Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về một số nội dung quan trọng

(QBĐT) - Chiều 14/2, tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận tại tổ 12 về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng; dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận tại tổ.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận tại tổ.

Thảo luận Đề án bổ sung về phát triển KT-XH năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, đồng chí Trần Quang Minh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quảng Ninh nhấn mạnh, để thực hiện mục tiêu, trong những ngày đầu năm 2025, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, bộ, ngành đã có những công việc cụ thể thể hiện rõ quyết tâm này, hệ thống ngân hàng tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh...

Tuy nhiên, cần nhìn nhận thẳng thắn về nền kinh tế, chất lượng tăng trưởng, về y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm; đồng thời, cần lường trước những khó khăn ở trong nước và tình hình thế giới luôn biến động để có các giải pháp phù hợp phát triển KT-XH. Đặc biệt cần có những chính sách đặc thù, phân cấp, phân quyền cụ thể để các địa phương điều hành thông suốt hơn.

Góp ý về nội dung này, đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Nga, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã bổ sung thêm vào các giải pháp được đề xuất trong đề án, như: Về thể chế, pháp luật; giải pháp về sử dụng nguồn lực đầu tư công và nguồn nhân lực.

Đối với chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Nga đề nghị Chính phủ tính toán khả năng bố trí nguồn vốn trong điều kiện hiện nay khi nhà nước đang tập trung nguồn lực cho nhiều dự án trọng điểm cùng triển khai ở giai đoạn này; đồng thời xây dựng phương án huy động các nguồn vốn khác ngoài ngân sách nhà nước.

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quảng Ninh Trần Quang Minh thảo luận tại tổ.

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quảng Ninh Trần Quang Minh thảo luận tại tổ.

Bên cạnh đó, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội cho phép Chính phủ rà soát, phân loại, lựa chọn áp dụng thí điểm mô hình “đầu tư công, quản trị tư” đối với dự án, nhằm đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao hiệu quả khai thác, tránh gây nợ xấu và quản trị doanh nghiệp phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Để bảo đảm tính bền vững của dự án, ý kiến đề nghị rà soát, đánh giá kỹ lưỡng sự tương thích về thiết kế của dự án trong quy hoạch hạ tầng giao thông (đường bộ, đường thủy, đường hàng không), đối với quy hoạch quốc gia và một số quy hoạch ngành…; đánh giá kỹ tác động của dự án đối với việc bảo tồn các di sản văn hóa, danh thắng, các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong khu vực giải phóng mặt bằng. Khi dự án được phê duyệt, cần tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát để dự án được thực hiện đồng bộ trên toàn tuyến, đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

Đồng chí Trần Quang Minh cho rằng, đây là dự án phù hợp, tuy nhiên cần xem xét lại năng lực của các đơn vị tham gia dự án, đánh giá sát thực lượng hàng hóa và hành khách vận chuyển trên tuyến…

Minh Văn

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/thoi-su/202502/dai-bieu-quoc-hoi-thao-luan-tai-to-ve-mot-so-noi-dung-quan-trong-2224379/
Zalo