Tổng thống Trump ký 'sắc thuế có đi có lại' và tác động đối với Việt Nam

Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh mới về thuế quan ngày 13/2, đánh dấu một bước đi quyết liệt nhằm định hình lại chính sách thương mại của Hoa Kỳ. Sắc lệnh này hướng đến việc tăng thuế nhập khẩu đối với các đối tác thương mại có thặng dư lớn với Hoa Kỳ, trong đó có Việt Nam.

Chính sách này phản ánh quyết tâm của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong việc thu hẹp thâm hụt thương mại hàng hóa, vốn đã lên tới 1,2 nghìn tỷ USD vào năm ngoái, đồng thời có thể mở ra một giai đoạn mới đầy biến động trong quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ và nhiều quốc gia.

Nội dung chính của sắc lệnh mới

Sắc lệnh về "Thương mại và thuế quan có đi có lại" của Tổng thống Donald Trump có những điểm quan trọng cần lưu ý. Chính quyền Mỹ sẽ tiến hành rà soát hơn 17.000 mã sản phẩm nhập khẩu để điều chỉnh mức thuế quan đối với từng quốc gia, từng mặt hàng đảm bảo mức thuế Mỹ áp dụng phản ánh sự tương xứng với mức thuế mà các nước này đang áp dụng đối với hàng hóa Hoa Kỳ.

Tổng thống Donald Trump ký Sắc lệnh về "Thương mại và thuế quan có đi có lại".

Tổng thống Donald Trump ký Sắc lệnh về "Thương mại và thuế quan có đi có lại".

Điểm đáng chú ý trong sắc lệnh là sự nhấn mạnh vào nguyên tắc thuế quan có đi có lại. Nếu một quốc gia đánh thuế cao lên hàng hóa Mỹ nhưng xuất khẩu sang Hoa Kỳ với mức thuế thấp, Washington sẽ tăng thuế để cân bằng lại.

Ví dụ, trong khi Brazil áp thuế 18% đối với ethanol Mỹ, Hoa Kỳ hầu như miễn thuế đối với ethanol từ Brazil. Theo kế hoạch mới, mức thuế của Hoa Kỳ có thể được nâng lên để phù hợp với Brazil hoặc buộc Brazil phải hạ mức thuế xuống ngang bằng. Tương tự, Liên minh châu Âu đang áp thuế 10% đối với xe nhập khẩu, cao gấp bốn lần mức thuế 2,5% của Mỹ đối với xe du lịch, điều mà chính quyền Tổng thống Donald Trump cho là bất công bằng.

Bên cạnh thuế suất, chính quyền Mỹ cũng sẽ xem xét các rào cản phi thuế quan mà các nước đang áp dụng đối với hàng hóa Mỹ, bao gồm các quy định về kiểm dịch thực vật, tiêu chuẩn chất lượng, thuế giá trị gia tăng (VAT) mà các nước áp dụng, như EU hay Ấn Độ và trợ cấp của chính phủ dành cho doanh nghiệp Nhà nước, điển hình như Trung Quốc. Các yếu tố này sẽ được đưa vào cơ chế điều chỉnh thuế mới, phản ánh chi phí thực sự mà các doanh nghiệp Mỹ phải chịu. Đáng chú ý, tỷ giá hối đoái cũng sẽ được xem xét khi đánh giá mức thuế, nhằm tránh tình trạng các quốc gia sử dụng đồng tiền yếu để giành lợi thế thương mại trước Mỹ.

Dự kiến, các mức thuế mới có thể có hiệu lực từ ngày 1 tháng 4 năm nay, sau khi nhận được báo cáo từ Bộ Thương mại, USTR và Bộ Tài chính về chính sách thương mại mới. Sắc lệnh cũng yêu cầu Văn phòng Quản lý và Ngân sách đánh giá tác động tài chính của chính sách này trong vòng 180 ngày. Tuy nhiên, một quan chức Nhà Trắng khẳng định ông Trump không cần chờ báo cáo này để bắt đầu triển khai thuế mới, vì quá trình xem xét có thể diễn ra nhanh chóng nhờ lượng dữ liệu sẵn có.

Kế hoạch thuế quan của Tổng thống Donald Trump được thiết kế để mở đường cho các cuộc đàm phán thương mại mới, nhưng cũng có thể dẫn đến các biện pháp trả đũa từ các đối tác thương mại. Những thay đổi này có khả năng đẩy giá hàng hóa tại Mỹ tăng cao, làm dấy lên lo ngại về tác động đối với lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Các chuyên gia cảnh báo rằng chiến lược này có thể phản tác dụng nếu gây tổn hại cho doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ nhiều hơn là tạo ra lợi ích thực tế.

