Thời AI có cần đọc sách không?
Nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày hội Văn hóa đọc Đà Nẵng 2025 vừa khai mạc, Thư viện Khoa học Tổng hợp TP Đà Nẵng tổ chức tọa đàm với chủ đề Sách và giới trẻ trong kỷ nguyên số.
Tọa đàm có sự tham dự của diễn giả là các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục, nhà văn hóa cùng đông đảo học sinh Đà Nẵng.
Theo diễn giả tại tọa đàm, trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay giới trẻ là đối tượng tiếp cận gần nhất và nhiều nhất. Để các em sử dụng công nghệ một cách hiệu quả, tránh việc lạm dụng công nghệ, thì văn hóa đọc trong thời đại 4.0 là điều cần thiết.
Sự xuất hiện của công nghệ như AI, ChatGPT, các nền tảng học trực tuyến, và các phương tiện truyền thông kỹ thuật số, nhiều người cho rằng sách dần bị thay thế. Ví dụ, các ứng dụng học trực tuyến có thể cung cấp lượng kiến thức khổng lồ và kịp thời cập nhật, từ đó giúp người học tiếp cận tri thức nhanh chóng và dễ dàng. AI có thể hỗ trợ trong việc phân tích dữ liệu trong quá trình học tập và cung cấp thông tin nhanh hơn so với sách truyền thống.
Tuy nhiên, việc đọc sách vẫn mang lại những lợi ích mà không gì có thể thay thế được. Sách giúp người đọc rèn luyện kỹ năng tư duy phản biện, hiểu rõ hơn về một chủ đề thông qua việc phân tích các khái niệm và lý thuyết, điều mà AI đôi khi không thể thay thế hoàn toàn. Đồng thời, sách khuyến khích sự tập trung lâu dài, điều này ngày càng trở nên khó khăn trong môi trường học trực tuyến, nơi sự phân tâm dễ dàng xảy ra.
PGS.TS Lê Phước Cường, Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), chia sẻ. “Thời đại AI thì càng phải đọc sách nhiều hơn nữa. Trong quá khứ, tri thức nhân loại phát triển với tốc độ tương đối ổn định, cứ khoảng 5 năm thì gấp đôi lên một lần. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của AI tốc độ này đã tăng lên, có thể gấp đôi từ 2 đến 3 lần trong một khoảng thời gian ngắn hơn. Nếu chúng ta không đọc sách và học hỏi, chúng ta bị lạc hậu”.
![Diễn giả PGS.TS Lê Phước Cường, Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Trúc Linh.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_119_51479571/5c9181e8b3a65af803b7.jpg)
Diễn giả PGS.TS Lê Phước Cường, Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Trúc Linh.
Theo bạn Nguyễn Thị Thanh Tú - học sinh trường THPT Phan Châu Trinh: “ChatGPT, AI cung cấp kiến thức thông tin dựa trên mặt là tổng hợp lại các nguồn trên mạng. Còn với sách sẽ viết ra từng quan điểm cá nhân của một tác giả, nhóm tác giả hoặc tổ chức, vì vậy khi đọc sách, tôi hình dung theo mạch của tác giả và có tính xác thực cao hơn ChatGPT hay AI. Về mặt sức khỏe, đọc sách giấy cũng tốt cho mắt chúng ta”.
“Tôi nghĩ thời đại nào cũng cần đọc sách. Sách mang lại nhiều giá trị hơn so với AI, AI chỉ là cô đọng kiến thức và vô cảm, còn sách sẽ mang lại giá trị về cảm xúc lẫn tinh thần. Khi đọc sách tôi cũng ngẫm ra được nhiều về bài học cuộc sống”, bạn Nguyễn Hoàng Anh Thư, học sinh trường THPT Phan Châu Trinh chia sẻ.
![Bạn Nguyễn Hoàng Anh Thư, học sinh trường THPT Phan Châu Trinh chia sẻ về việc đọc sách. Ảnh: Trúc Linh.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_119_51479571/c09f20e612a8fbf6a2b9.jpg)
Bạn Nguyễn Hoàng Anh Thư, học sinh trường THPT Phan Châu Trinh chia sẻ về việc đọc sách. Ảnh: Trúc Linh.
![Trong khi AI có thể thay đổi hình thức học và truyền tải tri thức, mỗi cuốn sách đều mang đến một thế giới riêng biệt, câu chuyện và tri thức mang tính nhân văn, điều mà AI không thể tạo ra một cách chân thật.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_119_51479571/929273eb41a5a8fbf1b4.jpg)
Trong khi AI có thể thay đổi hình thức học và truyền tải tri thức, mỗi cuốn sách đều mang đến một thế giới riêng biệt, câu chuyện và tri thức mang tính nhân văn, điều mà AI không thể tạo ra một cách chân thật.
Trúc Linh/Tiền Phong