Đại biểu tiếp tục 'hiến kế' để đạt tăng trưởng 8%
Để đảm bảo thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8%, các đại biểu Quốc hội đã tiếp tục đóng góp giải pháp và cho rằng cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Kiến tạo không gian phát triển mới
Chiều 15/2, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.
![Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_35_51484944/a08f3f050c4be515bc5a.jpg)
Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông
Tham gia ý kiến, đại biểu Dương Khắc Mai - đoàn Đắk Nông tán thành và đánh giá cao báo cáo của Chính phủ, nước ta đã hoàn thành thắng lợi, toàn diện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 cùng với những con số ấn tượng, sống động, thành tựu của công tác đối ngoại, ngoại giao tạo vị thế, nguồn lực mới quan trọng cho phát triển đất nước, phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, năng lượng đạt kỳ tích, kỷ lục mới.
Đại biểu cho rằng, năm 2025 với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam thì để đảm bảo thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8% chúng ta cần phải nỗ lực hơn 100% của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân.
Về đẩy mạnh hoàn thiện thể chế pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, đại biểu Dương Khắc Mai cho biết, theo đánh giá của Chính phủ thể chế, pháp luật vẫn là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, tư duy xây dựng pháp luật còn nặng về quản lý hơn là kiến tạo phát triển. Một số quy định của pháp luật cơ chế chính sách còn chậm, chưa được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn; phân cấp, phân quyền còn có nhiều bất cập, hạn chế.
Do đó, đại biểu đề nghị trong Nghị quyết nên bổ sung tập trung đưa ra các giải pháp toàn diện, định hướng trong công tác xây dựng pháp luật để tham vấn những điểm nghẽn, không nên đưa việc phải sửa luật này, luật kia cụ thể như trong dự thảo Nghị quyết. Để từ đó làm cho thể chế không còn là “điểm nghẽn của điểm nghẽn” mà là “đột phá của đột phá”, kiến tạo, tạo không gian phát triển mới.
Đồng thời, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Quốc hội đã và sẽ đang thành nhiều luật theo dạng “một luật sửa nhiều luật” và ngược lại một luật cũng được sửa đổi bổ sung ở nhiều luật có liên quan, kéo theo đó là các văn bản hướng dẫn thi hành cũng được sửa đổi, bổ sung. Nhưng, tình trạng nợ các văn bản để hướng dẫn thi hành vẫn còn, vì vậy cần khắc phục triệt để tình trạng này.
Thêm vào đó là việc ban hành các văn bản hợp nhất cũng phải đặc biệt quan tâm, thực hiện bảo đảm thuận tiện trong khi thực hiện.
Hai là, tập trung nguồn lực hoàn thiện kết cấu, hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công. Đại biểu thống nhất ý kiến của Ủy ban Kinh tế là đầu tư công năm 2025 là một trong những trụ cột để tăng trưởng, nên cần có giải pháp cụ thể, gắn trách nhiệm thực hiện để đổi mới quản lý, đầu tư công, bảo đảm giải ngân được số vốn đầu tư công đã giao dự toán và bổ sung thêm trong điều kiện giải ngân vốn đầu tư công là khâu yếu kéo dài nhiều năm.
Đặc thù năm 2025 tăng cường chính sách tài khóa, vốn đầu tư công bố trí ở mức cao, nhiều dự án trọng điểm hoàn thành hoặc chuẩn bị đầu tư; có giải pháp thực chất, hiệu quả để thu hút đầu tư xã hội. Thực hiện thành công chủ trương “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”.
Đại biểu cũng lưu ý giải quyết các tồn tại trong giải ngân đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia.
“Như tôi đã từng phát biểu, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quan tâm, thường xuyên đôn đốc nhưng vấn đề giải ngân vốn đầu tư công chậm, nhiều năm chưa được khắc phục một cách triệt để. Vì vậy, cần đánh giá kỹ làm rõ nguyên nhân nhất là nguyên từ thể chế cũng như trách nhiệm của các chủ thể để từ đó có giải pháp toàn diện nhằm chấm dứt tồn tại này trong thời gian tới” - ông Mai nói.
