Sẽ xây dựng nghị quyết riêng về phát triển kinh tế tư nhân
'Chính phủ sẽ báo cáo Trung ương cho một nghị quyết giống như Nghị quyết 57 riêng về khu vực kinh tế tư nhân' - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết điều này khi giải trình làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội xung quanh Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8% trở lên, tại Phiên họp chiều 15/02.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình tại Phiên họp. Ảnh: VPQH
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đặt ra nguyên tắc tăng trưởng nhanh, nhưng phải bền vững, đảm bảo môi trường, an sinh xã hội và phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không được đẩy lạm phát lên, đảm bảo các cân đối lớn.
Về thuận lợi để đạt tăng trưởng GDP trên 8% trong năm nay, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đó là sự đồng thuận của hệ thống chính trị, niềm tin của doanh nghiệp, người dân được củng cố và nâng lên rất cao.
Cùng với đó là các quy định mới mang tính đột phá, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền được ban hành đi vào cuộc sống; nhiều điểm nghẽn lâu nay được cơ bản tháo gỡ; nhiều dự án hạ tầng chiến lược đẩy nhanh tiến độ, đưa vào khai thác, sử dụng, tạo ra được nhiều không gian phát triển mới. Các cơ hội mới từ hiệp định thương mại tự do và hiện đang đàm phán với nhiều thị trường, FTA mới; sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu đang là cơ hội cho Việt Nam.
Về khó khăn, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, là tình hình thế giới diễn biến phức tạp, đặc biệt là tác động từ chính sách của Mỹ. Chính phủ đang chỉ đạo các Bộ, ngành có giải pháp chủ động ứng phó chính sách của Mỹ tới kinh tế Việt Nam.
Khó khăn khác là nền kinh tế chúng ta vẫn còn có những rào cản, vướng mắc; các dự án tồn đọng, ách tắc đang chậm tháo gỡ; chất lượng nhân lực, năng suất lao động khó chuyển biến.
Về giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trở lên, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ xác định 6 nhóm giải pháp chính, gồm ngắn hạn và dài hạn.
Các giải pháp ngắn hạn cần triển khai ngay tức thời là hoàn thiện thể chế pháp luật, đáp ứng tình hình mới. Cùng với đó, hoàn thành sớm, nhanh việc tổ chức sắp xếp bộ máy mà không làm ảnh hưởng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống, như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng hay các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực mới nổi…
Theo dõi sát tình hình của các nước, nhất là Mỹ và tận dụng sự dịch chuyển trong dòng đầu tư thương mại; cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi nhất cho khu vực kinh tế tư nhân.
“Thủ tướng đã chỉ đạo các Bộ, ngành là ngay sau khi Quốc thông qua Đề án này, Chính phủ sẽ tổ chức hội nghị với các địa phương để rà soát, thúc đẩy các nhiệm vụ giải pháp đảm bảo mỗi địa phương đạt chỉ tiêu tăng trưởng trên 8%”- Bộ trưởng cho hay.
Bên cạnh đó, các tổ công tác của các thành viên Chính phủ đôn đốc, thúc đẩy giải ngân, tháo gỡ ngay vướng mắc.
“Chính phủ sẽ báo cáo Trung ương để ban hành một nghị quyết riêng cho khu vực kinh tế tư nhân, trong đó có 5 triệu hộ kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn có khả năng dẫn dắt” - Bộ trưởng nêu rõ.
Về dài hạn, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế phân cấp phân quyền triệt để hơn; thực hiện tốt Nghị quyết số 57-NQ/TW, phát huy nhân lực chất lượng cao, phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Bộ trưởng cũng đề nghị các đại biểu Quốc hội giám sát ngay ở địa phương việc thực hiện Nghị quyết 25, giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp FDI, tư nhân… để cùng thực hiện thì mới hoàn thành được mục tiêu phát triển.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH
Trước đó, phát biểu thảo luận về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8% trở lên, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần quan tâm, tháo gỡ khó khăn nhằm thúc đẩy kinh tế tư nhân đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Đoàn Bình Định) đề xuất tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về thủ tục hành chính để nền kinh tế hấp thụ nhanh nguồn vốn ngay trong 6 tháng đầu năm, trong đó cần quan tâm đến các dự án đầu tư của khu vực tư nhân.
Để làm được điều này, đại biểu kiến nghị, cần đánh giá sát hơn những khó khăn hiện nay của khu vực tư nhân trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực xuất khẩu, giúp họ chủ động các biện pháp chống chịu trước những biến động của thị trường thế giới. Đồng thời có giải pháp hiệu quả để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa ngay trong những tháng đầu năm của năm 2025.
Để khu vực kinh tế tư nhân phát triển thì tín dụng phải ở mức lãi suất hợp lý và kết hợp với chính sách dự trữ bắt buộc cũng như thị trường mở để tăng trưởng tín dụng năm 2025 có thể đạt được 17-18% sẽ góp phần lớn vào tăng trưởng trên 8%.
Đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn (Đoàn TP. Hồ Chí Minh)
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) cũng nhấn mạnh việc cần tiếp tục quan tâm đến hệ thống doanh nghiệp tư nhân.
“Chúng ta phải có tinh thần phụng sự và phục vụ để doanh nghiệp phát triển thông qua việc tháo gỡ những nút thắt về thể chế, về quy trình, thủ tục và đặc biệt là về nguồn lực để cho doanh nghiệp tư nhân phát triển” - đại biểu Trịnh Xuân An nhấn mạnh.