Nhiều huyền tích quanh ngôi đền thiêng thờ 'rắn thần' ở xứ Nghệ

Xã Đức Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) có một ngôi đền gắn với nhiều giai thoại về cặp 'rắn thần' được lồng ghép trong các câu chuyện mang màu sắc kỳ bí được người dân lưu giữ, trao truyền qua nhiều thế hệ.

Đến nay, người dân trong vùng vẫn thường kể lại cho con cháu những câu chuyện về sự tích "Ông cụt bàu Canh ông lành bàu Ác" với niềm tin đây là chuyện có thật xảy ra từ thời cổ xưa…

Huyền tích "ông cụt bàu Canh, ông lành bàu Ác"

Tìm đến đền Canh - ngôi đền linh thiêng thuộc địa phận xã Đức Thành thờ "rắn thần" những ngày cuối năm nhộn nhịp người dân đến dâng hương cảm tạ. Con đường đất nhỏ ngoằn ngoèo từ đầu xã dẫn vào ngôi đền như hình dáng một con rắn làm cho mọi người tin hơn những huyền tích linh thiêng nơi đây. Ngôi đền cũ theo thời gian, gốc si trăm tuổi quấn chặt lấy cổng vào khu thờ đức phụ, đức mẫu (thờ cha, mẹ thần rắn), càng khiến ngôi đền thêm u tịch. Không ai biết đền Canh có tự lúc nào vì thế các câu chuyện về ngôi đền này thêm phần huyền bí.

Đền Canh - một ngôi đền linh thiêng thuộc địa phận xã Đức Thành, huyện Yên Thành.

Đền Canh - một ngôi đền linh thiêng thuộc địa phận xã Đức Thành, huyện Yên Thành.

"Đền Canh có nhiều giai thoại. Để nói về gốc tích ngôi đền thì phải bắt đầu từ một câu chuyện có phần kỳ bí, mang màu sắc cổ tích, được lưu truyền từ lâu nay tại địa phương", ông Hà Huy Quang, Trưởng Ban quản lý Di tích đền Canh mở đầu câu chuyện.

Xa xưa ở đây là xứ Khe Gianh thuộc làng Xuân Hòa có một cặp vợ chồng là Hoàng Phúc Hữu và Vũ Thị Quyên là nghề nông, sống thanh bình đức hạnh, được mọi người quý mến. Dù tuổi đã cao nhưng hai vợ chồng ông Hữu bà Quyên vẫn chưa sinh được con cái. Một ngày trời hè nóng nực, bà Quyên ra khe Gianh tắm mát. Sau khi tắm về, bà linh cảm trong người có sự đổi thay khác thường. Bất ngờ một thời gian, bà Quyên mang thai rồi sinh ra hai quả trứng. Người chồng thấy vợ sinh ra hai quả trứng nên buồn chán. Thấy vợ cũng không vui nên người chồng trấn an tinh thần rồi mang 2 quả trứng vào ấp cẩn thận. Đủ tháng đủ ngày, nở ra 2 con rắn đặt tên là Hoàng Tiến Sơn (rắn anh) và Hoàng Tiến Kỳ (rắn em).

Vợ chồng ông Phúc bà Quyên vô cùng yêu quý hai đứa con đặc biệt của mình. Hai con rắn cứ thế lớn lên và rất khôn, đi đâu cũng theo giúp bố mẹ, sớm tối không rời. Một hôm trong lúc làm ruộng, người cha vô ý chặt đứt đuôi rắn anh. Bị cụt đuôi, rắn anh ngỡ ngàng giận dữ phùng mang và dựng ngược lên nhìn thẳng vào người cha. Người cha vừa thương con, vừa sợ hãi, quỳ xuống và luôn miệng: "Phụ bái tử, phụ bái tử" (cha lạy con). Rắn anh (rắn cụt) đau đớn bỏ đi. Nơi gò đất người cha quỳ xuống lạy con sau này người đời gọi là cồn "Bái tử phong".

Khu vực đền thờ ông Hoàng Phúc Hữu, bà Vũ Thị Quyên được cây si hàng trăm tuổi che bóng mát.

Khu vực đền thờ ông Hoàng Phúc Hữu, bà Vũ Thị Quyên được cây si hàng trăm tuổi che bóng mát.

