7 mặt hàng 'mở hàng' xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tiếp tục đẩy mạnh tận dụng các FTA
Tháng đầu năm 2025, mặc dù kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước giảm so cùng kỳ trước do có kỳ nghỉ Tết Ất Tỵ dài ngày, tuy nhiên có 7 mặt hàng đã 'mở hàng' kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) để đẩy mạnh xuất khẩu.
Do số ngày làm việc của tháng 01/2025 ít hơn tháng 01/2024 nên kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóatháng 01/2025 so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước đều giảm.
Số liệu cập nhật công bố ngày 12/2/2025 của Tổng cục Hải quan cho biết, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 63,25 tỷ USD, giảm 10,3% so với tháng 12/2024. Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 33,19 tỷ USD, giảm 6,6% (tương ứng giảm 2,34 tỷ USD); nhập khẩu đạt 30,06 tỷ USD, giảm 14,1% (tương ứng giảm 4,94 tỷ USD). Cán cân thương mại hàng hóa tháng 01/2025 thặng dư 3,13 tỷ USD.
So với cùng kỳ năm trước, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong tháng 01/2025 giảm 3,3%; trong đó xuất khẩu giảm 4%, tương ứng giảm 1,37 tỷ USD và nhập khẩu giảm 2,6%, tương ứng giảm 794 triệu USD.
Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 01/2025 đạt 33,19 tỷ USD, giảm 6,6% so với tháng trước và giảm 4% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu các nhóm hàng chủ lực trong tháng 01/2025 so với tháng 01/2024. (Nguồn: Tổng cục Hải quan)
7 nhóm hàng "mở hàng" đạt trị giá xuất khẩu trên 1 tỷ USD
Trong tháng 1/2025, xuất khẩu hàng hóa có 7 nhóm hàng đạt trị giá xuất khẩu trên 1 tỷ USD.Đó là các nhóm hàng: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (đạt 6,05 tỷ USD); điện thoại các loại và linh kiện (đạt 4,93 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng (đạt 3,86 tỷ USD); hàng dệt may (đạt 3,19 tỷ USD); giày dép các loại (đạt 1,9 tỷ USD); gỗ và sản phẩm từ gỗ (đạt 1,42 tỷ USD); phương tiện vận tải và phụ tùng (đạt 1,19 tỷ USD). Tính chung, trị giá xuất khẩu của 7 nhóm hàng này đạt 22,45 tỷ USD, chiếm 72% trong tổng trị giá xuất khẩu cả nước. Cụ thể:
Máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện: trị giá xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trong tháng 01/2025 đạt 6,05 tỷ USD, giảm 17,4% so với tháng trước và tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 01/2025, xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sang Hoa Kỳ đạt 2,19 tỷ USD, 22,8%; Trung Quốc đạt 893 triệu USD, tăng 4,7%; EU(27 nước) đạt 841 triệu USD, tăng 42,6%; Hồng Kông (Trung Quốc) đạt 450 triệu USD, giảm 21%; Hàn Quốc đạt 657 triệu USD, tăng 21,6%... so với cùng kỳ năm trước.
Điện thoại các loại và linh kiện: xuất khẩu mặt hàng này trong tháng 01/2025 đạt trị giá 4,83 tỷ USD, tăng 32,3% so với tháng trước nhưng giảm 13,2% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu nhóm hàng chủ yếu sang các thị trường sau: Hoa Kỳ đạt 1,12 tỷ USD, giảm 19%; EU(27 nước) đạt 850 triệu USD, giảm 8,7%; Trung Quốc đạt 604 triệu USD, giảm 17,9%; Hàn Quốc đạt 255 triệu USD, giảm 22,7%... so với cùng kỳ năm trước.
Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác: xuất khẩu nhóm hàng này trong tháng 01/2025 đạt 3,86 tỷ USD, giảm 12% so với tháng trước và giảm 4% so với cùng kỳ năm trước.
