tàu thuyền nên tính rủi ro cao bởi thiên nhiên khắc nghiệt. Vì thế, họ xây dựng chùa và thờ Bà Thiên Hậu (còn gọi là Hội quán Tuệ Thành) để nhằm mục đích cầu an, mong muốn cho các chuyến đi tàu được thuận lợi, may mắn. Dần dần, việc buôn bán thu hút ngày càng nhiều người Hoa tìm tới nơi đây và một số người quyết định chọn khu vực Chợ Lớn làm nơi định cư, coi mảnh đất này là quê hương của mình để sinh sống, truyền đời các thế hệ sau.
Thế nên, chùa Bà Thiên Hậu ngày càng được nhiều người tìm tới. Thực tế, không chỉ riêng ở khu vực Chợ Lớn, hầu hết những khu vực khác có đông đúc người Hoa sinh sống thì đều có xây dựng những ngôi chùa để thờ Bà Thiên Hậu. Ngoài ngôi chùa ở khu vực quận 5 như nói ở trên, khu vực phía Nam hiện nay còn có nhiều chùa Bà Thiên Hậu khác ở Thủ Dầu Một (Bình Dương), Sa Đéc (Đồng Tháp), Mỹ Tho (Tiền Giang), Biên Hòa (Đồng Nai)… cũng rất nổi tiếng, được đông đảo cư dân biết tới.
Rộn ràng lễ hội đầu năm
Những địa điểm văn hóa tâm linh của người Hoa hiện nay cũng mang dáng dấp văn hóa chung của những ngôi chùa người Việt. Theo đó, những dịp như ngày rằm, mùng một hàng tháng hay những ngày lễ tết khác luôn có đông đúc người dân tìm tới. Tuy nhiên, đặc biệt hơn cả chính là dịp Tết Nguyên tiêu (tức ngày Rằm tháng Giêng) hàng năm. Bởi theo quan niệm của người Hoa, đây là ngày tết quan trọng.
Từ trước đó vài ngày, những chùa, hội quán đã được trang trí bằng những lồng đèn đỏ treo cao, những cờ sặc sỡ sắc màu… Và tất nhiên, từ sáng tới đêm ở các chùa, hội quán cũng luôn đông đúc người tìm tới cầu an, cầu may mắn và hạnh phúc. Trong dòng người tất nập ấy, rất đặc biệt là có nhiều khách du lịch từ khắp năm châu tới tìm để tìm hiểu đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người dân địa phương.

Hội quán đầu năm mới.
Có mặt ở chùa Bà Thiên Hậu ngày đầu năm, chúng tôi hòa mình trong dòng người đông đúc tới tham quan, chiêm bái và cầu an ở chùa. Tại đây có tục lệ đốt và treo hương (nhang) vòng rất độc đáo. Theo đó, các loại nhang này được nhà chùa chuẩn bị từ trước và hoàn toàn miễn phí dành cho ai có nhu cầu.
Tuy nhiên, khách tới chùa có thể tùy ý công đức cho nhà chùa và sẽ được ghi tên tuổi trên những tờ giấy đỏ nhỏ rồi gói ghém cẩn thận, như một hình thức cầu bình an. Sau đó khách cẩn thận châm lửa để hương vòng cháy và được người ở chùa treo lên cao bằng một cây gậy tre dài chừng 4-5 mét.
Trên khoảng sân rộng của khuôn viên chùa đã được chuẩn bị hàng trăm các móc sẵn nhằm treo những vòng nhang ấy lên, tạo thành không gian vừa tâm linh, vừa đẹp đẽ. Những vòng hương treo lơ lửng này sẽ cháy trong khoảng thời gian hàng giờ đồng hồ. Những lúc đông khách và vòng nhang chưa cháy hết, khách tới tham quan chùa có thể phải xếp hàng chờ đợi để được đốt và treo chiếc nhang vòng của mình lên. Nhiều người rất kiên nhẫn, sẵn sàng chờ đợi để được treo vòng hương của mình bởi họ coi đó là niềm may mắn dịp đầu năm mới, nhất là khi vòng nhang ấy cháy tới tận cùng.
Ngoài ra, tại chùa Bà Thiên Hậu còn có tục lệ rung chuông và cúi người chui qua bụng của ngựa Xích Thố bên cạnh bức tượng Quan Công. Được biết, ở hầu hết các hội quán, chùa của người Hoa đều có thờ Quan Công và ngựa Xích Thố. Đầu năm, người dân thường chui qua bụng ngựa để cầu an, may mắn.
Khi chui qua, nếu làm cho quả chuông đeo ở người ngựa Xích Thố vang lên tiếng kêu thì trong cả năm sẽ gặp nhiều điều may mắn. Vì thế, ở khu vực tượng thờ Quan Công và ngựa Xích Thố luôn rất đông người, thậm chí phải xếp hàng vì người Hoa cho rằng nếu là nam giới thì phải chui 7 lần và nữ giới là 9 lần!.
Theo tìm hiểu, những năm trước kia các lễ hội của người Hoa hầu hết đều tổ chức trong khuôn viên chùa, hội quán. Tuy nhiên, chừng vài năm trở lại đây, lễ hội và các công trình kiến trúc này đã trở thành một phần trong bức tranh văn hóa chung rộng lớn nhiều dân tộc anh em trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, thu hút đông đảo người dân, khách du lịch nên thành phố quyết định mở rộng quy mô, kết hợp quảng bá du lịch và gắn với các tour tham quan khác.
Trong đó đặc biệt là dịp Tết Nguyên tiêu, những lễ hội như múa lân sư rồng, diễu hành, biểu diễn của nhiều đoàn nghệ thuật đã mang tới không khí vui nhộn và đặc sắc, dần dần trở thành một nét văn hóa. Như đầu năm 2025 này, cộng đồng người Hoa tổ chức lễ rước tượng Quan Công quanh khu vực Chợ Lớn.
Trên nhiều tuyến đường, đoàn diễn hành có hàng ngàn người mặc các trang phục sặc sỡ để hóa trang thành những nhân vật quen thuộc trong văn hóa người Hoa như quân lính, tiên nữ, thần tài… cầm cờ màu sắc vui tươi để mong cầu năm mới bình an, may mắn.
Ngoài ra là các tiết mục múa lân, múa rồng, múa rắn, gõ chiêng, trống, hát múa dân gian… tạo không gian vui nhộn quanh nhiều tuyến đường như một hoạt động gắn kết cộng đồng. Ở ven đường, người dân tập trung để xem biểu diễn, cổ vũ cũng như chụp hình, quay video ghi lại những không khí vui tươi ngày đầu năm.
Là nơi tập trung mật độ cư dân thuộc loại đông đúc nhất ở TP Hồ Chí Minh và những công trình đô thị cũng thay đổi liên tục để phục vụ nhu cầu thực tiễn của cuộc sống, việc những ngôi chùa, hội quán, miếu… của cộng đồng người Hoa vẫn tồn tại lâu đời, gắn liền với đời sống thường nhật của cộng đồng là điều vô cùng đặc biệt.
Bởi vùng đất này đã trải qua rất nhiều thăng trầm của lịch sử. Thế nhưng, sau tất cả, chỉ những giá trị văn hóa tốt đẹp và phù hợp với cuộc sống chung của cộng đồng mới tồn tại và được gìn giữ tới ngày nay.