ĐBQH: Toàn hệ thống quyết tâm, nhà máy điện hạt nhân sẽ hoàn thành trong 5 năm

Đó là khẳng định của nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khi trả lời phỏng vấn Báo điện tử VTC News bên hành lang kỳ họp bất thường thứ 9 của Quốc hội.

Việt Nam đang khởi động lại dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, sau 8 năm tạm dừng nhằm giúp đa dạng nguồn cấp điện, bảo đảm an ninh năng lượng. Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành sớm triển khai, có lộ trình cụ thể hàng năm. Việc này nhằm mục tiêu tới năm 2030 - kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng - Việt Nam sẽ có nhà máy điện hạt nhân.

Có kịp hoàn thành?

Nhận xét về thời gian tái khởi động dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, nhiều chuyên gia cho rằng với kinh nghiệm từ các nghiên cứu khả thi trước đây, Việt Nam có thể rút ngắn thời gian thực hiện, nếu có sự quyết tâm và cơ chế phù hợp. Các đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ sự đồng tình với quan điểm trên.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Hải Dương, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, nhận định, thời điểm hiện tại chúng ta tái khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là đã đủ chín muồi và hợp lý. Đây là dự án lớn, có tầm quan trọng cao, việc triển khai trong khoảng thời gian 5 năm vừa đủ một nhiệm kỳ là không dài nhưng có thể hoàn thành, tất nhiên là cần rất nhiều điều kiện.

Đại biểu Quốc hội tin tưởng kế hoạch xây nhà máy điện hạt nhân trong 5 năm sẽ hoàn thành.

Đại biểu Quốc hội tin tưởng kế hoạch xây nhà máy điện hạt nhân trong 5 năm sẽ hoàn thành.

Điều kiện tiên quyết chính là quyết tâm của cả hệ thống chính trị. “Hiện nay có thể thấy quyết tâm của cả hệ thống chính trị là rất cao và mong mỏi của người dân cũng rất lớn, đó là động lực để bắt tay thực hiện dự án”, bà Nga nói.

Thứ hai, cần phải đáp ứng tốc độ tăng trưởng kinh tế đã đề ra trong giai đoạn tới, bởi việc xây dự án cần nguồn kinh phí rất lớn. "Đương nhiên kinh phí đó có thể huy động từ nhiều nguồn khác nhau nhưng sự tăng trưởng nội tại của nền kinh tế trong nước là rất quan trọng. Nếu thời gian tới, nền kinh tế tăng trưởng đạt và vượt mục tiêu đề ra thì mới thực sự tạo đà thuận lợi hoàn thành dự án như tiến độ chúng ta mong muốn”, đại biểu Nga nêu thực tế.

Điều kiện thứ ba cũng mang tính cốt lõi là vấn đề nhân lực. Với thời gian 5 năm, chúng ta bắt buộc phải quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. “Nguồn nhân lực này sẽ chia làm các nhóm khác nhau, trong đó có nhân lực cần bắt tay ngay vào xây dựng dự án. Chúng ta cũng sẽ phải mời gọi chuyên gia nước ngoài, đặc biệt là các quốc gia có kinh nghiệm về điện hạt nhân”. bà Nga dự báo.

Cũng theo bà Nga, cần phải quan tâm thêm các vấn đề khác như rà soát quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia; đánh giá kỹ tác động của dự án đến môi trường, môi sinh hay cuộc sống của người dân để có sự hỗ trợ hợp lý. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, những dự án nào đánh giá kỹ, có sự đền bù, hỗ trợ người dân phù hợp sẽ tạo sự đồng thuận cao, việc triển khai thêm thuận lợi.

Trong khi đó, liên hệ với tốc độ thần tốc xây dự án đường dây 500 kW mạch 3 vừa qua, đại biểu Nguyễn Văn Thân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, tự tin nhận định: "Người Việt Nam khi đã có quyết tâm thì việc khó cũng vượt qua. Với khí thế mạnh mẽ, quyết tâm, quyết liệt như hiện nay, chúng ta có đủ cơ sở để hoàn thành dự án như Chính phủ giao. Cùng với đó chúng ta cũng không bắt đầu từ số 0, điện hạt nhân không phải là dự án mới mà đã triển khai cách đây gần chục năm rồi, chúng ta đã chuẩn bị tương đối tốt”, đại biểu Thân nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, theo ông Thân, ngoài quyết tâm chính trị thì cần một kế hoạch kỹ lưỡng, chuẩn bị đầy đủ mọi khâu. “Hiện nay mới đầu năm 2025, nếu bắt tay nhanh thì chúng ta sẽ thực hiện được mục tiêu đề ra", ông Thân tự tin nói.

Phát triển điện hạt nhân là cần thiết

Tại Kỳ họp bất thường lần 9, Quốc hội khóa XV chiều 12/2, nói về việc tái khởi động nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chia sẻ, tại thời điểm Việt Nam dừng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là do trên thế giới xảy ra sự cố điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi ở tỉnh Fukushima (Nhật Bản). Cơn sóng thần khổng lồ đã tràn qua hệ thống bảo vệ và làm ngập các lò phản ứng, gây ra thảm họa nghiêm trọng. Thảm họa đã làm tê liệt nhà máy điện Fukushima Dai-ichi, buộc hơn 160.000 cư dân phải sơ tán vì rò rỉ phóng xạ trong không khí.