Việt Nam có thể bị ảnh hưởng ra sao?

Thuế quan có thể tác động đặc biệt nghiêm trọng đến các nước đang phát triển như Ấn Độ, Brazil, Việt Nam và nhiều quốc gia khác ở Đông Nam Á và Châu Phi, do sự chênh lệch đáng kể giữa mức thuế mà họ áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ so với mức thuế mà Hoa Kỳ áp dụng cho họ.

Chẳng hạn, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, năm 2022, mức thuế trung bình của Hoa Kỳ đối với hàng nhập khẩu từ Ấn Độ là 3%, trong khi Ấn Độ áp dụng mức thuế trung bình lên tới 9,5% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ.

Trong số các quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ, Việt Nam nằm trong nhóm bị ảnh hưởng đáng kể, chỉ xếp sau Trung Quốc và Mexico. Thặng dư thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã lên tới 105 tỷ USD vào năm 2023, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu lớn nhất vào thị trường này.

Những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam bao gồm dệt may, giày dép, đồ gỗ, điện tử và linh kiện. Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn nhất đối với nhiều ngành công nghiệp Việt Nam, đặc biệt là dệt may và giày dép, khi lần lượt chiếm hơn 40% và 35% tổng kim ngạch xuất khẩu của các ngành này.

Việc Mỹ áp thuế mới có thể gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam. Chi phí xuất khẩu tăng lên có thể khiến hàng hóa Việt Nam mất sức cạnh tranh trên thị trường Mỹ. Ngoài ra, nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh thuế cũng không nhỏ, khi Hoa Kỳ từng cáo buộc một số doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng Việt Nam như một điểm trung chuyển hàng hóa từ Trung Quốc để né thuế.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các nước có hiệp định thương mại tự do với Mỹ như Mexico và Canada. Đồng thời, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có thể bị ảnh hưởng khi các tập đoàn đa quốc gia cân nhắc chuyển hướng sản xuất sang những thị trường không bị Mỹ áp thuế cao.

Trước tình hình này, Việt Nam có thể thực hiện nhiều giải pháp để thích nghi với chính sách thương mại mới của Mỹ. Việc đàm phán với Hoa Kỳ là cần thiết nhằm tìm kiếm các biện pháp hợp tác giúp giảm nguy cơ bị áp thuế cao.

Song song đó, Việt Nam cần tăng cường chuỗi cung ứng nội địa, giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc để tránh bị áp thuế chống lẩn tránh. Bên cạnh đó, việc mở rộng thị trường xuất khẩu ngoài Hoa Kỳ sẽ giúp Việt Nam giảm bớt rủi ro, đặc biệt là tận dụng các hiệp định thương mại tự do như EVFTA và CPTPP để đẩy mạnh xuất khẩu sang châu Âu và các nước châu Á.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tập trung vào chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, đầu tư công nghệ và cải thiện chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 13-2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Phạm Thu Hằng, đã trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến thương mại quốc tế và chính sách thuế quan mới của Mỹ. Trước việc Tổng thống Trump tuyên bố áp thuế 25% đối với nhôm và thép nhập khẩu từ tháng 3, bà Hằng nhấn mạnh Việt Nam sẵn sàng trao đổi với Mỹ trên tinh thần xây dựng để tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương phát triển bền vững.

Bà Hằng khẳng định Việt Nam cam kết tuân thủ luật pháp quốc tế, thúc đẩy tự do hóa thương mại và sẽ có biện pháp phù hợp để giảm thiểu tác động đến nền kinh tế. Việt Nam cũng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư và kinh doanh ổn định.

Sắc thuế có đi có lại của Tổng thống Donald Trump là một động thái có thể làm thay đổi sâu sắc cục diện thương mại toàn cầu. Đối với Việt Nam, đây là một thách thức lớn, nhưng cũng là cơ hội để điều chỉnh chiến lược thương mại và đầu tư nhằm thích nghi với sự thay đổi trong chính sách của Mỹ. Việc chủ động đàm phán, củng cố nội lực và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sẽ là những giải pháp quan trọng giúp Việt Nam bảo vệ lợi ích thương mại và duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững trong thời gian tới.

Thùy Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//the-gioi/tong-thong-trump-ky-sac-thue-co-di-co-lai-va-tac-dong-doi-voi-viet-nam-1104971.html
Zalo