Các thị trường xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng trong tháng 01/2025 chủ yếu gồm: Hoa Kỳ với 1,64 tỷ USD, tăng 4,9%; EU(27 nước) đạt 560 triệu USD, giảm 1,3%; ASEAN đạt 270 triệu USD, giảm 5,9%; Hồng Kông với 215 triệu USD, tăng 196%... so với cùng kỳ năm trước.
Hàng dệt may: xuất khẩu hàng dệt may trong tháng 01/2025 đạt 3,19 tỷ USD, giảm 5,4% so với tháng trước và tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 01/2025, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam với trị giá đạt 1,4 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là thị trường Nhật Bản đạt 379 triệu USD, giảm 2,1%; EU(27 nước) đạt 352 triệu USD, tăng 3,6%; Hàn Quốc đạt 298 triệu USD, tăng 4,5%...
Giày dép các loại: xuất khẩu giày dép các loại trong tháng 01/2025 đạt 1,9 tỷ USD, giảm 9,9% so với tháng trước và giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước.
Các thị trường xuất khẩu giày dép các loại trong tháng 01/2025 chủ yếu gồm: Hoa Kỳ với 707 triệu USD, tăng 2,9%; EU(27 nước) với 466 triệu USD, giảm 7,2%; Trung Quốc với 132 triệu USD, giảm 26,9%... so với cùng kỳ năm trước.
Gỗ và sản phẩm gỗ: xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 01/2025 đạt 1,42 tỷ USD, giảm 9,7% so với tháng trước và giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước.
Các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 01/2025 chủ yếu gồm: Hoa Kỳ với 780 triệu USD, giảm 4,8%; Nhật Bản với 166 triệu USD, tăng 2,8%; Trung Quốc với 139 triệu USD, giảm 17,5%... so với cùng kỳ năm trước.
Phương tiện vận tải và phụ tùng: Xuất khẩu phương tiện vận tải và phụ tùng trong tháng 01/2025 đạt 1,19 tỷ USD, giảm 8% so với tháng trước và giảm 10,2% so với cùng kỳ năm trước.
Các thị trường xuất khẩu phương tiện vận tải và phụ tùng trong tháng 01/2025 chủ yếu gồm: Nhật Bản với 256 triệu USD, giảm 16,4%; Hoa Kỳ với 225 triệu USD, giảm 22,2%; EU(27 nước) với 158 triệu USD, tăng 22,2%; ASEAN với 154 triệu USD, giảm 7,9%; Hàn Quốc với 159 triệu USD, giảm 32,1% … so với cùng kỳ năm trước.
Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện: Xuất khẩu máy ảnh, máy quay phim và linh kiện trong tháng 01/2025 đạt 575 triệu USD, giảm 0,5% so với tháng trước và giảm 30,3% so với cùng kỳ năm trước.
Các thị trường xuất khẩu máy ảnh, máy quay phim và linh kiện trong tháng 01/2025 chủ yếu gồm: Trung Quốc đạt 316 triệu USD, giảm 41,8%; Hoa Kỳ đạt 85,6 triệu USD, tăng 10,7%; EU(27 nước) đạt 42 triệu USD, giảm 0,9%; Hàn Quốc đạt 39,6 triệu USD, giảm 25,4%; Ấn Độ đạt 25,4 triệu USD, giảm 32,3%... so với cùng kỳ năm trước.
Sắt thép các loại: trong tháng 01/2025, lượng sắt thép các loại xuất khẩu đạt 920 nghìn tấn, với trị giá là 611 triệu USD, tăng 26,5% về lượng và tăng 14,7% về trị giá so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, lượng nhập khẩu sắt thép các loại đã giảm 19,6% và trị giá giảm 24,6%.