Về nội dung đẩy mạnh tiến độ sửa đổi và triển khai hiệu quả quy hoạch điện VIII trong bối cảnh mới, ông Mai đề nghị, Chính phủ cần nhanh chóng có giải pháp tháo gỡ những vướng mắc đối với các dự án năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, theo báo cáo của Chính phủ, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường lao động và yêu cầu phát triển chưa góp phần tạo đột phá về năng suất chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Trong khi đó, yếu tố quan trọng để tăng năng suất lao động là nguồn nhân lực chất lượng kỹ thuật cao, năng suất lao động là yếu tố quyết định sự thắng lợi của mục tiêu tăng trưởng trên 8% đặt ra.
Do chỉ tiêu này gắn liền với tốc độ tăng trưởng, sức cạnh tranh và quy mô của nền kinh tế. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần tiếp tục quan tâm, đào tạo nguồn nhân lực nhằm bảo đảm chỉ tiêu này có tốc độ tăng nhanh, bền vững, đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đồng thời, để góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên trong năm 2025 và hướng tới mục tiêu tăng trưởng 2 con số giai đoạn 2026-2030, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu có cơ chế chính sách đặc thù cho các địa phương có thế mạnh riêng có để khai thác hiệu quả, tiềm năng, lợi thế cho phát triển chung của đất nước và phát triển của địa phương.
Các dự án không nên quá tập trung vào đấu thầu
Tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Văn Thân - đoàn Thái Bình đề nghị Chính phủ, Quốc hội có nghị quyết để tăng cường sự phối hợp, liên kết giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
![Đại biểu Nguyễn Văn Thân - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_35_51484944/ce4653cc608289dcd093.jpg)
Đại biểu Nguyễn Văn Thân - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình
Bên cạnh đó, ông Thân cũng đề nghị có chỉ tiêu đánh giá, để đo hiệu quả công việc đối với cán bộ, công chức, viên chức theo kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng, 1 năm. Từ đó, có chế độ khen thưởng, đề bạt, thăng chức đối với người làm tốt.
Đại biểu đoàn Thái Bình cũng đề nghị có chính sách để huy động nguồn lực vào phát triển từ 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. “Cả nước có 5 triệu hộ kinh doanh, họ cũng phải có nghĩa vụ, trách nhiệm với sự phát triển của đất nước. Nhưng phải có cơ chế thế nào để khuyến khích, tạo điều kiện để họ tham gia chứ không phải gây phiền nhiễu” - ông Thân nói.
Đại biểu đoàn Thái Bình cũng lưu ý, việc triển khai các dự án không nên quá tập trung vào đấu thầu. Cái gì thuộc Chính phủ thì Thủ tướng quyết, thuộc bộ thì bộ quyết, thuộc tỉnh thì tỉnh quyết, người đứng đầu quyết.
Tương tự, đối với doanh nghiệp nhà nước, ông Thân đề nghị “ai được giao nhiệm vụ gì thì làm nhiệm vụ đó”, không lấn sân nhiệm vụ khác. Doanh nghiệp nào cũng đầu tư bất động sản, “làm cái lọ, cái chai” thì sẽ rất nguy hại với nền kinh tế.
Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An - đoàn Đồng Nai cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 8% và cao hơn năm nay là phép thử để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo tăng trưởng hai con số. Nếu triển khai tốt năm nay thì giai đoạn tiếp theo sẽ tăng trưởng được hai con số.
Theo đó, ông An đề nghị bên cạnh các giải pháp căn cơ, lâu dài cần ưu tiên triển khai ngay các giải pháp có hiệu quả tức thì; cải thiện khâu tổ chức, thực hiện; tăng cường đầu tư công, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng; hỗ trợ khối doanh nghiệp tư nhân…
Đại biểu đoàn Đồng Nai cũng đề nghị Chính phủ cần mạnh dạn giao chỉ tiêu cho các địa phương. “Các chỉ tiêu này cần mang tính động lực. Chẳng hạn, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh được giao 8-8,5%. Đây là hai đầu tàu tăng trưởng của cả nước, hai thành phố tăng trưởng được hai con số không, nếu được thì mục tiêu chung của cả nước cũng đạt” - ông An nêu.
Theo đại biểu Quốc hội, mục tiêu tăng trưởng 8% và cao hơn năm nay là phép thử để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo tăng trưởng hai con số. Nếu triển khai tốt năm nay thì giai đoạn tiếp theo sẽ tăng trưởng được hai con số.