Cùng với đó, Chính phủ Đức cũng tuyên bố dừng các dự án nhà máy điện hạt nhân và giá thành xây nhà máy điện hạt nhân thời điểm đó rất cao.

Chính vì thế, Chính phủ đã nghiên cứu rất kỹ, có tổng kết, trình Trung ương và Trung ương thống nhất rất cao trình Quốc hội để dừng dự án. Tuy nhiên cần nhấn mạnh là chỉ dừng chứ không phải bỏ. Và đến bây giờ thế giới đã khẳng định điện hạt nhân đã phục hồi và an toàn; nếu không có điện hạt nhân, chúng ta không thể đảm bảo an toàn điện năng. Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đã đồng thuận rất cao việc tái khởi động dự án điện hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận”, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nói.

Đại biểu Dương Khắc Mai, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Phó trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Đắk Nông khẳng định ông cũng như các đại biểu khác đều ủng hộ việc phát triển điện hạt nhân.

“Phát triển điện hạt nhân là hết sức cần thiết với sự phát triển kinh tế xã hội của nước ta. Hiện nay nhu cầu điện rất lớn, bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã cam kết trước hội nghị COP26 đến năm 2050 Việt Nam thực hiện phát thải ròng bằng 0 vì đây là mục tiêu không thể trì hoãn, xu thế không thể đảo ngược.

Cùng với đó năng lượng tái tạo hiện nay là điện gió, điện mặt trời và thủy điện dư địa không nhiều, đồng thời cùng với việc mang lại lợi ích thì nó cũng để lại hậu quả không nhỏ. Do đó, tôi cho rằng giai đoạn này chúng ta phát triển điện hạt nhân là rất hợp lý, thậm chí là cần kíp và phải làm khẩn trương để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.

Ngoài ra, chiến lược này cũng đúng hướng với sự phát triển chung của thế giới, Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc”, đại biểu Dương Khắc Mai nói.

Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Ninh Thuận có thể vận hành sớm nhất sau năm 2030. (Ảnh minh họa).

Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Ninh Thuận có thể vận hành sớm nhất sau năm 2030. (Ảnh minh họa).

Nhận xét về nhân lực - một trong những yếu tố chính để hoàn thành dự án nhà máy điện hạt nhân - theo đại biểu Mai, hiện đã có một bộ phận nhân lực của chúng ta đã từng được đào tạo tại nước ngoài trước khi dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận tạm dừng triển khai. Bây giờ khi khởi động lại dự án thì lực lượng này có thể tiếp tục được sử dụng để phục vụ cho công trình. Cùng với đó, qua quá trình đào tạo, chúng ta sẽ có thêm nguồn lực mới, kịp thời tham gia vào dự án trọng điểm này.

“Trong quá khứ, chúng ta đã làm hàng loạt công trình lớn, ví dụ hầm đường bộ Bắc - Nam qua đèo Hải Vân, rồi các đường xuyên hầm qua núi, đường cao tốc, cầu dây văng, đường dây 500kV Bắc - Nam...Có thể nói chúng ta đã làm chủ công nghệ và nhiều kinh nghiệm.

Thực tế cho thấy người Việt Nam rất thông minh, chỉ cần có một cơ chế hợp lý để sử dụng nhân lực; động viên, tạo điều kiện để họ phát huy năng lực, sở trường, học tập nâng cao trình độ thì họ sẽ đáp ứng tốt yêu cầu thực tiễn. Và dự án điện hạt nhân cũng vậy”, ông Mai nhận định.

Cũng thể hiện sự đồng tình với chính sách phát triển điện hạt nhân, đại biểu Phạm Văn Hòa - Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH khóa XV, tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - chia sẻ: “Trên thế giới, xu hướng phát triển điện hạt nhân đang rất phổ biến bởi sự thân thiện với môi trường. Chúng ta cần thiết phải hòa nhịp với thế giới.

Ngoài ra, với nội tại đất nước thì đây là điều cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Bởi hiện nay thủy điện, nhiệt điện, năng lượng tái tạo chưa đủ đáp ứng yêu cầu để phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Chúng ta cũng đã có chủ trương giảm phát khí thải vào năm 2050 về zezo. Vì thế việc phát triển nhà máy điện hạt nhân là hết sức cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng, phục vụ nhu cầu thiết yếu về năng lượng sạch của đất nước".

Với yêu cầu phấn đấu hoàn thành dự án điện hạt nhân Ninh Thuận trước 31/12/2030, Thủ tướng giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, Tập đoàn Công nghiệp năng lượng Quốc gia (Petrovietnam) làm chủ đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2.

Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm 2 nhà máy, mỗi nhà máy gồm 2 tổ máy. Nhà máy Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam. Nhà máy Ninh Thuận 2 đạt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.

PHẠM DUY

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/dbqh-toan-he-thong-quyet-tam-nha-may-dien-hat-nhan-se-hoan-thanh-trong-5-nam-ar925461.html
Zalo