Thủ tướng: 'Muốn đẩy tiền ra cho sản xuất kinh doanh phải chấp nhận một phần lạm phát cao hơn'

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng có thể phải hy sinh một phần lạm phát vì mục tiêu tăng trưởng. Vì muốn đẩy tiền ra cho sản xuất kinh doanh phải chấp nhận một phần lạm phát cao hơn...

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận

Tại phiên thảo luận tại tổ của kỳ họp Quốc hội bất thường đang diễn ra về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh, việc đạt mức tăng trưởng 8% sẽ kéo theo tăng trưởng ở nhiều chỉ số, từ thu nhập bình quân đầu người đến năng suất lao động. Đạt được mục tiêu này là thách thức rất lớn, nhưng càng khó khăn, càng áp lực thì càng phải nỗ lực, đó là truyền thống, văn hóa của dân tộc chúng ta từ xưa đến nay.

MỤC TIÊU TĂNG TRƯỞNG CAO LÀ THÁCH THỨC LỚN

Tại phiên thảo luận tổ, các ý kiến bày tỏ đồng tình với mục tiêu, yêu cầu, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 trong Tờ trình, Báo cáo của Chính phủ. Việc trình Quốc hội điều chỉnh tăng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, góp phần củng cố, tạo nền tảng vững chắc để đạt tăng trưởng 2 con số trong thời gian đủ dài, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, tình hình thế giới và trong nước từ đầu nhiệm kỳ, đặc biệt việc thay đổi lãnh đạo ở Trung ương và địa phương đã tác động không nhỏ đến kinh tế - xã hội nước ta. Cùng với đó, quy mô, độ mở, sự chuyển đổi của nền kinh tế cũng là một thách thức cho những mục tiêu trăm năm mà Đại hội XIII đã đề ra.

Chia sẻ thêm về những giai đoạn khó khăn trong nhiệm kỳ mà cả đất nước đã cùng vượt qua, Thủ tướng nhắc lại từ đại dịch Covid-19 đến xung đột ở các khu vực trên thế giới khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, rồi bão lũ, thiên tai… khiến nền kinh tế trong nước phải chịu nhiều tác động.

Trong bối cảnh như vậy, cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng lòng của nhân dân, doanh nghiệp, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, đất nước đã vượt qua được khó khăn, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã vượt và đạt, kiểm soát được lạm phát, thúc đẩy được tăng trưởng, giữ được kinh tế vĩ mô ổn định. Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều khó khăn, Thủ tướng nhấn mạnh công tác an sinh xã hội được làm tốt, điển hình từ đại dịch đến siêu bão Yagi, việc khắc phục hậu quả rất nhanh.

Về mục tiêu tăng trưởng, Thủ tướng cho biết tại Hội nghị Trung ương 10 xác định mục tiêu tăng trưởng 6,5-7% là khó khăn, thậm chí khi xuất hiện cơn bão Yagi, nhiều người tin rằng năm 2024 nên giảm một số mục tiêu để phấn đấu.

"Tôi trả lời rằng mình phấn đấu vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, cuộc sống ấm no của nhân dân, không phải mục tiêu đặt ra vừa phải phấn đấu cho dễ dàng. Càng khó khăn, càng áp lực thì càng phải nỗ lực", người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh. Theo Thủ tướng, đó cũng là lý do Chính phủ báo cáo Quốc hội, Bộ Chính trị, Trung ương về việc có thể 2025 có thể phấn đấu mục tiêu cao hơn, cụ thể nâng lên trên 8% thay vì 6,5-7%.

"Nếu ta không đặt ra như thế, tốc độ bình bình 6-7% năm sẽ khó đạt 2 mục tiêu 100 năm, nên phải thúc đẩy tăng trưởng cao hơn", Thủ tướng nhấn mạnh.

