Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025
Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 14-2, Quốc hội thảo luận tại các tổ.
Đại biểu thảo luận về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; Chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…
![Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh phát biểu ý kiến thảo luận.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_456_51480214/1a75ba22886c6132387d.jpg)
Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh phát biểu ý kiến thảo luận.
Thảo luận về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, đại biểu Nguyễn Đắc Vinh nhất trí với chủ trương phải đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và thống nhất quan điểm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng phải hết sức thực tế, gắn với những giải pháp cụ thể, là tiền đề tăng trưởng 2 con số. Đại biểu nhấn mạnh, cần được mở rộng hạ tầng, kỹ thuật chuyển đổi số để kết nối dữ liệu chuyển đổi số công nghệ thông tin tiên tiến, là cơ sở quan trọng để tăng trưởng của đất nước….
Đại biểu Nguyễn Việt Hà đánh giá cao giải pháp của Chính phủ về “Khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật không còn phù hợp, chồng chéo hoặc chưa đầy đủ theo hướng vướng mắc ở đâu tháo gỡ ở đó, ở cấp nào thì cấp đó chủ động đề xuất, sửa đổi, hoàn thiện”.
Đây là giải pháp phù hợp với chủ trương của Bộ Chính trị tại Kết luận số 119-KL/TW ngày 20/01/2025, do vậy, đề nghị việc rà soát, tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cần bổ sung thêm mục đích là nhằm phát hiện, chỉnh sửa, xử lý những quy định không còn phù hợp với thực tiễn, mà không chỉ dừng ở việc nhằm phát hiện văn bản có vi phạm như trong dự thảo Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật (sửa đổi) đang nêu, hoặc đề nghị có thể bổ sung nội dung này vào Nghị quyết.
![Đại biểu Nguyễn Việt Hà phát biểu thảo luận.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_456_51480214/decc7f9b4dd5a48bfdc4.jpg)
Đại biểu Nguyễn Việt Hà phát biểu thảo luận.
Đối với giải pháp “Tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, sửa đổi bổ sung hoặc bãi bỏ thủ tục hành chính, quy định không cần thiết; không để phát sinh thủ tục, quy định kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật mới không phù hợp, làm tăng chi phí, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp”, đại biểu đề nghị cần đưa nguyên tắc văn bản dưới luật không được làm phát sinh thủ tục hành chính, phát sinh thêm giấy tờ con vào Nghị quyết hoặc phải bổ sung vào nguyên tắc trong dự thảo Luật ban hành văn bản Quy phạm pháp luật (sửa đổi) để thực hiện thống nhất trong đơn vị, đảm bảo không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
Về thị trường vốn, theo đại biểu Nguyễn Việt Hà, hiện nay vốn của nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn tín dụng, gây khó khăn cho nền kinh tế và áp lực rủi ro cho hệ thống ngân hàng, hiện nguồn vốn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn nhưng nhu cầu tín dụng trung dài hạn của nền kinh tế rất lớn, trong khi thị trường trái phiếu, chứng khoán, bảo hiểm là những thị trường chủ yếu huy động vốn trung dài hạn thì đang gặp khó khăn, không phải là kênh huy động vốn chủ yếu cho doanh nghiệp. Do vậy cần tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bảo hiểm, các quỹ đầu tư để mở rộng nguồn cung vốn cho nền kinh tế.
Về tăng trưởng tín dụng, để tăng tín dụng, khơi thông nguồn vốn, đại biểu cho rằng cần xuất phát từ nhu cầu vốn của doanh nghiệp, người dân, do vậy cần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
Đại biểu cũng đề nghị có sự quan tâm đúng mực đối với vấn đề nợ xấu, hiện nay đang có lỗ hổng pháp lý đối với công tác xử lý nợ xấu do Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng hết hiệu lực, Luật các tổ chức tín dụng hiện hành cũng ko quy định.
Với định hướng tăng trưởng GDP 8% năm 2025 và các năm tiếp theo là tăng trưởng 2 con số thì nhu cầu tăng trưởng tín dụng sẽ rất lớn, điều này vừa thuận lợi cho các tổ chức tín dụng để cung ứng vốn cho nền kinh tế nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro về nợ xấu nếu không có cơ chế pháp lý xử lý nợ xấu phù hợp. Do vậy, đề nghị xem xét ban hành quy định về xử lý nợ xấu sớm, không để khi vấn đề nợ xấu trở nên là vấn đề nóng mới ban hành.