Các chương trình nghệ thuật đón Xuân Ất Tỵ: Đặc sắc, rộn ràng khí thế mới
Đón Xuân Ất Tỵ - một mùa xuân mới đầy hứng khởi, các đơn vị nghệ thuật cũng dành nhiều tâm sức sáng tạo để đem đến cho khán giả Thủ đô những chương trình hấp dẫn, đặc sắc, giàu ý nghĩa.
Từ mùng 3 Tết Nguyên đán, lần lượt các sân khấu xiếc, múa rối, chèo, kịch, ca múa nhạc… đã khai xuân rộn ràng, trở thành điểm hẹn thưởng thức nghệ thuật cho công chúng.
“Bữa tiệc” tươi vui, hấp dẫn
Như thường niên, Liên đoàn Xiếc Việt Nam khai xuân với chương trình xiếc “Mừng Đảng, mừng Xuân”. Năm nay, nhân kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghệ sĩ nhân dân Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam tiết lộ, chương trình được dàn dựng công phu hơn, bên cạnh những màn biểu diễn xiếc hấp dẫn là những thông điệp ý nghĩa về Đảng, Bác Hồ, về những thành tựu mà đất nước ta đã đạt được dưới sự dẫn dắt của Đảng. Chương trình có thời lượng khoảng 90 phút, mở màn lúc 10h mùng 3 Tết Ất Tỵ (tức ngày 31-1) và diễn liên tục 6 suất trong 3 ngày, tại Rạp Xiếc trung ương (số 67-69 phố Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng). Bên cạnh những màn xiết vòng xoay mạo hiểm, đu bay, chồng người, xiếc ngựa, chó, khỉ… đặc sắc, chương trình có các bài hát ca ngợi Đảng, quê hương, đất nước. Đáng chú ý, trong chương trình, các nghệ sĩ xiếc sẽ tạo hình bông sen - hình tượng quốc hoa và tạo hình linh vật rắn, chào năm mới Ất Tỵ…
Vào tối 3-2, tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám (phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm) sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt “Chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới” do Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam chủ trì, phối hợp với Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam và các đơn vị liên quan thực hiện. Thông qua các tiết mục nghệ thuật ca múa nhạc được dàn dựng công phu, hấp dẫn, chương trình muốn tạo không khí vui tươi, lành mạnh, phấn khởi cho nhân dân đón Xuân Ất Tỵ 2025.
Nhà hát Chèo Hà Nội đã hoàn thiện vở mới “Nước mắt Trạng Quỳnh” mang đậm nét văn hóa truyền thống Việt Nam để biểu diễn phục vụ khán giả trong dịp đón Xuân Ất Tỵ. Vở diễn lột tả hình tượng nhân vật Trạng Quỳnh, một người nổi tiếng thông minh, hài hước và yêu dân, với tinh thần dũng cảm chống lại cường quyền, áp bức trong xã hội phong kiến.
Bên cạnh các suất diễn múa rối nước truyền thống phục vụ xuyên Tết, đón Xuân Ất Tỵ, Nhà hát Múa rối Thăng Long còn mang đến khán giả hai tác phẩm mới dàn dựng, đó là vở múa rối nước “Hoàng đế cờ lau” về vua Đinh Tiên Hoàng và vở múa rối que “Tấm Cám” dựa theo truyện cổ dân gian. Phiên bản mới của “Tấm Cám” sử dụng kịch bản của sân khấu chèo và đặc sắc nhất là các nghệ sĩ không chỉ biểu diễn múa rối mà còn diễn, thoại và hát chèo.
