Hạn chế chip của Mỹ và tác động đối với ngành bán dẫn ASEAN

Trong bối cảnh nhu cầu về trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng tăng, chất bán dẫn đã trở thành yếu tố then chốt quyết định lợi thế kinh tế tương lai.

Ảnh minh họa: CGTN

Ảnh minh họa: CGTN

Những con chip tiên tiến nhất đóng vai trò nền tảng cho công nghệ hiện đại, nhưng để sản xuất chúng đòi hỏi một chuỗi cung ứng phức tạp và chuyên biệt cao.

Khi cuộc cạnh tranh toàn cầu trong lĩnh vực bán dẫn ngày càng gay gắt, ASEAN buộc phải tìm cách củng cố vị thế trong chuỗi giá trị này nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.

ASEAN bị giới hạn trong cuộc chiến bán dẫn Mỹ - Trung

Trước lo ngại về nguy cơ rò rỉ công nghệ sang Trung Quốc, Mỹ đã áp đặt các hạn chế xuất khẩu và chuyển giao công nghệ đối với chất bán dẫn tiên tiến. Trong đó, các đồng minh thân cận nhất của Mỹ được xếp vào nhóm "cấp 1", được tiếp cận không giới hạn với những con chip hiện đại nhất. Trong khi đó, nhóm "cấp 3", bao gồm Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên, phải chịu các lệnh cấm nghiêm ngặt nhất.

Các quốc gia ASEAN như Singapore, Malaysia và Thái Lan hiện thuộc nhóm "cấp 2", đồng nghĩa với việc bị hạn chế tiếp cận các chất bán dẫn tiên tiến, đặc biệt là các bộ xử lý đồ họa (GPU) hiệu suất cao. Dù đã trở thành những mắt xích quan trọng trong quy trình lắp ráp và đóng gói chip, khu vực này vẫn gặp khó khăn trong việc vươn lên các khâu có giá trị cao hơn như nghiên cứu, thiết kế và sản xuất chip tiên tiến. Điều này cản trở chiến lược phát triển ngành bán dẫn của ASEAN và làm suy yếu khả năng cạnh tranh của khu vực trong dài hạn.

Để duy trì lợi thế trong bối cảnh địa chính trị ngày càng phức tạp, ASEAN cần định vị mình như một đối tác an toàn và đáng tin cậy trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Khi nhu cầu về chip tiên tiến gia tăng, khả năng thu hút các công ty bán dẫn hàng đầu sẽ phụ thuộc vào việc khu vực này có thể triển khai các biện pháp bảo mật nghiêm ngặt để ngăn chặn rò rỉ công nghệ và bảo vệ sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, ASEAN cần thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao, tham gia vào các cuộc đàm phán đa phương và xây dựng lòng tin với các đối tác toàn cầu để tạo ra một môi trường ổn định, minh bạch cho ngành công nghiệp bán dẫn. Nếu khu vực này chứng minh được độ tin cậy, Mỹ có thể xem xét nới lỏng các hạn chế về chuyển giao công nghệ và quyền tiếp cận chất bán dẫn tiên tiến.

Thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng ngành bán dẫn

Để duy trì đà phát triển, ASEAN nên tiếp tục tận dụng các chính sách thu hút đầu tư, bao gồm ưu đãi thuế, quy định thân thiện với doanh nghiệp và thủ tục hành chính đơn giản để khuyến khích các công ty bán dẫn tiên tiến mở rộng hoạt động tại khu vực. Ngoài ra, các đặc khu kinh tế như Johor-Singapore (Malaysia - Singapore), Kendal (Indonesia) hay Hành lang Kinh tế Phía Đông (Thái Lan) cần được phát triển thành các trung tâm công nghệ và sản xuất bán dẫn, nhằm thúc đẩy đổi mới và mở rộng chuỗi cung ứng khu vực.

Việc bảo vệ sở hữu trí tuệ với các giao thức an ninh nâng cao cũng đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố niềm tin của nhà đầu tư. Nếu ASEAN đảm bảo được an toàn công nghệ và dữ liệu, các tập đoàn bán dẫn và các ngành liên quan như trung tâm dữ liệu và phát triển phần mềm sẽ có thêm động lực để mở rộng hoạt động tại khu vực.

Đa dạng hóa chuỗi giá trị bán dẫn

Dây chuyền sản xuất bản mạch điện tử tại Công ty TNHH Nexcon Việt Nam, vốn đầu tư của Hàn Quốc tại Bắc Ninh, Việt Nam. Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN

Dây chuyền sản xuất bản mạch điện tử tại Công ty TNHH Nexcon Việt Nam, vốn đầu tư của Hàn Quốc tại Bắc Ninh, Việt Nam. Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN

Trong bối cảnh chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu ngày càng chịu tác động từ các căng thẳng địa chính trị, ASEAN cần xây dựng một hệ sinh thái bán dẫn đa dạng hơn, thay vì chỉ tập trung vào sản xuất. Khu vực này đã khẳng định vị thế trong chuỗi sản xuất chip, nhưng để phát triển bền vững, ASEAN cần đầu tư vào các lĩnh vực bổ trợ như phát triển phần mềm, dịch vụ Trí tuệ nhân tạo (AI) và trung tâm dữ liệu hiện đại.

Đặc biệt, phần mềm tiên tiến đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa hoạt động của chất bán dẫn, nhất là khi AI và học máy ngày càng trở thành yếu tố cốt lõi trong các lĩnh vực từ y tế, tài chính đến xe tự hành. ASEAN có thể tận dụng cơ sở hạ tầng công nghệ sẵn có để thúc đẩy đổi mới trong mảng phần mềm, qua đó nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu.

Chiến lược đa dạng hóa này sẽ giúp ASEAN không chỉ gia tăng giá trị trong ngành bán dẫn mà còn tạo ra một nền công nghiệp linh hoạt, có khả năng thích ứng với những biến động của thị trường toàn cầu.

Phúc Hưng/Báo Tin tức (Theo lowyinstitute)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/han-che-chip-cua-my-va-tac-dong-doi-voi-nganh-ban-dan-asean-20250214141906906.htm
Zalo