Chuẩn bị ứng phó các biện pháp phòng vệ thương mại

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung 25% đối với toàn bộ sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu, Bộ Công Thương đã phát thông tin tới doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp hai ngành này.

Ngoài nguy cơ xuất khẩu vào xứ cờ hoa giảm, doanh nghiệp còn có thể đối mặt với các vụ phòng vệ thương mại gia tăng, đòi hỏi sự chuẩn bị cũng như năng lực ứng phó.

Thép là ngành hàng xuất khẩu chịu nhiều vụ việc phòng vệ thương mại nhất trong các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam. Đến nay, trong tổng số 270 vụ việc phòng vệ thương mại của hàng hóa xuất khẩu, thép chiếm hơn 80 vụ.

Hiệp hội thép cho biết khi đẩy mạnh xuất khẩu, do năng lực sản xuất tăng, đương nhiên kéo theo các hệ lụy về phòng vệ thương mại.

Ông Đinh Quốc Thái - Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết: "Nhiều nước như EU, Mỹ, họ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp…, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải tìm mọi cách để đẩy sản phẩm đi để tăng năng lực tiêu thụ".

Từ năm 2000 cho tới nay, số vụ việc phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu liên tục tăng, năm 2024, là 27 vụ (chỉ thấp hơn năm 2020 là 39 vụ).

Trong số các thị trường áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với Việt Nam, Mỹ đứng đầu. Bộ Công Thương cho biết việc Mỹ áp thuế bổ sung sẽ khiến nhiều nước đang được hưởng miễn trừ sẽ khó xuất khẩu thép, nhôm vào Mỹ, sẽ tìm đường xuất khẩu sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.

Thêm vào đó, việc áp thuế cao đối với các mặt hàng xuất khẩu sẽ khiến các công ty thép quay trở lại thị trường nội địa và khu vực, khiến các nước tăng cường bảo hộ, tạo nguy cơ áp dụng phòng vệ thương mại cho hàng xuất khẩu Việt.

TS. Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho biết: "Thị trường toàn cầu thể hiện tứ bất: bất ổn, bất định, bất trắc, bất an của nhà sản xuất, nhà đầu tư. Trước hết, doanh nghiệp phải chủ động, phải tìm hiểu các quy định của thị trường xuất nhập khẩu, các hiệp định thương mại tự do. Thương khẩu cho doanh nghiệp hội nhập sâu, đấy là: tư duy toàn cầu, hiểu biết thị trường xuất nhập khẩu chuyên sâu".

Năm 2024, quy mô xuất khẩu của Việt Nam đã vượt 400 tỷ USD. Trong bối cảnh xu thế bảo hộ thương mại tại nhiều thị trường lớn ngày càng tăng, dự báo năm 2025, hàng Việt sẽ đối diện với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại hơn và phức tạp hơn từ các thị trường nhập khẩu.

Hoàng Hợp

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/chuan-bi-ung-pho-cac-bien-phap-phong-ve-thuong-mai-302866.htm
Zalo