Rút ngắn thời gian ban hành chính sách
Quốc hội đang thảo luận về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) với nhiều nội dung đổi mới mang tính nhảy vọt để đáp ứng yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng thể chế, tháo gỡ 'điểm nghẽn của điểm nghẽn', tạo ra 'đột phá của đột phá'.
Một trong những nội dung ấy là rút ngắn quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật xuống còn 1 kỳ họp, thay vì 2 kỳ họp như trước. Có nhiều ý kiến đồng tình, nhưng cũng còn ý kiến băn khoăn.
![Ảnh minh họa / thanhtra.com.vn.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_16_16_51486825/41c5aaf899b670e829a7.jpg)
Ảnh minh họa / thanhtra.com.vn.
Thực tế cho thấy, có những dự án luật dù không có nhiều ý kiến khác biệt nhưng vẫn phải kéo dài theo đúng quy trình 2 kỳ họp, dẫn tới vừa lãng phí thời gian, công sức, tiền của, vừa không đáp ứng được yêu cầu từ thực tiễn cuộc sống, làm lỡ nhịp phát triển.
Để bảo đảm chất lượng của văn bản chính sách khi thông qua theo quy trình 1 kỳ họp, dự thảo luật đã quy định nhiều nội dung mới, trong đó có quy định tham vấn chính sách từ các cơ quan, tổ chức hữu quan ngay từ giai đoạn đầu của quy trình soạn thảo; phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về dự thảo chính sách; cơ quan soạn thảo chịu trách nhiệm đến cùng về chất lượng văn bản...
Hơn nữa, nếu văn bản chưa đủ chất lượng, Quốc hội hoàn toàn có thẩm quyền chưa thông qua văn bản ấy để các cơ quan hữu quan có thời gian hoàn thiện cho đến khi đáp ứng được yêu cầu.
Muốn đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, thì trước tiên phải đổi mới từ chính quy trình xây dựng pháp luật. Thận trọng là tốt, nhưng quá thận trọng trong khi đã chuẩn bị đủ các phương án “phòng ngự” cần thiết có khi lại sinh ra lực cản cho phát triển!