Chuyện về lời 'hiệu triệu' phát huy văn hóa nghiên cứu khoa học tại Petrovietnam
Tại kỳ họp thứ nhất của Hội đồng Khoa học và Công nghệ Petrovietnam nhiệm kỳ 2024-2026, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đã kêu gọi các nhà khoa học trong Tập đoàn phát huy văn hóa nghiên cứu khoa học, tập trung tạo ra một số sản phẩm có tính đột phá như một cú hích trong giai đoạn chuyển mình của Tập đoàn.
Có lẽ, ngoài các nhà khoa học, nhà quản lý đã và đang làm việc tại Petrovietnam thì không phải ai cũng hiểu hết được lời “hiệu triệu” nêu trên. Trong thực tế xây dựng và phát triển hơn 60 năm truyền thống của ngành Dầu khí, các nhà khoa học luôn là lực lượng tiên phong đảm nhận các nhiệm vụ có tính đột phá, mở ra các lĩnh vực hoạt động dầu khí của Petrovietnam, nhiều thời điểm các công trình nghiên cứu khoa học còn trở thành “chiếc phao cứu cánh” cho cả ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam.
![Tìm ra dầu trong tầng đá móng tại mỏ Bạch Hổ cùng những nghiên cứu khoa học trong thăm dò khai thác trong tầng đá móng đã mở ra một trang sử mới, tạo nền tảng cho Petrovietnam phát triển đến nay.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_232_51481225/0a4186b0b5fe5ca005ef.jpg)
Tìm ra dầu trong tầng đá móng tại mỏ Bạch Hổ cùng những nghiên cứu khoa học trong thăm dò khai thác trong tầng đá móng đã mở ra một trang sử mới, tạo nền tảng cho Petrovietnam phát triển đến nay.
Có thể kể ra ngay một vài ví dụ rất cụ thể như công trình nghiên cứu khoa học đầu tiên của Petrovietnam được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh là công trình “Tìm kiếm, phát hiện và khai thác có hiệu quả các thân dầu trong tầng đá móng granitoid trước Đệ tam bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam”. Đây là công trình xuất phát từ những khó khăn trong thực tế tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu thô ở nước ta thời kỳ đầu, được đánh giá là bước ngoặt vô tiền khoáng hậu của ngành Dầu khí Việt Nam cũng như thế giới. Bởi nước ta đã tìm ra dầu trong tầng đá móng nứt nẻ, đánh đổ hoàn toàn khái niệm dầu không có trong tầng móng của khoa học dầu khí thế giới trước đó.
Theo TSKH. Phùng Đình Thực, đây là một công trình sáng tạo với nhiều bằng phát minh, là sáng kiến của đội ngũ 49 cán bộ khoa học ngành Dầu khí Việt Nam trong thời gian hơn 24 năm. Công trình đã hình thành quan điểm tìm kiếm thăm dò dầu khí mới và kết quả đã góp phần rất lớn cho kinh tế đất nước. Những thành tựu khoa học - công nghệ của các nhà địa chất và kỹ sư dầu khí của ngành Dầu khí Việt Nam và Vietsovpetro có giá trị thực tiễn không chỉ trong bể Cửu Long mà đã ứng dụng cho các bể chứa dầu khác trên thềm lục địa Việt Nam và khu vực.
Đó là bài học về vận dụng trí tuệ vào giải quyết những khó khăn của thực tiễn dầu khí; về niềm tin vào năng lực và trí tuệ của đội ngũ lao động dầu khí; về bản lĩnh kiên cường, táo bạo, dám chấp nhận rủi ro vì mục tiêu chung, phục vụ cho sự phát triển phồn vinh của đất nước.
Nối tiếp công trình khoa học đầu tiên là một loạt các công trình khoa học liên quan đến công nghệ thăm dò, khai thác dầu khí, công nghệ chế tạo giàn khoan, công nghệ thu gom khí tự nhiên, công nghệ khai thác trên khu vực biển nước sâu, xa bờ... phù hợp với điều kiện của các vùng biển tại Việt Nam nên đã tạo ra cơ sở để Petrovietnam xây dựng, phát triển hàng loạt các lĩnh vực sau này như dịch vụ dầu khí, công nghiệp khí, công nghiệp điện, chế biến dầu khí, tồn trữ và phân phối sản phẩm dầu khí. Và sắp tới là các sản phẩm về năng lượng mới, năng lượng xanh.
