Tăng trưởng nhanh nhưng phải bảo đảm môi trường, không đẩy cao lạm phát

Các đại biểu Quốc hội đánh giá, đề án thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, góp phần củng cố, tạo nền tảng vững chắc để đạt tăng trưởng 2 chữ số trong thời gian tới.

Chiều 15/2, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá, đề án thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, góp phần củng cố, tạo nền tảng vững chắc để đạt tăng trưởng hai chữ số trong thời gian đủ dài, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng.

Đề nghị doanh nghiệp Nhà nước chuyên tâm nhiệm vụ được giao, không lấn sân

Góp ý vào đề án, dưới góc độ doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) nêu 9 vấn đề cần quan tâm xử lý. Trước hết, cần có sự phối hợp, liên kết giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI. Cạnh đó, phải có chỉ tiêu đánh giá KPI, tức kết quả công việc của cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước theo 3 tháng, 6 tháng, 1 năm. Những người hoàn thành xuất sắc sẽ được hưởng chế độ, như tặng bằng khen, thưởng theo cấp bậc khác nhau; thậm chí cả đề bạt, thăng chức.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) phát biểu.

Các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp FDI, hộ kinh doanh được đánh giá như về nộp thuế, bảo vệ môi trường, đóng góp xã hội, từ thiện, văn hóa… Đặc biệt tập trung doanh nghiệp vừa vì đây là lực lượng có thể đầu tư hỗ trợ phát triển, quan trọng nhất là doanh nghiệp công nghệ. Đại biểu cũng nêu quan điểm, các dự án không nên quá tập trung vào đấu thầu. Cái gì thuộc Chính phủ thì Thủ tướng quyết, thuộc bộ thì bộ quyết, thuộc tỉnh thì tỉnh quyết, người đứng đầu quyết. Hiện đấu thầu mất nhiều thời gian mà chưa chắc tránh được tiêu cực. Các doanh nghiệp Nhà nước được giao nhiệm vụ gì thì làm nhiệm vụ đó, không lấn sân nhiệm vụ khác thì mới tập trung. Ngoài ra, các tài nguyên, khoáng sản khai thác được phải khai thác. Đại biểu Nguyễn Văn Thân cũng đề nghị cần xem xét lại vấn đề 3 vùng kinh tế đặc biệt là Phú Quốc, Vân Đồn, Vân Phong mà Quốc hội khóa XIV đã đề cập như là nhà máy điện hạt nhân; đề nghị phải tin tưởng giao cho doanh nghiệp tư nhân vì “doanh nghiệp chúng ta bây giờ lớn rồi”.

Đề nghị tăng lương gấp đôi

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TP Hồ Chí Minh) đánh giá tăng trưởng 8% là mục tiêu rất cao, đặc biệt trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động và dẫn bài học từ Nhật Bản và Hàn Quốc cho thấy sau thời kỳ tăng trưởng cao, nếu không duy trì mức sinh thay thế, nền kinh tế sẽ trì trệ. Nhật Bản đã tăng trưởng hai con số trong 33 năm, nhưng sau đó rơi vào tình trạng suy thoái kéo dài 29 năm. Đại biểu đề nghị cần có lộ trình chuyển từ lương tối thiểu sang lương đủ sống tối thiểu. đồng thời nêu rõ, hiện lương tối thiểu chỉ gần 5 triệu đồng/tháng. Trong khi, để một gia đình có 2 lao động nuôi được 2 con thì thu nhập cần đạt khoảng 20-21 triệu đồng/tháng. Như vậy, lương đủ sống phải ở mức 10,5 triệu đồng/người/tháng.

"Lương phải tăng gấp đôi để đạt mức lương đủ sống tối thiểu. Nếu không đủ lương để sống thì người ta sẽ không đẻ vì đẻ ra không nuôi được. Chúng ta cần có lộ trình tăng dần lương lên gấp đôi từ nay đến năm 2030, chậm nhất trong vòng 10 năm phải chuyển từ lương tối thiểu sang lương đủ sống tối thiểu" – đại biểu Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị.

Các đại biểu tại phiên họp.

Các đại biểu tại phiên họp.

Đánh giá cao tinh thần của Chính phủ, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) chia sẻ: mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên có thể là bài toán, là phép thử, “bài test” để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số. Nếu thành công lần này, Việt Nam sẽ tự tin đạt được mục tiêu tiếp theo. Đại biểu lưu ý phải đặt cao vai trò tổ chức thực hiện; muốn phát triển thì cần tiền, đầu tư. “Đầu tư tăng dựa vào đâu?” – đại biểu đặt câu hỏi. Đồng thời ông cho rằng, việc này liên quan tới nguồn lực tín dụng. Nếu chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng bình bình ở 15 – 16 % thì khó đạt, phải nâng lên 18%. Không có nguồn tín dụng, doanh nghiệp khó phát triển; đồng thời bày tỏ mong muốn tiếp tục tháo gỡ về thể chế để phát triển doanh nghiệp tư nhân.

Tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu nêu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, trong bối cảnh khó khăn, Chính phủ chủ động điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng và đã nhận được sự đánh giá cao của các đại biểu Quốc hội. Chính phủ đã đặt ra nguyên tắc, tăng trưởng phải nhanh nhưng đảm bảo bền vững, không ảnh hưởng tới môi trường, không đẩy cao lạm phát...

Bộ trưởng cũng đưa ra nhiều yếu tố thuận lợi để đạt được mục tiêu như có sự đồng thuận cao; có niềm tin của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước; nhiều chính sách mới được ban hành để tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc; nhiều dự án hạ tầng chiến lược được đẩy nhanh tiến độ, đưa vào sử dụng; thay đổi trật tự đầu tư thương mại, dịch chuyển đầu tư, cung ứng trên toàn cầu...

Dù vậy, Việt Nam cũng đứng trước các thách thức như: tình hình thế giới diễn biến phức tạp, đặc biệt là các chính sách của Mỹ. Bộ trưởng cho hay, Thủ tướng đang chỉ đạo các đơn vị có các giải pháp chủ động, ứng phó với các chính sách của Mỹ có thể ảnh hưởng tới nền kinh tế. Ngoài ra, các vấn đề nội tại của Việt Nam như chất lượng lao động, đổi mới khoa học công nghệ; thiên tai, dịch bệnh... cũng là thách thức.

Phương Thủy

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/tang-truong-nhanh-nhung-phai-bao-dam-moi-truong-khong-day-cao-lam-phat-i759218/
Zalo