Mang cả nghìn con mãng xà cực độc đi nấu cao, 9x Phú Thọ làm không kịp bán
Không chỉ mang lợi nhuận kinh tế cho gia đình, việc nấu cao rắn hổ mang đã phần nào hỗ trợ bà con nuôi rắn tại làng nghề tiêu thụ sản phẩm trong những ngày ế ẩm do dịch bệnh Covid-19 hoành hành.
Ế ẩm, mang rắn đi nấu cao để bán
Sinh ra và lớn lên tại làng nghề nuôi rắn hổ mang bành lớn nhất tỉnh Phú Thọ, từ nhỏ, anh Nguyễn Văn Bình (SN 1990), trú tại khu 1, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao đã quen thuộc với hình ảnh những con rắn hổ mang được nuôi trong các ô chuồng lớn nhỏ của gia đình và quanh hàng xóm.
Sinh ra tại làng nghề nuôi rắn hổ mang bành nên anh Bình sớm đã làm quen với những con rắn kịch độc này.
Mặc dù là loài rắn độc có chiếc cổ bạnh ra, tiếng thở phì phò cùng với cái lưỡi đỏ đáng sợ nhưng cũng nhờ con rắn hổ mang mà nhiều hộ dân quê anh trở nên khá giả. Hàng ngày, những chuyến xe hàng ra vào tấp nập, thu mua trứng rắn hoặc rắn thương phẩm mang đi xuất khẩu.
Lớn lên, cũng theo nghề của làng, anh Bình mạnh dạn đầu tư vốn để nuôi rắn hổ mang thương phẩm, phục vụ các đơn hàng xuất đi Trung Quốc. Cùng với đó, những con rắn già, không đủ trọng lượng bán thương phẩm, anh Bình tiến hành lọc rồi nấu thành cao rắn hổ mang.
Rắn được mổ bỏ nội tạng, rửa sạch, chặt khúc và cho vào nấu cả thịt lẫn xương.
“Tôi nghiên cứu một số tài liệu thì thấy cao rắn hổ mang cực tốt cho sức khỏe, nhất là đối với những người bị xương khớp. Cao rắn hổ mang toàn tính có chứa nhiều acid amin, saponozit, protit, folic axit và các khoáng chất quý giúp tăng cường hoạt dịch cho khớp và tái tạo sụn khớp, phục hồi ổ viêm… nên cũng tìm tòi công thức, nấu cao rắn hổ mang. Những mẻ cao rắn đầu tiên, đa số tôi mang biếu ông bà, anh em và để dùng trong gia đình chứ chưa bán”, anh Bình nói.
Tuy nhiên, năm 2019, dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện, tất cả các đơn hàng xuất khẩu bị đình trệ, Trung Quốc dừng hoàn toàn việc thu mua rắn hổ mang. Làng nghề nuôi rắn hổ mang quê anh gặp khó khăn chưa từng có. Hàng loạt hộ nuôi rắn phải bán tống, bán tháo số rắn trong chuồng cùng với trứng rắn với giá rẻ để bù lỗ.
Việc nấu cao rắn hổ mang đã giúp làng nghề nuôi rắn nâng cao giá trị kinh tế và tiêu thụ sản phẩm do chính làng nghề làm ra.
Không những thế, hàng vạn con rắn không có ai mua, nhiều nhà bỏ đói trong chuồng vì không có tiền mua thức ăn duy trì. Có nhà phải đổ bỏ trứng rắn xuống ao vì không có người mua.
“Trước dịch, mỗi cân rắn hổ mang có giá 700-800 nghìn đồng, mỗi quả trứng rắn có giá từ 50-70 nghìn đồng/quả. Dịch đến một cái là không ai mua, người nuôi rắn điêu đứng vì không có đầu ra, bán rẻ cũng không có ai mua”, anh Bình kể lại.
Thấy vậy, anh Bình liền nghiên cứu, cải tiến, hoàn thiện công thức nấu cao rắn hổ mang, tìm cách tiêu thụ rắn giúp gia đình và một số hộ nuôi rắn tại làng nghề.
Cao rắn hổ mang nấu thế nào?
Sản phẩm cao rắn hổ mang được bán với giá 7-8 triệu đồng/kg.
Theo anh Bình, rắn hổ mang muốn nấu cao phải là rắn trên 2,5 tuổi và là rắn được nhà nước cấp phép nuôi tại làng nghề. Tuyệt đối không sử dụng rắn săn bắt ngoài tự nhiên. Cao rắn hổ mang 100% nấu từ con rắn hổ mang và được nấu toàn tính, tức là nấu cả thịt lẫn xương, chỉ loại bỏ nội tạng, thêm một chút gừng và quế nhưng không được cho quá nhiều.
Rắn được mổ sạch ruột, rửa sạch, chặt khúc và nấu trong thời gian 5 ngày 4 đêm.
“Gừng hay quế mình phải cân đối vừa đủ, không được cho quá nhiều để người cao huyết áp vẫn có thể dùng được cao mà không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tôi phải nấu đi nấu lại nhiều mẻ cao. Mẻ thì dẻo quá, không được cứng cao, mẻ thì hơi nhiều quế, gừng… Tôi phải hỏi ý kiến mọi người đã dùng rồi sau đó dần dần hoàn thiện công thức, cho ra đời những mẻ cao rắn hổ mang chất lượng nhất mới mang bán”, anh Bình phân tích.
Rắn hổ mang sau thời kỳ sinh sản sẽ được mang đi nấu cao.
Những con rắn hổ mang đủ tuổi, đạt tiêu chuẩn được mang đi mổ, bỏ hết nội tạng, chặt thành khúc vừa phải, chần qua nước sôi rồi mang nấu trên bếp ga suốt 5 ngày 4 đêm, cho ra chất cao có màu vàng nâu cánh gián.
Theo anh Bình, trung bình cứ 10kg rắn hổ mang sẽ thu được 0,6kg cao và được anh bán với giá từ 7-8 triệu đồng/kg. Những mẻ cao rắn hổ mang ra lò được nhiều người hưởng ứng, đặt mua thời điểm đó đã giúp người dân nuôi rắn tiêu thụ một phần rắn hổ mang thương phẩm.
Cao rắn hổ mang được bán theo từng lạng, bảo quản ngăn mát tủ lạnh được khoảng 2 năm.
“Mặt hàng này khi đó khá mới lại tốt nên người này bảo người kia, bán chạy lắm. Dân lúc đó vừa có tiền lại vừa có thời gian, quan tâm hơn đến sức khỏe nên cứ nấu được đến đâu tôi bán hết đến đó”, anh Bình cho hay.
Đến bây giờ, sau khi dịch Covid-19 đã lùi xa được vài năm, thị trường đã thông thương trở lại, anh Bình vẫn duy trì nấu cao rắn hổ mang, cung cấp cho khách hàng có nhu cầu khắp cả nước. Từ việc nấu cao rắn hổ mang, anh Bình cũng giúp bà con nuôi rắn tiêu thụ sản phẩm của làng nghề, mang về thu nhập trên 100 triệu đồng/năm cho bản thân và gia đình.