VÌ MỤC TIÊU TĂNG TRƯỞNG, CÓ THỂ HI SINH MỘT PHẦN LẠM PHÁT

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, việc điều chỉnh mục tiêu GDP trên 8% năm nay là yêu cầu khách quan, nhằm đạt mục tiêu đưa ra tại Đại hội XIII và trở thành nước có thu nhập cao vào 2045. Song ông thừa nhận đây cũng là thách thức lớn khi bình quân tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay ở mức thấp - gần 3% và khu vực ASEAN 4-4,5%, nhưng "khó mấy cũng phải làm".

Để đạt được mục tiêu lớn, Thủ tướng nêu ra một số giải pháp đồng bộ. Thứ nhất, cần phải tạo không gian sáng tạo để các bộ, ngành, doanh nghiệp, người dân và mọi chủ thể liên quan thực hiện mục tiêu tăng trưởng.

Thứ hai là có thể phải nới rộng tăng trưởng tín dụng, kết hợp các chính sách tài khóa, nới rộng tỷ lệ bội chi trong bối cảnh nợ công, nợ chính phủ đang được kiểm soát tốt. Bên cạnh đó, cần tăng cường giải pháp thúc đẩy đầu tư công, đẩy mạnh ba đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực theo tinh thần "vướng mắc ở đâu gỡ ở đó, vướng mắc lúc nào gỡ lúc đó".

Thực tế, để đạt mục tiêu tăng trưởng cao, tín dụng ngân hàng là kênh dẫn vốn quan trọng. Năm nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng dự kiến khoảng 16%, tăng 0,92 điểm phần trăm so với thực hiện 2024. Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay chính sách tiền tệ tiếp tục được điều hành linh hoạt, kết hợp hài hòa với chính sách tài khóa (thuế, phí, tăng thu, tiết kiệm chi...) để tạo không gian thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

"Có thể phải hy sinh một phần lạm phát. Vì muốn đẩy tiền ra cho sản xuất kinh doanh phải chấp nhận một phần lạm phát cao hơn", Thủ tướng nói, thêm rằng Việt Nam ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao.

Thứ ba, đối với đột phá hạ tầng, Thủ tướng Chính phủ đề cập đến các hạ tầng chiến lược như đường sắt cao tốc Bắc – Nam, tuyến đường sắt Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai kết nối với Trung Quốc, Châu Âu; hạ tầng số, hạ tầng y tế giáo dục, xã hội. Cùng với đó, tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội, TP.HCM cũng được Thủ tướng nêu ra và kêu gọi các Đại biểu Quốc hội ủng hộ.

Tiếp theo, về nhân lực, Thủ tướng Chính phủ cho rằng phải đột phá để đào tạo nhân lực chất lượng cao thông qua thúc đẩy động lực tăng trưởng mới về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo đang được triển khai rất quyết liệt. Quốc hội, theo đề xuất của Chính phủ đã thể chế hóa tích cực các giải pháp cả trước mắt như các cơ chế đặc thù đến các giải pháp lâu dài như Luật Khoa học - Công nghệ và Luật Dữ liệu để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Đặc biệt, một lần nữa Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, một trong những giải pháp quan trọng là cải cách bộ máy, giảm thủ tục hành chính, bỏ cơ chế xin - cho. Chỉ cần bỏ một cấp đi là giảm được thủ tục hành chính, áp dụng số hóa thì đơn giản hóa được các thủ tục còn lại.

Nhân đây, người đứng đầu Chính phủ lý giải thêm về đề án bỏ công an cấp huyện, ông cho biết khi bỏ công an cấp huyện thì một số sẽ được điều lên tỉnh, đa số còn lại thì xuống cơ sở. Việc gì cũng xảy ra ở dưới cơ sở, nhân dân cũng chủ yếu ở cơ sở, xã phường nên phấn đấu mục tiêu vì dân thì phải tăng cường cơ sở để lo cho dân.

Bảo An

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/thu-tuong-muon-day-tien-ra-cho-san-xuat-kinh-doanh-phai-chap-nhan-mot-phan-lam-phat-cao-hon-post557793.html
Zalo