Các thị trường xuất khẩu sắt thép các loại trong tháng 01/2025 chủ yếu gồm: EU(27 nước) đạt 242 nghìn tấn, giảm 38,9% và trị giá đạt 176 triệu USD, giảm 31,4%; ASEAN đạt 257 nghìn tấn, giảm 28,4% và trị giá đạt 154 nghìn tấn, giảm 32,5%; Hoa Kỳ đạt 130 nghìn tấn, giảm 5,4% và trị giá đạt 75,7 triệu USD, giảm 32,5%... so với cùng kỳ năm trước.
Hàng thủy sản: xuất khẩu hàng thủy sản trong tháng 01/2025 đạt 774 triệu USD, giảm 11,4% so với tháng trước và tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước.
Các thị trường xuất khẩu hàng thủy sản trong tháng 01/2025 chủ yếu gồm: Trung Quốc đạt 180 triệu USD, tăng 80,8%; Nhật Bản đạt 120 triệu USD, giảm 7,6%; Hoa Kỳ đạt 107 triệu USD, giảm 3,5%; EU(27 nước) đạt 76,5 triệu USD, tăng 1,5%... so với cùng kỳ năm trước.

Trị giá xuất khẩu sang 6 thị trường/khu vực thị trường đạt trên 1 tỷ USD trong tháng 1/2025. (Nguồn: Tổng cục Hải quan)
Về thị trường xuất khẩu, trong tháng 1/2025, xuất khẩu có 6 thị trường/khu vực thị trường đạt trên 1 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 10,5 tỷ USD, tăng 4,6%; EU(27 nước) đạt 4,72 tỷ USD, tăng 3,5%; Trung Quốc đạt 3,65 tỷ USD, giảm 19,7%; ASEAN đạt 2,79 tỷ USD, giảm 13,8%; Hàn Quốc đạt 2,2 tỷ USD, giảm 5,5% và Nhật Bản đạt 2,15 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung, tổng trị giá xuất khẩu sang 6 thị trường/khu vực thị trường này đạt 26,01 tỷ USD, chiếm gần 80% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu
Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu lần đầu tiên vượt mốc 400 tỷ USD, ước đạt 405,53 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm 2023.
Theo Bộ Công Thương, hoạt động xuất khẩu trong năm 2024 ghi nhận nhiều điểm sáng nổi bật.
Thứ nhất, đã tích cực tranh thủ cơ hội từ sự phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống để đẩy mạnh xuất khẩu.
Thứ hai, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao ở mức hai con số với sự phục hồi tích cực của các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực.
Thứ ba, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Nhóm công nghiệp chế biến phục hồi mạnh, là động lực đóng góp chính vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Đặc biệt, các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực vốn gặp nhiều khó khăn trong năm 2023 đã có sự phục hồi nhanh, lấy lại đà tăng trưởng cao ở mức hai con số như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; hàng dệt may; giày dép các loại; gỗ và sản phẩm gỗ; sắt thép...
Thứ tư, hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Khai mở thị trường tiềm năng tại Trung Đông - châu Phi bằng việc ký kết Hiệp định FTA với UAE trong thời gian đàm phán kỷ lục (16 tháng). Hoạt đông xuất nhập khẩu đã cơ bản tận dụng, khai thác có hiệu quả các cam kết mở cửa thị trường từ các FTA, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam với hầu hết các thị trường đã ký FTA đều tăng.
Thứ năm, năng lực sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước ngày càng được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước cao hơn so với khu vực FDI; đồng thời, tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) để đẩy mạnh xuất khẩu
Nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các Hiệp định. Tăng cường các hoạt động cung cấp thông tin thị trường trên nền tảng số cho các địa phương, Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp. Hỗ trợ xây dựng và triển khai các triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại tập trung, quy mô lớn, mang tính liên kết vùng cho sản phẩm, ngành hàng có thế mạnh của vùng tại các thị trường mục tiêu.
Đồng thời đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán mở thêm các loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch. Tiếp tục thúc đẩy chuyển nhanh, mạnh sang thương mại chính ngạch. Thúc đẩy EU sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ để nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu...