Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Cần có 'cơ chế đặc biệt', 'công cụ đặc biệt' về khoa học, công nghệ, chuyển đổi số
Sáng 15-2, phát biểu tại phiên họp Tổ 8, Kỳ họp bất thường lần thứ chín, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề cập tới nhiều 'cơ chế đặc biệt', 'công cụ đặc biệt' để thúc đẩy nghiên cứu, quản lý khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia.
Tiếp tục chương trình tại Kỳ họp bất thường lần thứ chín, sáng 15-2, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
![Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp Tổ 8, Kỳ họp bất thường lần thứ chín, Quốc hội khóa XV.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_16_51484661/5e2db8ae8be062be3bf1.jpg)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp Tổ 8, Kỳ họp bất thường lần thứ chín, Quốc hội khóa XV.
Phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được triển khai quyết liệt. Trong thời gian ngắn, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã rất nỗ lực xây dựng nghị quyết trình Quốc hội xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, đất nước muốn phát triển nhanh, bền vững phải dựa trên khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đây là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu.
Để tháo gỡ vướng mắc về thể chế liên quan, Chính phủ đã chỉ đạo tập trung sửa một loạt các luật như: Luật Ngân sách nhà nước, các luật thuế, Luật Doanh nghiệp, Luật Khoa học và công nghệ…; một số luật có thể trình tại Kỳ họp Quốc hội trong tháng 5 này.
Để Nghị quyết số 57 sớm đi vào cuộc sống, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Dự thảo nghị quyết tập trung tháo gỡ về mặt thể chế để giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trước mắt. Sau đó sẽ tiếp tục tiến hành sửa một loạt luật liên quan về ngân sách, thuế, doanh nghiệp, khoa học công nghệ…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý, cùng với các chính sách đặc thù, cần bổ sung các cơ chế đặc biệt. Trước hết là cơ chế đặc biệt cho phát triển kết cấu hạ tầng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vì hạ tầng này hiện còn rất yếu. Trong khi nguồn lực cần rất lớn, vì vậy ngoài nguồn lực Nhà nước, phải có cơ chế để huy động nguồn lực hợp tác công tư, từ doanh nghiệp, từ xã hội và người dân.
Bên cạnh đó cũng cần "cơ chế đặc biệt" cho quản lý, quản trị hoạt động khoa học công nghệ, trong đó có các hình thức: lãnh đạo công và quản trị tư; đầu tư công và quản lý tư; đầu tư tư nhưng sử dụng công.
Thủ tướng cũng đề cập tới "cơ chế đặc biệt" cho các nhà khoa học có thể thương mại hóa các công trình khoa học; "cơ chế đặc biệt" trong thủ tục, phân cấp, phân quyền cho tỉnh, thành phố, bộ, ngành; xóa bỏ cơ chế xin-cho, giảm thủ tục hành chính..., quản lý, đánh giá trên cơ sở hiệu quả tổng thể.
Dự thảo nghị quyết cũng có quy định miễn trừ trách nhiệm cho người soạn thảo, xây dựng chính sách. Thủ tướng nêu rõ, đây là vấn đề khó, vì tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, nếu không có cơ chế bảo vệ người thực hiện thì sẽ dẫn đến tình trạng sợ trách nhiệm, "chuyển chỗ này, chỗ khác", "không muốn làm vì không được bảo vệ".
Một cơ chế đặc biệt khác được Thủ tướng Chính phủ đề cập là cơ chế thu hút nguồn nhân lực. Như thu hút nhân lực để phát triển doanh nghiệp tư nhân về khoa học công nghệ; thu hút nguồn nhân lực từ bên ngoài về Việt Nam góp phần thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, bằng chính sách thuế, phí, nhà cửa, đất đai, visa, hợp đồng lao động…
Bên cạnh các "cơ chế đặc biệt", Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho rằng cần thiết kế "công cụ đặc biệt" để quản lý, phát huy hiệu quả và bảo đảm công khai, minh bạch, không xảy ra vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí...