Gấp rút gỡ rào cản pháp lý

Cần tiếp tục sửa các luật, trước mắt là Luật Khoa học - công nghệ để đồng bộ, sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển

Sáng 15-2, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của QH thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học - công nghệ (KH-CN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS).

Lựa chọn công nghệ phải "đi tắt đón đầu"

Phát biểu tại tổ, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ đây là nghị quyết rất quan trọng, rất gấp. Nghị quyết số 57-NQ/TƯ ban hành cuối năm 2024 nhưng khi đi vào cuộc sống thì chồng chất khó khăn và nếu chờ sửa một số luật, đặc biệt là Luật KH-CN, thì theo chương trình, nhanh nhất phải giữa năm hoặc cuối năm 2025 mới có thể thực hiện. Như vậy, cả năm 2025 không thể triển khai được Nghị quyết 57 hoặc triển khai không có ý nghĩa gì với hàng loạt khó khăn. "Tinh thần nghị quyết đã rõ rồi, nhưng phải thể chế hóa để khẩn trương đưa nghị quyết vào cuộc sống" - Tổng Bí thư nói.

Tổng Bí thư tán thành với ý kiến của các đại biểu (ĐB) về việc nghị quyết này không chỉ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà cần phải khuyến khích, thúc đẩy thì mới phát triển. Theo Tổng Bí thư, những vấn đề phát triển KH-CN ai cũng thấy giá trị, cần thiết nhưng tại sao không phát triển? Vì còn nhiều vướng mắc, bởi nếu sửa Luật KH-CN cũng chưa đủ thúc đẩy KH-CN phát triển. "Đơn cử như Luật Đấu thầu là có vấn đề. Đấu thầu KH-CN mà làm máy móc như quy định hiện nay thì chỉ có mua thiết bị công nghệ giá rẻ và cuối cùng trở thành "bãi rác" của KH-CN, trở thành nơi tiếp nhận các công nghệ lạc hậu của thế giới" - Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Theo Tổng Bí thư, lựa chọn công nghệ thì phải biết "đi tắt đón đầu". Đầu tư cho KH-CN không thể ưu tiên giá rẻ như quy định của Luật Đấu thầu; phải thoát ra, gỡ ở điểm này. "Luật Đấu thầu cứ quy định như hiện nay, chỉ quan tâm chuyện giá rẻ thì ta sẽ vấp phải tình trạng này, thậm chí có những công nghệ người ta còn cho không" - Tổng Bí thư nói.

Đề cập đến chính sách thuế, người đứng đầu Đảng đưa ra dẫn chứng về tác động của việc miễn, giảm thuế. Theo đó, khi Chính phủ áp dụng chính sách miễn, giảm thuế, thực tế có thể giúp tăng nguồn thu cho Nhà nước. Tương tự, việc giảm lãi suất cũng có thể giúp ngân hàng thu được nhiều hơn. Nếu lãi suất quá cao, người dân không vay vốn, không đầu tư sản xuất, dẫn đến nền kinh tế trì trệ. Ngược lại, khi lãi suất giảm, nhiều người có cơ hội kinh doanh, tạo ra lợi nhuận, từ đó ngân hàng cũng có thể cho vay nhiều hơn và thu được lợi ích lớn hơn. "Phải tính toán những việc này. Quy định như thế nào trong luật để khuyến khích phát triển chứ không phải là thu triệt để. Trong bối cảnh yêu cầu phát triển KH-CN ngày càng cấp thiết, những rào cản pháp lý cần được tháo gỡ để huy động sự tham gia của toàn xã hội" - Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư cho rằng còn rất nhiều việc phải đầu tư và phải có thời gian. Tổng Bí thư chỉ rõ "miền đất hoang vu" cần được khai thác, có sự mạo hiểm, rủi ro, chứ không phải đường rộng thênh thang ai cũng có thể đến được và "nếu để chờ đầy đủ điều kiện thì rất khó". Vì vậy, Nghị quyết thí điểm của QH là bước đầu để thể chế hóa Nghị quyết 57. Về lâu dài, cần tiếp tục sửa các luật, trước mắt là Luật KH-CN để đồng bộ, sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển. "Chúng ta cần đổi mới tư duy, cách làm, nhìn thẳng vào vấn đề của thực tế để có cách tháo gỡ và không ngại vấn đề gì" - Tổng Bí thư khẳng định.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi thảo luận tại tôẢ̉nh: Lâm Hiển

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi thảo luận tại tôẢ̉nh: Lâm Hiển

Phải có cơ chế, chính sách đặc biệt

Bày tỏ sự quan tâm vấn đề ưu đãi thuế trong hoạt động KH-CN và ĐMST, ĐB Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TP HCM, chia sẻ khi các trường đại học công lập tự chủ, giai đoạn đầu rất khó khăn do không có nguồn vốn dành cho hoạt động phát triển KH-CN. ĐB Quân đề nghị không áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp cho các hoạt động KH-CN, ĐMST của các trường đại học.

Theo ĐB Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM, cần có cơ chế để đột phá, không nên quá sợ vấn đề lợi ích nhóm, bởi nếu đủ bằng chứng tiêu cực, sai phạm thì xử lý, như thế mới đúng tinh thần khai phóng trong lĩnh vực KH-CN.

