Thần rắn Naga trên đất Phú Yên

Từ xa xưa, rắn có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng và phong tục của người Việt Nam; là biểu tượng của quyền uy và mang lại nhiều điều may mắn.

Một trong những phù điêu rắn Naga được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh, phục vụ khách tham quan, nghiên cứu. Ảnh: NGUYỄN QUANG

Một trong những phù điêu rắn Naga được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh, phục vụ khách tham quan, nghiên cứu. Ảnh: NGUYỄN QUANG

Ngoài xuất hiện trong những tác phẩm văn học dân gian, như: truyện cổ tích Thạch Sanh, huyền thoại Thần Tản Viên, truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh, truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ…, ngày nay hình tượng rắn vẫn còn hiện diện tại các di tích Chăm Pa ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và công trình kiến trúc Phật giáo của người Khmer ở Nam Bộ.

LƯU GIỮ 6 PHÙ ĐIÊU TỪ THẾ KỶ XIII-XIV

Tại Phú Yên, Bảo tàng tỉnh là nơi duy nhất đang lưu giữ 6 phù điêu thần rắn Naga của nền văn hóa Chăm Pa; trong đó 2 phù điêu đang được trưng bày phục vụ khách tham quan và nghiên cứu. Những tác phẩm điêu khắc bằng đá sa thạch này có niên đại khoảng thế kỷ XIII-XIV, được các nhà khảo cổ tìm thấy tại di tích Tháp Bà, xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa vào năm 1993.

Lãnh đạo Bảo tàng tỉnh cho biết, thần rắn Naga là linh vật huyền thoại của văn hóa Ấn Độ, thuộc về cõi âm, sinh sống dưới thủy cung. Thần rắn Naga trong các tác phẩm nghệ thuật Chăm Pa thường được thể hiện một cách sống động, có tính nghệ thuật cao.

Thông thường bên cạnh thần rắn còn có các linh vật khác như thủy quái Makara, chim thần Garuđa hoặc các vị thần khác của Ấn Độ giáo như thần Vishnu, thần Brama… Rắn Naga được trang trí trên một số vị trí của các công trình kiến trúc như cửa ra vào, diềm mái, góc tháp. Nhờ các tác phẩm nghệ thuật này mà các khu đền, tháp Chăm Pa tăng thêm phần tráng lệ và linh thiêng.

Trong số 6 phù điêu thần rắn Naga đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh, chỉ có 1 phù điêu nguyên vẹn, 5 phù điêu còn lại bị sứt mẻ, mất một số bộ phận. Phù điêu còn nguyên vẹn có mõm dài, đầu dẹt, mắt tròn, vành quanh mắt hình bầu dục, đuôi mắt ngắn, ngực ưỡn, thân uốn cong hình chữ U, đuôi vắt ngược lên cao; phần cuối đuôi hướng về phía trước, trước ngực có vòng tròn nổi, đường kính vòng tròn 6cm, trong vòng hình tròn có chạm bông hoa 9 cánh có nhụy hoa hình tròn.

Toàn thân rắn phủ đầy vảy, nửa thân phía trước thể hiện dạng tượng tròn, nửa thân sau ở dạng bán phù điêu chạm nổi trên 1 phiến đá dày 7cm, có hình dáng uốn lượn theo nửa thân sau của rắn, mép phía trước phiến đá có 1 tia dạng như tia bờm, mép sau có 4 tia, trên các tia có hoa văn hình xoắn ốc. Phần gắn vào kiến trúc có mặt hình chữ nhật kích thước 8x15cm, chiều dài đã bị gãy.

Phù điêu rắn Naga chế tác từ đá rhyolit xám, bị gãy phần đầu, đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh (trái) và phù điêu rắn Naga chế tác từ đá rhyolit xám, bị nứt, đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh (phải). Ảnh: CTV

Phù điêu rắn Naga chế tác từ đá rhyolit xám, bị gãy phần đầu, đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh (trái) và phù điêu rắn Naga chế tác từ đá rhyolit xám, bị nứt, đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh (phải). Ảnh: CTV

BỘ PHẬN QUAN TRỌNG TRONG KHO TÀNG VĂN HÓA

Ngoài những phù điêu thần rắn Naga được tìm thấy tại di tích Tháp Bà, xã Hòa Phong, vào đầu thế kỷ XX các nhà khảo cổ cũng phát hiện phù điêu những con rắn tại Di tích quốc gia đặc biệt Tháp Nhạn (TP Tuy Hòa), nhưng rất tiếc do chiến tranh tàn phá, hiện những phù điêu này không còn.

Vương quốc Chăm Pa từng tồn tại từ năm 192 đến năm 1832 ở khu vực miền Trung. Văn hóa Chăm Pa chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ và Java cùng với những sáng tạo riêng đã tạo nên những đỉnh cao nghệ thuật, trong đó có công trình kiến trúc Tháp Nhạn và những phù điêu thần rắn Naga còn sót lại tại di tích Tháp Bà của Phú Yên. Đây là những tác phẩm có giá trị về lịch sử và mỹ thuật, là một bộ phận quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa các dân tộc anh em sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Ngọc Chất, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu – Sưu tầm, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, tại Việt Nam, ngoài hình tượng rắn thần Naga xuất hiện trong tín ngưỡng, văn hóa Chăm Pa, đến nay hình tượng rắn chỉ phát hiện được trên trống đồng Ngọc Lũ (văn hóa Đông Sơn) cách nay khoảng 2.000 năm. Còn giai đoạn lịch sử về sau, các nhà khảo cổ chưa tìm thêm đồ vật nào có hình tượng rắn.

Ngoài những phù điêu thần rắn Naga thuộc nền văn hóa Chăm Pa, hiện nay nhiều người Phú Yên vẫn quan niệm rằng hình tượng rắn đại diện cho sự biến đổi và tái sinh. Giống như rắn lột xác để tái sinh, con người cũng phải không ngừng đổi mới để trở nên tốt đẹp hơn. Hình ảnh con rắn uốn lượn được nhiều người sử dụng trong trang trí với niềm tin sẽ thu hút năng lượng tích cực, mang lại nhiều điều may mắn.

NGUYỄN QUANG

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/325236/than-ran-naga-tren-dat-phu-yen.html
Zalo