Rắn cụt đi theo hướng bàu Canh đến một vùng đất cao ráo, phong cảnh hữu tình trên bờ bàu Canh (vùng đất đền Canh bây giờ) để lại 1 giọt máu. Khi dân làng đến đây thấy vậy thì lập đền thờ, nhân dân trong vùng gọi là đền Canh (đền Hạ).

Sau đó, rắn cụt đi về hướng đông, qua đầm Quỳ Trạch, đến giữa đồng quằn quại vùng vẫy, máu rỏ ra đỏ cả vùng đồng rộc, nơi rắn quẫy thành cái bàu nước, người dân gọi là bàu Canh. Cho đến nay hình dáng của bàu Canh vẫn nguyên dáng vẻ uốn lượn ngoằn nghoèo giữa cánh đồng lớn của xã Đức Thành giáp giới với xã Mã Thành. Chừng kiệt sức, rắn cụt bò lên rừng, đi lên khe nước đầu nguồn và chết ở đó, nơi ấy sau được gọi là Khe Thần.

Lại nói về ông bà họ Hoàng, thương con, 2 vợ chồng lần theo dấu vết để đi tìm. Lặn lội đến mé rừng, người mẹ kiệt sức nằm lại, khu rừng ấy sau này được gọi là Ngàn Nhà Bà. Người cha gắng gượng đi tiếp, gần đến Khe Thần, cũng kiệt sức nằm lại, khu rừng ấy sau này được gọi là Ngàn Nhà Ông.

Ông Hà Huy Quang, quản lý khu di tích Đền Canh.

Ông Hà Huy Quang, quản lý khu di tích Đền Canh.

Còn người em ở lại đi về hướng bàu Ác, làng Diệu Ốc, xã Đại Trung (nay là xã Phúc Thành), buồn vì cha mẹ và người anh bỏ mình mà đi, rắn lành bò lên bờ bàu Ác và chết ở đó. Tương truyền, anh em nhà rắn sau khi chết đều hóa thành những vị phúc thần.

Theo ông Hà Huy Quang, trước đây người làng còn kể lại, có những đêm hè nóng nực, người dân nằm ở trong nhà nghe tiếng lá cây rung lắc mạnh, nghe rõ tiếng di chuyển ào ào như gió thổi, sáng ra thức dậy thì thấy cây cỏ đổ rạp theo lối đi kéo dài từ trên rừng xuống tận bàu nước. Người dân cho rằng đó là dấu của rắn thần về tắm mát. Hoặc những lúc đi ngang qua các khu rừng rậm rạp, nghe có tiếng gió thổi u u là lúc thần hiện. "Vào những kỳ đại hạn, có gió Lào, các đồng rộc khô nứt nẻ, đến bàu Canh và bàu Ác để khấn nguyện thì lập tức sẽ có mưa thuận gió hòa. Những lúc lũ lụt lớn, người dân đến bàu Canh và bàu Ác làm lễ khấn nguyện sẽ giảm, tránh được các đại họa do thiên tai gây ra. Do đó, người dân trong vùng tôn xưng rắn thần là "ông" và lập đền thờ ông cụt ở bàu Canh, đền thờ ông lành ở bàu Ác", ông Hà Huy Quang kể.

Các giai thoại…

Theo ông Phan Quốc Toản, công chức văn hóa xã Đức Thành, gia đình ông có truyền thống lâu đời từ thời ông cố, người đã dạy chữ Nho và bốc thuốc ở đây, vì vậy ông biết khá nhiều chuyện về làng Bàu Canh. Ông kể lại rằng, ngày trước, mỗi khi dân làng có việc cúng xin, thuyền ở Bàu Canh thường nổi lên với đầy đủ bát đĩa để phục vụ cho lễ cúng. Bàu Canh được coi là một nơi thiêng liêng, đền thờ nơi đây, mặc dù đã có từ lâu đời, gần đây mới được tôn tạo lại và được công nhận là di tích cấp tỉnh. Hàng năm, vào rằm tháng Giêng, nơi đây tổ chức lễ hội thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.

Hiện nay, đền Canh được tôn tạo tương đối khang trang, có hàng nghìn người khắp mọi miền đất nước đến dâng lễ, cầu yên cầu phúc, cầu lộc, cầu tài, cầu cho tai qua nạn khỏi.

