Xu hướng làm việc xanh trong doanh nghiệp
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, xu hướng làm việc xanh đã trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Việc xây dựng môi trường làm việc thân thiện với môi trường không chỉ giúp doanh nghiệp giảm tác động tiêu cực đến hệ sinh thái mà còn mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, thương hiệu và hiệu suất làm việc. Nền kinh tế xanh là mô hình phát triển mà trong đó việc sản xuất và tiêu thụ tài nguyên được thực hiện một cách bền vững, bảo vệ môi trường, giảm thiểu khí thải carbon và tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng. Mục tiêu là đạt được sự cân bằng giữa phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng cuộc sống của con người. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu này, doanh nghiệp cũng phải đối mặt với nhiều thách thức khi chuyển đổi sang mô hình làm việc xanh.
Bà Nguyễn Thị Bích Hòa, Phó Giám đốc Viện Công nghệ Châu Á chia sẻ, một trong những rào cản lớn nhất là chi phí đầu tư ban đầu cho môi trường làm việc xanh khá cao. Các doanh nghiệp cần bỏ ra nguồn vốn lớn để cải tạo văn phòng, lắp đặt thiết bị tiết kiệm năng lượng hay đầu tư vào công nghệ xanh như năng lượng mặt trời. Điều này có thể gây áp lực lên các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn có ngân sách hạn chế.
Bên cạnh đó, sự thiếu nhận thức và sự ủng hộ từ nhân viên cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Điều này dẫn đến sự e dè hoặc thiếu hợp tác khi thay đổi thói quen làm việc. Chẳng hạn, một số nhân viên vẫn quen với việc in tài liệu giấy thay vì sử dụng tài liệu số.
![Xu hướng làm việc xanh không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn mang lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_59_51480954/a8207e2c4c62a53cfc73.jpg)
Xu hướng làm việc xanh không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn mang lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp
Ngoài ra, quy trình làm việc truyền thống cũng gây ra nhiều khó khăn trong việc chuyển đổi. Những ngành nghề đặc thù như sản xuất công nghiệp có lượng khí thải lớn, việc tối ưu hóa sử dụng nguyên liệu và giảm thiểu rác thải không hề đơn giản. Trong khi đó, các doanh nghiệp hành chính lại phải đối mặt với thách thức số hóa tài liệu và hạn chế sử dụng giấy tờ.
Không chỉ vậy, sự thiếu hụt chính sách hỗ trợ từ Chính phủ cũng là một trở ngại. Dù có nhiều chương trình khuyến khích, nhưng vẫn chưa có các hướng dẫn cụ thể hoặc quỹ tài trợ rõ ràng cho những doanh nghiệp muốn chuyển đổi xanh.
Ông Võ Văn Hòa, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ cho biết, việc thay đổi tư duy và áp dụng công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa quy trình làm việc. Ví như việc áp dụng tài liệu số, chữ ký điện tử và các nền tảng quản lý công việc trực tuyến, sử dụng hệ thống đèn LED, cảm biến tự động và năng lượng mặt trời để tiết kiệm điện. Cùng với đó là đẩy mạnh đào tạo và nâng cao nhận thức của nhân viên; tổ chức các buổi hội thảo, chương trình đào tạo về làm việc xanh; khuyến khích nhân viên giảm sử dụng nhựa, tiết kiệm điện, đi lại bằng phương tiện công cộng...
Bên cạnh đó, là áp dụng mô hình hybrid work (làm việc kết hợp từ xa và tại văn phòng) để giảm tiêu thụ năng lượng; khuyến khích sử dụng không gian làm việc chung (co-working space) có chứng nhận xanh; xây dựng các chỉ số đo lường hiệu quả của làm việc xanh, như lượng khí thải giảm được hoặc mức tiêu thụ điện năng tiết kiệm.
Xu hướng làm việc xanh không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn mang lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp, từ giảm chi phí vận hành, nâng cao hình ảnh thương hiệu đến thu hút nhân tài. Dù còn nhiều thách thức, nhưng với chiến lược phù hợp, doanh nghiệp có thể từng bước chuyển đổi sang mô hình làm việc xanh một cách hiệu quả. Điều quan trọng là sự cam kết từ lãnh đạo, áp dụng công nghệ, xây dựng văn hóa xanh trong tổ chức và hợp tác với các đối tác bền vững.