ĐB Trần Lưu Quang (TP Hải Phòng) cho rằng dự thảo nghị quyết cần quy định rất rõ thẩm quyền, phạm vi, trách nhiệm. "Chẳng hạn, về thẩm quyền thì ai sẽ quyết chi tiền hoặc chỉ định thầu?". Hai là, khi nghị quyết này được ban hành chắc chắn sẽ có xung đột pháp lý với các luật đang có hoặc các luật đang trong quá trình sửa đổi. Do đó, cần phải có nguyên tắc rất mạnh mẽ là "Nếu nội dung nào trùng nghị quyết thì phải làm theo nghị quyết để tạo sự yên tâm cho cán bộ khi triển khai, thực hiện".

Thảo luận tại tổ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đất nước muốn phát triển nhanh, bền vững phải dựa trên KH-CN, ĐMST, CĐS. Đây là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu. Và để thực hiện Nghị quyết 57, cần có các cơ chế, chính sách đặc biệt, chứ không chỉ là đặc thù. Cho rằng phải có các chính sách cụ thể hơn mới thực hiện được Nghị quyết 57 để thực sự đổi mới, Thủ tướng đề nghị cần nghiên cứu bổ sung các cơ chế, chính sách đặc biệt chứ không chỉ là đặc thù, đặc thù thì ở một cấp khác. Sự đặc biệt này thể hiện ở một số điểm.

Trước hết, Thủ tướng nhắc tới "cơ chế đặc biệt" trong phát triển kết cấu hạ tầng KH-CN, ĐMST, CĐS. Thứ hai, cần "cơ chế đặc biệt" cho quản lý, quản trị hoạt động KH-CN, trong đó có các hình thức: lãnh đạo công và quản trị tư; đầu tư công và quản lý tư; đầu tư tư nhưng sử dụng công. Ví dụ trong đầu tư công và quản lý tư, có thể đầu tư cho hạ tầng KH-CN của Nhà nước nhưng giao cho tư nhân quản lý. Cơ chế đặc biệt là như thế. Thứ ba, Thủ tướng cũng cho rằng cần "cơ chế đặc biệt" cho các nhà khoa học có thể thương mại hóa các công trình khoa học; "cơ chế đặc biệt" trong thủ tục, phân cấp, phân quyền cho tỉnh, thành phố, bộ, ngành; xóa bỏ cơ chế xin - cho, giảm thủ tục hành chính..., quản lý, đánh giá trên cơ sở hiệu quả tổng thể. Thứ tư, Thủ tướng đề cập đến vấn đề miễn trừ trách nhiệm khi xảy ra rủi ro đối với người soạn thảo, xây dựng chính sách nhưng chưa có cơ chế miễn trừ cho người thực hiện. "Nếu không có cơ chế bảo vệ người thực hiện thì sẽ dẫn đến tình trạng sợ trách nhiệm, "chuyển chỗ này, chỗ khác", "không muốn làm vì không được bảo vệ". Do đó, cần thiết kế thêm cơ chế miễn trừ trách nhiệm khi xảy ra rủi ro cho cả người tổ chức thực hiện và người thiết kế chính sách. Thứ năm, là "cơ chế đặc biệt" trong thu hút nguồn nhân lực, không chỉ để thu hút người làm ngoài khu vực Nhà nước vào khu vực Nhà nước, mà còn phát triển doanh nghiệp tư nhân về KH-CN, thu hút nhân lực nước ngoài vào Việt Nam.

Từ các "cơ chế đặc biệt" nêu trên, người đứng đầu Chính phủ lưu ý cần thiết kế "công cụ đặc biệt" để quản lý, phát huy hiệu quả và bảo đảm công khai, minh bạch, không xảy ra vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Đồng thời, trong quá trình thực hiện, để tạo đột phá về KH-CN phải chấp nhận rủi ro, thất bại, thậm chí phải trả giá. "Loại trừ động cơ cá nhân, còn rủi ro mất mát do khách quan, người thực hiện vô tư, trong sáng vì sự phát triển KH-CN, vì sự phát triển của đất nước thì phải chấp nhận, coi đó như học phí để làm tốt hơn" - Thủ tướng nói.

Đề xuất giao KPI để đánh giá hiệu quả cán bộ

Chiều 15-2, QH thảo luận tại hội trường về đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. ĐB Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, đề xuất chỉ số đánh giá hiệu quả công việc (KPI) của cán bộ, công chức, viên chức định kỳ 3 tháng, 6 tháng, 1 năm, coi đây là chỉ tiêu quan trọng để khen thưởng, kỷ luật, xem xét đề bạt bổ nhiệm..., từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ công.

Làm đường sắt, đường sắt đô thị: Ưu tiên đặt hàng doanh nghiệp trong nước

Thảo luận tại hội trường về dự thảo nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP HCM, ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đề nghị trong xây dựng tuyến đường sắt và đường sắt đô thị, cần ưu tiên đặt hàng và giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp nội địa tham gia xây dựng đường, cầu và hầm; sản xuất đường ray và đóng toa xe. Theo ĐB này, việc đặt hàng này giúp tăng trưởng trong nước, còn nếu mua của nước ngoài thì sẽ chảy ra nước ngoài và không bao giờ chúng ta có ngành công nghiệp đường sắt. Vì vậy, cần đưa vào nghị quyết là ưu tiên đặt hàng. Chính phủ cam kết doanh nghiệp trong nước có thị phần để mạnh dạn và yên tâm đầu tư, gắn với việc bắt buộc chuyển giao cho doanh nghiệp trong nước.

Văn Duẩn - Minh Chiến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/gap-rut-go-rao-can-phap-ly-196250215203953794.htm
Zalo