Hiện nay, đền Canh được tôn tạo tương đối khang trang, có hàng nghìn người khắp mọi miền đất nước đến dâng lễ, cầu yên cầu phúc, cầu lộc, cầu tài, cầu cho tai qua nạn khỏi.

Mãi sau này, khi đền thờ ông cụt được lập bên cạnh bàu Canh, nơi ông cụt đau đớn nhỏ ra nhiều máu trước khi lên rừng hóa thần, được gọi là đền Canh Hạ. Đền nằm giữa cánh đồng của làng Thọ Canh (Châu Canh), được nhân dân xây dựng với quy mô khá lớn, kiến trúc hình chữ đinh, có tứ trụ, tam quan, cạnh tam quan có hai con voi chầu bằng đá nguyên khối có đường nét chạm khắc rất tinh tế. Trong đền Canh Hạ còn có am nhỏ có tượng thờ mẹ người bồng hai con rắn.

Tương truyền trong đền vào những ngày trở trời, chuyển tiết, người trong vùng vẫn thấy có long tinh hiển hiện. Vào các kỳ hạn hán, mất mùa đói kém, người dân lên đền khấn cầu cho mưa thuận gió hòa đều rất linh ứng. Đền nằm ở giữa cánh đồng trũng và chịu nhiều tác động của thiên tai nên bị mai một nhiều, nhân dân trong vùng đã nhiều lần trùng tu, tôn tạo, tuy nhiên đến nay vẫn giữ được nhiều dấu tích cổ sơ như cổng tam quan, cặp voi đá, điện thờ thần rắn.

Cổng tam quan của đền Canh Hạ có một cây si hình thù kỳ dị, thân và rễ cây như vô vàn những con rắn to nhỏ, ngắn dài ôm ấp bao bọc phủ kín hết cả tam quan, đồng thời ôm ấp lưu giữ những nét kiến trúc cổ kính từ xa xưa để lại. Coi là sự lạ, ngay tại tam quan người dân cũng lập bàn thờ để hương khói thờ phụng.

Ngôi đền nhiều người dân xã Đức Thành và vùng lân cận đến để công đức và xin lộc.

Ngôi đền nhiều người dân xã Đức Thành và vùng lân cận đến để công đức và xin lộc.

Sau tam quan đền Canh Hạ có cặp voi đá chầu hai bên, theo người dân, voi đá được tạc từ đá lấy ở vùng Ngàn Nhà Ông và Ngàn Nhà Bà. Những năm 90 của thế kỷ trước, xã Đức Thành làm hội trường ở làng Kẻ Sàng, để trang trí hội trường mới, xã cho người chuyển hai con voi về chầu trước cổng hội trường. Ngay sau đó không lâu lần lượt có hai vị cán bộ đương chức của xã bị đột tử. Xã lập tức cho người chuyển cặp voi đá về vị trí cũ, mọi việc trở lại yên ổn. Sự việc trên có thể là sự trùng hợp ngẫu nhiên, thế nhưng đã nhân lên nỗi sợ hãi, gieo vào tâm trí người dân nơi đây nỗi ám ảnh về sự linh thiêng của thánh thần.

Bên cạnh bàu Ác, nơi ông lành chết có gò mối đùn lên, nhân dân đã khoanh nền và lập đền thờ, tôn ông lành làm Thành hoàng của làng Diệu Ốc, nên còn có tên gọi là Đền Hoàng. Đền này ban đầu chỉ thờ ông lành, về sau phối thờ đa thần, trong đó được thờ chính vẫn là thần rắn (ông lành) và Sát Hải Đại vương Hoàng Tá Thốn, thế nên còn có tên gọi khác là Đền Đức Hoàng.

Tương truyền, Hoàng Tá Thốn người Kẻ Vạn (xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu), ông có biệt tài bơi lội, đi lại dưới nước dễ dàng như trên cạn. Thời nhà Trần, khi quân Nguyên Mông sang xâm lược nước ta, Hoàng Tá Thốn đã được cấp ấn phù, thống lĩnh hàng vạn thủy quân cùng tàu thuyền, bằng chiến thuật lặn dưới nước đục thuyền giặc đã góp công lớn trong việc đánh bại quân Nguyên Mông, trong đó lẫy lừng nhất là cuộc đại chiến trên sông Bạch Đằng vào năm 1288. Ghi nhận công lao Hoàng Tá Thốn, vua Trần Nhân Tông phong cho ông là "Sát hải Đại tướng quân". Khi ông mất, nhà Trần cho lập đền thờ ở Kẻ Vạn và phong ông là "Sát Hải Chàng Lại Đại tướng quân, Thiên Bồng Nguyên soái chi thần". Đồng thời nhân dân các vùng Thanh Hóa, Nghệ An cũng lập nhiều đền thờ để thờ ông một bậc anh hùng hộ quốc cứu dân.

