Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cần bổ sung 'cơ chế đặc biệt' cho hoạt động khoa học, công nghệ

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 15.2, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia cần bổ sung một số cơ chế đặc biệt thì mới làm được và thật sự đổi mới.

Sáng 15.2, sau khi làm việc tại hội trường, Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ và các tỉnh: Điện Biên, Kon Tum, Vĩnh Long (Tổ 8) thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (dự thảo Nghị quyết).

 Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 15.2. Ảnh: Lâm Hiển

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 15.2. Ảnh: Lâm Hiển

Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, việc ban hành Nghị quyết này nhằm khẩn trương thể chế hóa một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57-NQ/TW) nhằm giải phóng, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.

Sau khi được Quốc hội thông qua, việc thực hiện Nghị quyết sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên trong năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030.

Tờ trình của Chính phủ đề xuất thí điểm đối với 4 nhóm cơ chế, chính sách về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia để đưa vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội. Đó là: tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến chi tiêu tài chính; cơ chế hoạt động của tổ chức công lập và nhân lực trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập; thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu và hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư, đầu tư công, đấu thầu phục vụ các hoạt động chuyển đổi số quốc gia, phát triển hạ tầng 5G, phát triển công nghiệp công nghệ số; thử nghiệm có kiểm soát cho chuyển đổi số quốc gia và phát triển hạ tầng số.

Tại phiên thảo luận của Tổ 8, các ĐBQH bày tỏ sự “nhất trí cao”, “ủng hộ cao” việc ban hành Nghị quyết này.

“Nghị quyết 57-NQ/TW với giới khoa học chúng tôi giống như nắng hạn gặp mưa rào. Việc xây dựng, ban hành Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc cũng rất nhanh chóng để đưa Nghị quyết 57-NQ/TW vào cuộc sống. Tôi hoàn toàn ủng hộ cao Nghị quyết này và tin rằng những người làm khoa học như tôi cũng rất ủng hộ”, ĐBQH Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ), Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Cần Thơ nói.

Các ĐBQH cũng đánh giá cao và ủng hộ các cơ chế, chính sách được đề ra trong dự thảo Nghị quyết. Đồng thời, đề xuất bổ sung cơ chế thu hút chuyên gia nước ngoài, dự án quốc tế cho hoạt động nghiên cứu khoa học trong nước, ưu tiên bố trí kinh phí để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao…

 Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất bổ sung 5 cơ chế đặc biệt cho hoạt động khoa học công nghệ. Ảnh: Lâm Hiển

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất bổ sung 5 cơ chế đặc biệt cho hoạt động khoa học công nghệ. Ảnh: Lâm Hiển

Phát biểu tại phiên thảo luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và Tổng Bí thư, Chính phủ đã tranh thủ thời gian tối đa, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan liên quan của Quốc hội đã rất tích cực trong việc hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội.

Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là yêu cầu khách quan. Vì vậy, việc tháo gỡ thể chế cần phải tập trung làm.

"Chính phủ đang chỉ đạo sửa một loạt các luật, song để Nghị quyết 57-NQ/TW đi vào cuộc sống ngay thì hôm nay chúng ta phải trình và thảo luận về dự thảo Nghị quyết này. Dự thảo Nghị quyết tập trung tháo gỡ các vướng mắc mà hiện nay rất cần thiết để thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW, cũng chưa bao trùm, toàn diện hết được và phải tiếp tục sửa các luật khác là vì vậy", Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, dự thảo Nghị quyết cần bổ sung một số cơ chế đặc biệt, chứ không phải đặc thù, thì mới làm được và thật sự đổi mới.

Thứ nhất là cơ chế đặc biệt cho phát triển kết cấu hạ tầng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Hạ tầng này hiện nay rất yếu trong khi nguồn lực cần rất lớn nên phải có cơ chế để huy động nguồn lực này từ người dân, doanh nghiệp, xã hội để phát triển hạ tầng này.

Thứ hai là cơ chế đặc biệt cho quản lý, như lãnh đạo công - quản trị tư, đầu tư công - quản lý tư, đầu tư tư - sử dụng công trong các hoạt động khoa học công nghệ. Ví dụ đầu tư công - quản lý tư, đầu tư cho hạ tầng công nghệ của nhà nước nhưng giao tư nhân quản lý.

 Toàn cảnh phiên thảo luận của Tổ 8 sáng 15.2. Ảnh: Lâm Hiển

Toàn cảnh phiên thảo luận của Tổ 8 sáng 15.2. Ảnh: Lâm Hiển

Thứ ba là cơ chế đặc biệt cho các nhà khoa học, công trình khoa học… có thể thương mại hóa được. Phải phân cấp, phân quyền cho các tỉnh, thành phố, bộ, ngành thậm chí các chủ thể liên quan, xóa bỏ xin - cho, giảm thủ tục hành chính và quản lý hiệu quả tổng thể.

Thứ tư, hiện nay dự thảo Nghị quyết mới miễn trừ trách nhiệm khi xảy ra rủi ro với người soạn thảo (miễn trừ trách nhiệm, quyền đề xuất các nhiệm vụ khoa học và công nghệ - PV) mà chưa đề cập tới người thực hiện.

“Trong khi đó, thực hiện mới khó. Nếu không có cơ chế đặc biệt bảo vệ người thực hiện thì lại sợ trách nhiệm, để đấy, hoặc không muốn làm vì không được bảo vệ. Phải thiết kế thêm cơ chế miễn trừ trách nhiệm với cả người thực hiện chứ không phải chỉ người thiết kế chính sách thì mới toàn diện được”, Thủ tướng nói.

Thứ năm là cơ chế đặc biệt để thu hút nguồn nhân lực nhằm phát triển doanh nghiệp tư nhân về khoa học công nghệ; thu hút nhân lực từ bên ngoài để người ta về Việt Nam thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ bằng các chính sách thuế, phí, lệ phí, nhà cửa, đất đai, visa, hợp đồng lao động…

“Chúng tôi cần nghiên cứu bổ sung những vấn đề này và mong Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ. Tất nhiên có cơ chế đặc biệt thì phải thiết kế công cụ quản lý đặc biệt để không xảy ra vi phạm và nâng cao hiệu quả, không xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí”, Thủ tướng bày tỏ.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-can-bo-sung-co-che-dac-biet-cho-hoat-dong-khoa-hoc-cong-nghe-post404619.html
Zalo