Ấn Độ, Mỹ nhất trí giải quyết bất đồng thương mại và thuế quan

Ấn Độ và Mỹ đã nhất trí khởi động các cuộc đàm phán nhằm đạt được một thỏa thuận thương mại sớm và giải quyết bế tắc của họ về thuế quan khi New Delhi hứa sẽ mua thêm dầu, khí đốt và thiết bị quân sự từ Washington.

Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong cuộc họp báo chung tại Nhà Trắng ngày 13/2/2025. Ảnh: AFP

Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong cuộc họp báo chung tại Nhà Trắng ngày 13/2/2025. Ảnh: AFP

Một loạt thỏa thuận đã xuất hiện sau các cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Nhà Trắng vào ngày 13/4, chỉ vài giờ sau khi ông Trump chỉ trích môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp Mỹ tại Ấn Độ và công bố lộ trình áp dụng thuế quan "có đi có lại" đối với các quốc gia áp thuế đối với hàng nhập khẩu của Mỹ.

"Thủ tướng Modi gần đây đã công bố việc cắt giảm thuế quan không công bằng và rất cao của Ấn Độ, hạn chế đáng kể chúng tôi tiếp cận thị trường Ấn Độ", Tổng thống Trump nói. "Và tôi phải nói rằng đó thực sự là một vấn đề lớn".

Ngoại trưởng Ấn Độ Vikram Misri cho biết thỏa thuận giải quyết các mối quan ngại về thương mại với Mỹ có thể được thực hiện trong vòng 7 tháng tới.

Một tuyên bố chung sau hội đàm cho biết Washington hoan nghênh các biện pháp gần đây của New Delhi nhằm hạ thuế đối với một số sản phẩm của Mỹ và tăng khả năng tiếp cận thị trường cho nông sản Mỹ, đồng thời tìm cách đàm phán các nội dung ban đầu của một thỏa thuận thương mại vào mùa thu năm nay.

Mặc dù cả hai nhà lãnh đạo đều "có quan điểm riêng" về thuế quan, nhưng "điều đáng chú ý hơn... là thực tế là chúng tôi có một lộ trình tiến triển về vấn đề này", Ngoại trưởng Ấn Độ cho biết.

Một số thỏa thuận của hai nhà lãnh đạo mang tính tham vọng: Ấn Độ muốn tăng "hàng tỷ USD" lượng mua thiết bị quốc phòng của Mỹ và có thể biến Washington thành "nhà cung cấp dầu khí số một", Tổng thống Trump nói tại một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Modi.

Thủ tướng Ấn Độ cho biết New Delhi muốn tăng gấp đôi kim ngạch thương mại với Washington lên 500 tỷ USD vào năm 2030. Hợp tác về năng lượng hạt nhân đã được lên kế hoạch từ lâu, một vấn đề cũng được hai nhà lãnh đạo thảo luận, đang phải đối mặt với những thách thức pháp lý.

Theo Ngoại trưởng Ấn Độ, nhập khẩu năng lượng từ Mỹ có thể tăng lên 25 tỷ USD trong tương lai gần, từ mức 15 tỷ USD của năm ngoái, đồng thời điều này có thể góp phần làm giảm thâm hụt thương mại.

Trong khi đó, ông Richard Rossow, giám đốc chương trình Ấn Độ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho rằng thuế quan sẽ tiếp tục chi phối mối quan hệ giữa hai nước. "Đây sẽ là một trận đấu quyền anh", ông Rossow nói. "Ấn Độ sẵn sàng chịu một vài đòn, nhưng có giới hạn".

Mặc dù Tổng thống Trump có mối quan hệ nồng ấm với Thủ tướng Modi trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, nhưng hôm 13/2 ông chủ Nhà Trắng một lần nữa nhấn mạnh rằng thuế quan của Ấn Độ "rất cao", đồng thời khẳng định sẽ cân bằng nó, ngay cả sau khi các khoản thuế trước đó của ông đối với thép và nhôm đã tác động đặc biệt mạnh đến Ấn Độ.

"Chúng tôi đang có sự đáp trả với Ấn Độ", Tổng thống Trump nói tại cuộc họp báo. "Bất cứ mức thuế nào Ấn Độ tính, chúng tôi đều tính".

Trong khi đó, Thủ tướng Modi khẳng định sẽ bảo vệ lợi ích của Ấn Độ. "Một điều mà tôi vô cùng trân trọng và tôi học được từ Tổng thống Trump là ông ấy luôn đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu", Thủ tướng Modi cho biết. "Giống như ông ấy, tôi cũng luôn đặt lợi ích quốc gia của Ấn Độ lên hàng đầu".

Mỹ có thâm hụt thương mại 45,6 tỷ USD với Ấn Độ. Theo dữ liệu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mức thuế quan trung bình theo trọng số thương mại của Mỹ là khoảng 2,2%, trong khi mức này của Ấn Độ là 12%.

Đông Phong

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/an-do-my-nhat-tri-giai-quyet-bat-dong-thuong-mai-va-thue-quan-d246561.html
Zalo