Về phường Bình Nhâm thưởng thức món mứt gừng nguyên củ ngày Tết

Bình Nhâm, một phường nhỏ bên sông Sài Gòn thuộc thành phố Thuận An, Bình Dương, nổi tiếng khắp vùng với loại mứt gừng nguyên củ. Cứ vào dịp Tết Âm lịch, những bếp củi lại đỏ rực để tạo ra món mứt gừng độc lạ này.

Những ngày cận Tết, trong những con ngõ nhỏ tại phường Bình Nhâm, những chiếc thau đựng củ gừng ngâm nước muối được mang ra ngoài phơi nắng. Đó là một trong những công đoạn làm nên món mứt gừng nguyên củ Bình Nhâm, một đặc sản nổi tiếng của tỉnh Bình Dương.

Mứt gừng nguyên củ Bình Nhâm là món đặc sản tại Bình Dương trong dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Gia Nghi

Mứt gừng nguyên củ Bình Nhâm là món đặc sản tại Bình Dương trong dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Gia Nghi

Theo bà Hoàng Thị Tư, một trong số ít hộ tại địa phương này còn giữ lại nghề làm mứt có tuổi đời hơn 100 năm, mứt gừng từ lâu đã trở thành món ngọt không thể thiếu trên bàn tiệc dịp Tết Nguyên đán của người dân địa phương. Sự kết hợp hài hòa của vị cay nồng của gừng được giữ nguyên củ và vị ngọt thanh của đường cát đã làm nên sự khác biệt của loại mứt này.

Chia sẻ với Sài Gòn Tiếp Thị, bà Tư cho hay công việc làm mứt gừng đã kéo dài qua 4 thế hệ của gia đình bà. “Việc làm mứt gừng bắt đầu từ bà ngoại của tôi, truyền cho mẹ tôi rồi truyền tiếp đến cho tôi”, bà Tư cho hay.

Bà Tư cho biết, do mứt gừng nguyên củ làm cầu kỳ nên các thành viên khác trong gia đình cũng vào phụ giúp bà. “Nhà tôi có 4 người, người nào cũng có công việc riêng nhưng đến dịp Tết, cả nhà cùng nhau làm mứt để bán. Tuy có nhiều bước chuẩn bị, mỗi người một việc nên cũng mau xong”.

Theo bà, để có mứt “củ” gừng Bình Nhâm hoàn chỉnh, gừng được chọn phải là những củ gừng non, không bị xơ. Sau khi rửa sạch và cạo vỏ, gừng sẽ được rửa sạch và mang đi săm (chăm). Đây là cách để củ gừng được mềm và dễ “ăn” đường hơn.

Củ gừng sẽ tiếp tục trải qua quá trình ngâm nước, phơi nắng và luộc chín để loại bỏ vị cay. Tiếp đó, gừng được làm nguội bằng nước lạnh, trộn đều với đường và phơi nắng thêm vài ngày nữa. Để tăng độ dẻo và trong của gừng, người ta thường vắt thêm nước cốt chanh vào trong quá trình ngâm.

Sau khi phơi nắng khoảng một tuần, gừng được đóng vào các thùng lớn, chờ đến gần Tết mới mang ra chế biến. Gừng được sên trong nước đường cho đến khi màu mứt ngả vàng. Bước cuối cùng là lăn miếng gừng qua một lớp đường cát và bỏ vào hộp đóng gói.

Qua quy trình sơ chế kỹ càng, bao gồm ngâm, luộc và phơi nắng, gừng có thể bảo quản được đến một năm mà không cần chất bảo quản.

Bà Tư chia sẻ mỗi năm, mứt của gia đình bà thường được đặt mua trước và phân phối sỉ tại chợ Lái Thiêu gần đó. Tuy nhiên, năm nay, số lượng người đặt mua vẫn như cũ nhưng đơn hàng lại giảm đi.

“Khách đặt trước thường là khách quen, mua để tặng biếu. Nhưng năm nay, chắc do kinh tế khó khăn, họ cũng đặt ít hơn năm trước”, bà cho biết.

Vì mứt được đặt trước và chỉ bán ra chợ với số lượng nhất định, bà Tư có thể tính toán chính xác lượng hàng cần làm, tránh tình trạng bị "ế" như các mặt hàng khác.

Những miếng mứt gừng được đóng gói trong hộp nhựa, với giá bán sỉ 50.000 đồng cho mỗi hộp 500g. Ảnh: Gia Nghi

Những miếng mứt gừng được đóng gói trong hộp nhựa, với giá bán sỉ 50.000 đồng cho mỗi hộp 500g. Ảnh: Gia Nghi

Mứt gừng Bình Nhâm không chỉ là món ăn ngon mà còn mang ý nghĩa văn hóa, tượng trưng cho sự ấm áp và gắn kết gia đình ngày Tết. Với vị cay nồng, ngọt thanh, mứt gừng đem lại cảm giác ấm cúng và may mắn những ngày đầu năm mới.

Gia Nghi

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://sgtt.thesaigontimes.vn/ve-phuong-binh-nham-thuong-thuc-mon-mut-gung-nguyen-cu-ngay-tet/
Zalo