Lần đầu tiên Việt Nam có 'campus y tế'
Chiều 14.2, Sở Y tế TP.HCM cho hay, Cụm y tế Tân Kiên là 'campus y tế' đầu tiên tại Việt Nam đi vào hoạt động.
Theo Sở Y tế TP.HCM, sau 10 năm triển khai, đến nay Cụm y tế chuyên sâu tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM (gọi tắt Cụm y tế Tân Kiên) giai đoạn 1 có tổng diện tích 33,32ha đã đi vào hoạt động hiệu quả. Đây là "campus y tế" - cụm y tế chuyên sâu - đầu tiên tại Việt Nam.
![Bản đồ quy hoạch Cụm y tế Tân Kiên - Ảnh: PV](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_287_51480119/505d4b13795d9003c94c.jpg)
Bản đồ quy hoạch Cụm y tế Tân Kiên - Ảnh: PV
Trong đó, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đi vào hoạt động ngày 1.6.2018 với quy mô 1.000 giường. Đây là một trong 3 bệnh viện chuyên khoa nhi tuyến cuối của TP và các tỉnh khu vực phía nam.
Qua hơn 7 năm hình thành và phát triển, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã phát triển và hình thành các trung tâm điều trị chuyên sâu như: Trung tâm Ung thư trẻ em; Trung tâm Hồi sức tích cực chống độc; Trung tâm Ngoại khoa - Phẫu thuật tim mạch lồng ngực; Trung tâm Cấp cứu và Trung tâm Phẫu thuật ngoại thần kinh; Trung tâm Sơ sinh và Bệnh lý di truyền.
Bệnh viện Truyền máu huyết học chính thức đi vào hoạt động từ tháng 7.2021 với quy mô 300 giường bệnh. Cơ sở mới tại Cụm y tế Tân Kiên này đã góp phần quan trọng giúp Bệnh viện Truyền máu huyết học không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và phát triển nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu như hóa trị liệu, ghép tế bào gốc, giải phẫu bệnh tế bào…
Hiện nay, Bệnh viện Truyền máu huyết học là bệnh viện tuyến cuối khu vực phía nam chuyên điều trị các bệnh lý huyết học. Bệnh viện thực hiện 3 chức năng: khám chữa bệnh, ngân hàng máu, ngân hàng tế bào gốc. Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận hơn 400 bệnh nhân ngoại trú, và điều trị gần 300 bệnh nhân nội trú.
Tại đây, bệnh viện đã triển khai được khoa ghép tế bào gốc theo đúng tiêu chuẩn quốc tế, với nhiều kỹ thuật ghép khác nhau (ghép tế bào gốc tạo máu tự thân, ghép đồng loài đồng huyết thống, ghép nửa thuận hợp và ghép đồng loài không đồng huyết thống với người cho từ Đài Loan) được triển khai.
Đặc biệt, năm 2024, Bệnh viện Truyền máu huyết học đã phối hợp với Bệnh viện Tzu Chi (Đài Loan) thực hiện theo dõi 2 ca bệnh đã được điều trị Car - T cell đầu tiên. Đây là một trong những kỹ thuật tiên tiến nhất hiện nay trong việc điều trị các bệnh nhân ung thư máu tái phát, nhất là sau ghép tế bào gốc.
Tháng 1.2025, Bệnh viện Truyền máu huyết học đã vinh dự trở thành bệnh viện công lập đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng nhận Joint Commission International (JCI). Đây là một trong những tiêu chuẩn uy tín hàng đầu thế giới về chất lượng và an toàn lĩnh vực y tế.
Trung tâm Pháp y Thành phố chính thức đi vào hoạt động từ ngày 28.4.2023. Đây là trung tâm tiên phong trong cả nước ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các loại hình giám định chuyên sâu như tầm soát, định tính, định lượng độc chất và các chất gây nghiện; lập hồ sơ ADN, xác định huyết thống... Về chiến lược lâu dài, Trung tâm tiếp tục đầu tư để đạt các tiêu chuẩn về giám định pháp y toàn cầu, có trình độ chuyên môn ngang tầm khu vực và thế giới.
Trường Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch (cơ sở 2) được khởi công vào năm 2021 và dự kiến sẽ khánh thành và đưa vào hoạt động trong năm 2025 này. Sau khi hoàn thành, công trình sẽ là khu phức hợp hoàn chỉnh, bao gồm: giảng đường học tập, khối hành chính, thư viện, thể thao và các khối phụ trợ.
Ngoài ra, Bệnh viện Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch với quy mô 500 giường (giai đoạn 1) và các trung tâm nghiên cứu thuộc trường này sẽ được triển khai trong thời gian sắp tới.
Trung tâm Cấp cứu 115 (cơ sở 2) là trung tâm chỉ huy của hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện với thiết kế phù hợp một trung tâm cấp cứu chuyên nghiệp, bao gồm khu huấn luyện, đào tạo thực hành cho chuyên viên cấp cứu ngoài bệnh viện (Paramedic), khu cung ứng vật tư, thiết bị y tế chuyên dùng trong cấp cứu ngoài bệnh viện, có khu bảo hành, bảo trì chuyên dụng cho xe cấp cứu,… nhất là có trung tâm tiếp nhận cuộc gọi, tư vấn cách xử trí tại chỗ cho người dân, điều phối các đội cấp cứu ngoại viện (Dispatcher).
Bệnh viện Chấn thương với quy mô 1.000 giường sẽ đáp ứng nhu cầu chữa trị, chăm sóc cho bệnh nhân bị chấn thương do nhiều nguyên nhân khác nhau, như chấn thương vùng đầu, lồng ngực, bụng hay chấn thương ở chi, cột sống… Bệnh viện này sẽ giúp giảm gánh nặng cấp cứu chấn thương cho các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thuộc Cụm y tế trung tâm, đặc biệt là giúp giải quyết tình trạng quá tải kéo dài nhiều năm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng điều trị và sự hài lòng của cả người dân, và nhân viên y tế đang công tác tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình.
Ngoài ra, Sở Y tế TP.HCM cho biết, nhiều dự án quan trọng tại Cụm y tế Tân Kiên này cũng đang được triển khai như: Trung tâm kiểm chuẩn xét nghiệm, Ngân hàng máu, Trung tâm tầm soát bệnh bằng công nghệ cao, bệnh viện thực hành của Trường Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch… Đặc biệt, khu vực này sẽ được quy hoạch xây dựng theo mô hình y tế xanh, với sự chú trọng đầu tư vào các khu dịch vụ công cộng, công viên, sân thể dục thể thao, cùng với nhà lưu trú dành cho thân nhân bệnh nhân.
Đồng thời, trong kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông của TP, Cụm y tế Tân Kiên sẽ được kết nối với tuyến đường Vành đai 3, đặc biệt là hệ thống tuyến metro số 3. Những tiện ích này không chỉ tạo ra một môi trường sống và làm việc thân thiện mà còn nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tại địa phương.
Theo quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cùng với Cụm y tế trung tâm thành phố và Cụm y tế TP.Thủ Đức, Cụm y tế Tân Kiên đang trên lộ trình hình thành với cơ sở hạ tầng hiện đại, hướng đến trong tương lai không xa giữ vai trò chủ lực trong phát triển y tế vùng các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long. Đây được xem là tiền đề để TP.HCM đạt mục tiêu trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực ASEAN theo Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị, là công trình trọng điểm tiêu biểu của TP chào mừng 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.2025).