Quốc hội thảo luận đầu tư đường sắt và metro, đề xuất cơ chế đặc thù
Chiều 15-2, Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng và các cơ chế đặc thù phát triển đường sắt đô thị (metro) Hà Nội, TPHCM. Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh cho rằng dự án cần cơ chế đặc biệt để đảm bảo tiến độ, trong đó có chỉ định thầu nhằm rút ngắn thời gian triển khai.

Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh trình bày về dự án tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng và các cơ chế đặc thù phát triển đường sắt đô thị Hà Nội, TPHCM. Ảnh: VGP
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Trần Hồng Minh cho biết dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng được nghiên cứu theo nguyên tắc tuyến ngắn, thẳng, giảm công trình trên tuyến và cân đối khối lượng đào đắp. Phương án đã thống nhất với 9 địa phương liên quan. Các công trình trên tuyến đáp ứng tiêu chuẩn thiết kế quốc gia và quốc tế, giao cắt khác mức với đường bộ được nghiên cứu kỹ, baochinhphu.vn đưa tin.
Bộ trưởng cho biết tổng mức đầu tư của dự án khoảng 8,3 tỉ đô la Mỹ, bao gồm giải phóng mặt bằng, xây dựng, thiết bị và các chi phí khác. Nếu trừ chi phí giải phóng mặt bằng và các chi phí khác, suất đầu tư là 15,96 triệu đô la Mỹ/km, thấp hơn tuyến Ngọc Khê - Mạc Hàn (Trung Quốc) và Boten - Vientiane (Lào), mức đầu tư này tương đối hợp lý so với khu vực.
Theo bộ Tài chính, dự án có thể làm trần nợ công tăng 1,4-1,5% GDP nhưng nếu kinh tế tăng trưởng hai con số giai đoạn 2026-2031, tỉ lệ này sẽ giảm. Bộ trưởng cho biết dự án có tiến độ gấp, quy mô lớn, cần cơ chế đặc thù để đẩy nhanh đầu tư, góp phần tăng trưởng. Dự án đề xuất 15/19 cơ chế trong Nghị quyết 172 và bổ sung 3 cơ chế mới.
Đối với Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù về đường sắt đô thị của hai thành phố Hà Nội và TPHCM, theo Bộ trưởng, việc phê duyệt chủ trương đầu tư thường mất 3-5 năm, có dự án hơn 5 năm.
Trong khi đó, theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, hai thành phố phải hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị trước 2035. Do đó, cần cơ chế đặc thù để rút ngắn thời gian, đảm bảo tiến độ.
Bộ trưởng cho biết việc phân cấp cho địa phương sẽ giúp rút ngắn thời gian phê duyệt từ 3-5 năm, tăng tính chủ động. Về chỉ định thầu, phương án này có thể giảm 4-6 tháng mỗi công đoạn so với đấu thầu thông thường. Với nhiều giai đoạn phức tạp, nếu áp dụng chỉ định thầu, thời gian thực hiện dự án có thể rút ngắn từ 18-25 tháng.
Bộ trưởng cho biết, theo kinh nghiệm quốc tế, từ chủ trương đầu tư đến mở thầu thường mất khoảng 30 tháng. Trong khi đó, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng phải hoàn thành năm 2030, còn mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội, TPHCM cơ bản xong năm 2035, đòi hỏi cơ chế đặc thù để đảm bảo tiến độ. Chỉ định thầu, đã được Bộ Chính trị thông qua, giúp tránh các vướng mắc như từng xảy ra tại dự án nhà ga sân bay Long Thành.
Bộ trưởng cho rằng một số công trình giao thông gần đây được chỉ định thầu với yêu cầu tiết kiệm 5% dự toán đã phát huy hiệu quả, trong khi đấu thầu thông thường mức giảm không đáng kể.
Chỉ định thầu vẫn tuân theo quy định pháp luật, với đánh giá chặt chẽ về năng lực nhà thầu. Đối với các dự án đường sắt, hình thức này giúp thuận lợi trong chuyển giao công nghệ. Ông cho hay, các sai phạm chủ yếu xảy ra trong quá trình thực hiện, không phải do chủ trương chỉ định thầu.