Đến nay, Petrovietnam đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học lớn, trong đó 6 công trình đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh, 4 công trình đạt giải thưởng cấp Nhà nước về khoa học công nghệ, 34 công trình được nhận các giải thưởng của Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) và hàng ngàn sáng kiến sáng chế từ thực tế sản xuất kinh doanh của Tập đoàn và các đơn vị thành viên... Petrovietnam đang có một nguồn nhân lực chất lượng cao với hàng trăm tiến sĩ, thạc sỹ những người từ vị trí học việc, những du học sinh đầu tiên của đất nước trở về từ Nga, Azecbaizan, Ba Lan... đã luôn nỗ lực học hỏi từ các nước bạn để tìm tòi nghiên cứu tạo ra các công trình khoa học, sản phẩm khoa học công nghệ cho đất nước. Bởi vậy, Petrovietnam có niềm tin để bước vào các lĩnh vực mới như nhiên liệu xanh, điện gió ngoài khơi, điện hạt nhân,...
Mặt khác, việc ứng dụng công nghệ hay phát triển các công nghệ tiên tiên trên thế giới trong hoạt động Dầu khí được triển khai rất hiệu quả. Lâu nay, nhiều người cứ nghĩ rằng với việc làm dự án, xây dựng một nhà máy sản xuất công nghiệp, khi hoàn thành là chỉ cần bấm nút là tạo ra sản phẩm đạt chất lượng châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ... Thực tế thì không phải vậy, doanh nghiệp nước ngoài chỉ bán cho nước khác công nghệ, thiết kế kỹ thuật có tính cơ bản. Chúng ta cần phải “hấp thụ” công nghệ, làm chủ công nghệ, rồi cải tiến, phát triển công nghệ đó trong thực tế sản xuất thì mới có thể làm chủ vận hành, cho ra sản phẩm chất lượng cao, đủ khả năng cạnh tranh được trên thị trường. Toàn bộ quá trình này là nhiệm vụ, sứ mạng của các nhà khoa học dầu khí. Quá trình này càng nhanh thì đất nước và người dân Việt Nam càng được hưởng lợi, điển hình như việc làm chủ hoàn toàn công tác vận hành các nhà máy như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Nhà máy Đạm Cà Mau, các nhà máy điện của Petrovietnam... là những minh chứng rõ nét.
![Công trường thi công chân đế điện gió ngoài khơi tại cảng PTSC.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_232_51481225/9a1108e03baed2f08bbf.jpg)
Công trường thi công chân đế điện gió ngoài khơi tại cảng PTSC.
Hiện nay, tại Tập đoàn cũng như hầu hết các đơn vị trực thuộc đều có hội đồng khoa học, được trang bị những phòng thí nghiệm, nghiên cứu phù hợp với thực tế sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Bên cạnh đó, Petrovietnam còn một lực lượng trí thức, các nhà khoa học hùng hậu, được đào tạo bài bản đang công tác tại Viện Dầu khí Việt Nam, Trường Đại học Dầu khí Việt Nam và Trường Cao đẳng Dầu khí. Họ, những nhà khoa học dầu khí không chỉ làm công tác nghiên cứu mà còn đảm nhận nhiệm vụ quản lý, sản xuất quan trọng tại các đơn vị cũng như Tập đoàn.
Rất nhiều các lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn cũng là những người có trình độ chuyên môn cao, có đam mê bất tận đối với khoa học, công nghệ, cũng sẵn sàng tham gia nghiên cứu, định hướng công tác nghiên cứu khoa học phù hợp với chiến lược phát triển của Tập đoàn. Chính vì vậy đã tạo nên một nét văn hóa đặc trưng của các nhà khoa học dầu khí là luôn sẵn sàng đương đầu với thách thức, nỗ lực và cống hiến không ngừng cho sự nghiệp phát triển của Petrovietnam và đất nước.
Có thể thấy rằng, việc lãnh đạo cao nhất của Petrovietnam đặt niềm tin vào các nhà khoa học trong Tập đoàn là hoàn toàn có cơ sở. Cùng với sự tháo gỡ cơ chế và tạo điều kiện của lãnh đạo Đảng và Nhà nước qua Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 03 của Chính phủ, với những nét văn hóa đáng trân trọng của các nhà khoa học dầu khí, tin rằng, Petrovietnam sẽ tiếp tục có những sản phẩm khoa học công nghệ mang tính đột phá, đóng góp vào sự chuyển dịch của Petrovietnam, góp phần vào sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Tại kỳ họp thứ I của Hội đồng Khoa học và Công nghệ Petrovietnam nhiệm kỳ 2024-2026, Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam yêu cầu Hội đồng Khoa học và Công nghệ Tập đoàn tập trung vào nghiên cứu các lĩnh vực cụ thể: Công nghệ năng lượng mới (lượng tử, pin hạt nhân, động cơ vĩnh cửu); Công nghệ vật liệu siêu carbon (tổng hợp nhiên liệu hydrocarbon); Công nghệ khai thác khoáng sản đáy biển (đất hiếm) và công nghệ chuyển đổi số (big data, AI, IOT)...