Nhộn nhịp 'làng nghề' chế biến cá cơm
Tận dụng địa thế nằm bên cửa Lạch Cờn và địa phương có lượng tàu cá bám biển lớn, một số hộ gia đình ở xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An đã mở cơ sở thu mua, chế biến cá cơm xuất khẩu. Nhiều cơ sở chế biến hải sản hoạt động đều đặn, góp phần tiêu thụ lượng hải sản lớn cho ngư dân, giải quyết công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động.
Những ngày giữa tháng 2, khi thời tiết có nắng ấm, các cơ sở thu mua, chế biến cá cơm trên địa bàn xã Quỳnh Lập hoạt động rất nhộn nhịp, sôi động. Ở những vị trí khác nhau, hàng trăm nhân công của các cơ sở thu mua, chế biến các loại hải sản khẩn trương làm những phần việc được giao.
Bà Lê Thị Châu, người có nhiều năm gắn bó với nghề chế biến cá cơm chia sẻ: “Mùa vụ khai thác, chế biến cá cơm kéo dài từ tháng 6 đến tháng 3 năm sau, mỗi cơ sở phải có ít nhất 50-60 lao động mới hoạt động được. Cá cơm tươi được thu mua từ tàu về, phải trải qua nhiều công đoạn cho đến khi bán ra thị trường, cá cơm khô xuất khẩu phải chọn loại đều, đẹp. Sau đó, sẽ được đưa vào lò hấp, đưa ra phơi ở môi trường thời tiết tự nhiên, trở lại xưởng để sàng loại bỏ phần đầu, giữ phần thân cá, rồi mới đóng gói để giao cho khách.”
![Một tổ lao động của cơ sở thu mua, chế biến trên địa bàn xã Quỳnh Lập đang làm sạch cá cơm tươi.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_16_16_51488546/4ac68528a96640381977.jpg)
Một tổ lao động của cơ sở thu mua, chế biến trên địa bàn xã Quỳnh Lập đang làm sạch cá cơm tươi.
Trung bình mỗi chuyến đi biển của tàu cá địa phương kéo dài 4-5 ngày, trở về với sản lượng 20-30 tấn cá cơm tươi, một số tàu cá trúng lớn có thể đạt 40-50 tấn. Toàn bộ số hải sản của bà con được các cơ sở thu mua với giá dao động từ 15.000 đến 18.000 đồng/kg, trải qua nhiều công đoạn chế biến, cá cơm khô được xuất ra thị trường với giá khoảng 80.000 đồng/kg.
Theo ghi nhận, ở khu vực tiếp nhận cá cơm tươi từ tàu cá, một bộ phận phụ trách phân loại lựa chọn những mẻ cá đủ tiêu chuẩn, sau đó cá được làm sạch. Tiếp đến, một tổ khác có nhiệm vụ đưa cá vào lò hấp, rồi một bộ phận khác sẽ vận chuyển cá từ lò hấp ra các vị trí phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời.
Những ngày thời tiết đẹp, gần như tất cả những vị trí rộng rãi trong khu dân cư xã Quỳnh Lập đều được tận dụng để phơi cá cơm. Bộ phận phụ trách công đoạn phơi cá cũng khá tất bật, buổi sáng sẽ dùng xe đẩy đưa cá từ xưởng ra các bãi phơi, gần giữa ngày sẽ tập trung “đảo” để mỗi con cá được khô đều, cuối giờ chiều vận chuyển cá về xưởng.
![Cá cơm sau khi hấp được đưa ra phơi ở những bãi đất rộng rãi.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_16_16_51488546/47318fdfa3914acf1380.jpg)
Cá cơm sau khi hấp được đưa ra phơi ở những bãi đất rộng rãi.
![Sau một ngày phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời, cá được thu gom trở lại.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_16_16_51488546/6401adef81a168ff31b0.jpg)
Sau một ngày phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời, cá được thu gom trở lại.
Trên địa bàn xã Quỳnh Lập có nhiều cơ sở thu mua, chế biến cá cơm hoạt động, giúp giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động, chủ yếu là phụ nữ tại địa phương.
Trung bình mỗi lao động được chủ cơ sở trả công theo thời gian làm việc trong ngày. Tất cả số lao động làm việc dưới sự đôn đốc của một tổ trưởng do cơ sở cử ra để điều hành công việc.
Theo tìm hiểu, nếu chịu khó làm “tăng ca”, mỗi lao động tại các cơ sở chế biến cá cơm khô xuất khẩu ở vùng quê ven biển sẽ nhận được mức thu nhập trung bình 7-9 triệu đồng/tháng.
![Người lao động dồn cá vào các khay nhỏ đưa trở lại xưởng để phân loại, trước khi đóng gói xuất khẩu.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_16_16_51488546/988653687f269678cf37.jpg)
Người lao động dồn cá vào các khay nhỏ đưa trở lại xưởng để phân loại, trước khi đóng gói xuất khẩu.
Cùng với chế biến cá cơm khô số lượng lớn, một số hộ dân ở làng biển Quỳnh Lập còn làm sản phẩm cá cơm tẩm gia vị để bán ra thị trường, với giá khoảng 150.000 đồng/kg.
Việc chế biến được loại “đặc sản” này đòi hỏi yêu cầu rất cao. Chủ cơ sở phải chọn được loại cá cơm tươi ngon, tách đôi thân để loại bỏ xương sống, sau đó xếp đều lên vỉ, rồi rắc lên một lớp gia vị gồm muối, ớt, đường, tỏi… đem phơi dưới ánh nắng mặt trời đến khi khô cứng.
Theo chính quyền địa phương, đội tàu đánh bắt xa bờ hơn 100 chiếc trên địa bàn xã Quỳnh Lập mỗi năm khai thác được từ 30.000 đến 35.000 tấn cá tươi, cung cấp cho các cơ sở chế biến khô để xuất khẩu, mang về nguồn thu hàng trăm tỷ đồng.