Thờ thần, thánh là một tập tục lâu đời trong đời sống tâm linh của người Việt, phản ánh nét văn hóa đáng quý. Dù câu chuyện có thật hay chỉ là truyền thuyết, các thế hệ sau nên coi đó là nền tảng cho các giá trị xã hội.

Thờ thần, thánh là một tập tục lâu đời trong đời sống tâm linh của người Việt, phản ánh nét văn hóa đáng quý. Dù câu chuyện có thật hay chỉ là truyền thuyết, các thế hệ sau nên coi đó là nền tảng cho các giá trị xã hội.

Cán bộ văn hóa xã Phúc Thành cho biết, đền Đức Hoàng xuất phát là nơi thờ hoàng long (thần rắn), sau này thờ thêm Sát Hải Đại vương Hoàng Tá Thốn và nhiều lương y có tiếng. Hiện nay, đền được tôn tạo tương đối khang trang, người dân, du khách khắp nơi đến dâng lễ, cầu yên, cầu phúc, cầu lộc, cầu tài, cầu cho tai qua nạn khỏi. Đền còn có kho thuốc truyền đời từ xưa đến nay, rất linh nghiệm.

Ở Nghệ An có rất nhiều đền thờ rắn, chỉ tính riêng địa bàn 2 huyện Diễn Châu và Yên Thành có tới 9 ngôi đền thờ thần rắn, song có 3 ngôi đền, tiểu biểu gắn với tục thờ thần rắn rất rõ nét và đó là đền Canh ở xã Đức Thành, huyện Yên Thành, Đền Sò (nay thuộc thị trấn Diễn Châu) và đền Đức Thánh Cả (đền thần rắn) ở xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu.

Câu chuyện "ông Cụt Bàu Canh, ông Lành Bàu Ác" dù chỉ là truyền thuyết, nhưng đã phản ánh sâu sắc về vị trí quan trọng của rắn trong đời sống tâm linh và tín ngưỡng của người Việt, đặc biệt là ở mảnh đất xứ Nghệ. Tín ngưỡng thờ thần rắn là minh chứng rõ nét cho mối liên hệ mật thiết giữa con người với cội nguồn, với nền văn hóa nông nghiệp lúa nước, nơi mà con người phải phụ thuộc vào thiên nhiên và sống hòa hợp với những quy luật khắc nghiệt của tự nhiên. Qua đó, tín ngưỡng này cũng thể hiện cách ứng xử của con người đối với thiên nhiên, coi thiên nhiên như một phần không thể tách rời trong cuộc sống và sinh tồn.

Tục thờ rắn là một tín ngưỡng tự nhiên đã có từ lâu đời trong văn hóa người Việt. Xuất phát từ quá trình lao động, sản xuất và sự khao khát chinh phục, lý giải các hiện tượng tự nhiên. Đặc biệt, kèm theo đó là mong muốn được bình an, an lành trong cuộc sống. Chính vì vậy, người ta đã nhân cách hóa rắn thành thần linh, coi rắn là vật thiêng đại diện cho một thế lực có thể giải quyết những vấn đề mà con người không thể lý giải, đặc biệt là nỗi sợ hãi trước các hiện tượng tự nhiên. Từ đó, người dân đã tổ chức các lễ cầu nguyện hàng năm, dâng hiến những vật phẩm, với hy vọng thần linh có thể bảo vệ, giúp họ tránh khỏi mọi tai ương…

Cùng với tín ngưỡng đó, những câu chuyện về rắn thần, rắn thiêng đã được con người tạo dựng và lưu truyền và tiếp biến qua nhiều thế hệ thông qua cuộc sống lao động.

Hoàng Trinh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhieu-huyen-tich-quanh-ngoi-den-thieng-tho-ran-than-o-xu-nghe-169250113102207726.htm
Zalo