Món quà đầu Xuân Ất Tỵ mà Nhà hát Tuổi trẻ dành tặng khán giả Thủ đô là chương trình “Xuân đời cười” diễn từ ngày 7-2, tại Rạp Tuổi trẻ (số 11 phố Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng). Khán giả sẽ có những giây phút cười vui vẻ và sảng khoái qua những tiểu phẩm đặc sắc như “Khúc giao hưởng tâm tình”, “Thần tượng”, “Sự trớ trêu của sếp và lợn”, “Người ngay sợ kẻ gian”. Xen kẽ là những khúc ca xuân rộn ràng, nhiều sắc màu. Chương trình càng hấp dẫn khi có sự góp mặt của các danh hài như các Nghệ sĩ ưu tú: Chí Trung, Sĩ Tiến, Nguyệt Hằng; diễn viên Anh Thơ, Thanh Dương, Thanh Tú, Phan Thắng, Lương Thu Trang…
Nhà hát Kịch Việt Nam cũng tổ chức chương trình “Xuân 25 - Valentine đỏ” chào đón Xuân Ất Tỵ cũng khán giả Thủ đô. Chương trình sẽ đem đến khán giả vở kịch “Người tốt nhà số 5” - tác phẩm xuất sắc của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, dưới bàn tay đạo diễn tài hoa - Nghệ sĩ nhân dân Tạ Tuấn Minh. Chương trình sẽ mở màn từ ngày 14-2, tại Nhà hát Kịch Việt Nam (số 1 phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm)…
Tràn đầy khí thế sáng tạo
Các chương trình nghệ thuật đón xuân mới năm nay bên cạnh đem đến tiếng cười vui vẻ, sảng khoái còn chứa đựng thông điệp nhân văn, ý nghĩa về tình yêu quê hương, đất nước, sự hướng thiện và gìn giữ giá trị truyền thống.
Theo Nghệ sĩ nhân dân Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, chương trình “Mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025” là chương trình nghệ thuật mang ý nghĩa chính trị nhưng không khô khan mà rất giàu yếu tố giải trí với những trò diễn đặc sắc, bất ngờ, kịch tính của nghệ thuật xiếc. Vấn đề quan trọng nhất là đạo diễn và các nghệ sĩ tìm được “chìa khóa” để chạm đến cảm xúc của khán giả. Đây vừa là thách thức vừa là động lực để giới nghệ sĩ sân khấu thể hiện năng lực sáng tạo.
Để có được hai tác phẩm “Hoàng đế cờ lau” và “Tấm Cám” đặc sắc đón xuân mới, Nghệ sĩ ưu tú Trần Thanh Hiền, Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long cho hay, các nghệ sĩ đã miệt mài sáng tạo và tập luyện nhiều tháng qua. Các vở diễn đã lựa chọn những tích trò dân gian đặc sắc nhất từ hàng trăm tích trò cổ trong kho tàng múa rối Việt Nam.
Còn theo Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long, sân khấu khai xuân luôn được các đơn vị nghệ thuật chú trọng, bởi đây là hoạt động khởi động một năm sáng tạo nghệ thuật mới. Sự rộn ràng, khí thế sẽ truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ nỗ lực cống hiến.
Nghệ sĩ nhân dân Thu Huyền, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Chèo Hà Nội cho biết, nhà hát dành vở chèo đề tài dân gian phục vụ khán giả dịp đón xuân mới ngoài đem lại niềm vui, tiếng cười còn muốn nhấn ý nghĩa trở về truyền thống, cội nguồn. Bên cạnh đó, vở diễn “Nước mắt Trạng Quỳnh” mùa xuân này còn là nơi để các nghệ sĩ trẻ thể hiện tài năng và đam mê sáng tạo với nghệ thuật chèo truyền thống.
“Tinh thần của nhà hát luôn tạo điều kiện cho các nghệ sĩ trẻ có cơ hội phát huy khả năng sáng tạo. Chúng tôi luôn sắp xếp các nghệ sĩ kỳ cựu, giàu kinh nghiệm diễn cùng các gương mặt trẻ để tạo nên sự giao thoa, tiếp nối thế hệ...”, Nghệ sĩ nhân dân Thu Huyền bày tỏ.
Các chương trình nghệ thuật chào xuân đã sẵn sàng chờ đón khán giả thưởng thức và đón nhận, cùng tương tác, góp phần tạo nên sự khởi sắc, phát triển cho nghệ thuật biểu diễn trong năm mới.