Tết không khoảng cách: người trẻ gìn giữ hồn Tết Việt
Với người Việt, Tết Nguyên Đán không chỉ là thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới mà còn là dịp sum vầy, gắn kết các thế hệ và lưu giữ giá trị văn hóa. Ngày nay, dù đón Tết theo cách mới mẻ hơn, các bạn trẻ vẫn trân trọng và gìn giữ những giá trị truyền thống.
Tết Nguyên Đán, hay còn được gọi là Tết Cả, Tết Ta hay Tết Cổ truyền, là dịp lễ quan trọng và ý nghĩa nhất đối với người Việt, diễn ra vào mùa xuân – thời khắc khởi đầu một năm mới tràn đầy hy vọng. Tết đã tồn tại từ lâu trong văn hóa Việt Nam, phản ánh sự giao thoa và phát triển của các giá trị truyền thống. Từ truyền thuyết “Bánh chưng, bánh dày” thời Vua Hùng đến những phong tục được lưu truyền qua các triều đại, Tết Nguyên Đán đã khẳng định vị trí vững chắc trong đời sống tinh thần của người Việt.
Tết thay đổi nhưng những giá trị của Tết vẫn vẹn nguyên
Nhớ về Tết xưa, không khí rộn ràng lan tỏa khắp làng quê, phố thị. Những ngày cuối năm, ai nấy đều tất bật chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy, trọn vẹn. Người lớn tuổi chăm chút gói bánh Chưng, bánh Tét, trẻ nhỏ háo hức theo chân bố mẹ đi chợ. Ông Lê Hiền (81 tuổi) chia sẻ: “Ngày xưa sắm Tết chỉ có thể đi chợ từ sớm, cũng vì thế mà chợ Tết xưa là cái gì đó háo hức lắm. Còn bây giờ, chỉ cần ngồi nhà đặt hàng qua mạng, mọi thứ được giao tận tay, tiện lợi nhưng cũng vì thế mà cái cảm giác mong chờ dần mất đi.”
Cuộc sống hiện đại với nhiều tiện ích giúp mọi người dễ dàng chuẩn bị Tết hơn, nhưng cũng vô tình làm mất đi phần nào không khí nhộn nhịp, háo hức mỗi dịp xuân về. Không còn cảnh người người chen chân đi chợ Tết, tay xách nách mang từng bó hoa, cân gạo nếp, mà thay vào đó là những cú click chuột hay chạm nhẹ trên màn hình điện thoại. Có lẽ, chính sự tiện nghi ấy khiến nhiều người dần quên đi cái vất vả nhưng đầy ý nghĩa của việc chuẩn bị cho ngày Tết.
Đặc biệt trong góc nhìn và các đón nhận của giới trẻ, Tết đang dần thay đổi theo một cách rất riêng. Tuy nhiên, với tinh thần sáng tạo và lòng tự hào dân tộc, họ không chỉ gìn giữ mà còn góp phần lan tỏa giá trị truyền thống. Người trẻ trở thành cầu nối giữa các thế hệ, vừa bảo tồn bản sắc văn hóa, vừa thổi làn gió mới để Tết thêm phần gần gũi và trường tồn cùng thời gian.
Người trẻ - Cầu nối thế hệ, giữ gìn giá trị Tết xưa
Mỗi năm, dù bận bịu nhưng nhiều bạn trẻ vẫn cố gắng thu xếp công việc để về quê kịp gói bánh, dọn dẹp, sắm sửa cùng ông bà cha mẹ vào những ngày cận Tết. Tú Uyên (25 tuổi) chia sẻ: “Năm nào gia đình mình cũng tụ họp đầy đủ vào ngày 27 Tết tại nhà ông bà để gói bánh Chưng. Mỗi người một việc, người lau lá dong, người đong gạo, vừa làm vừa lắng nghe bà kể chuyện Tết xưa. Đó là khoảnh khắc giúp cả nhà thêm gắn kết và hiểu nhau hơn.”
Tú Uyên cũng bày tỏ rằng, trong nhịp sống hiện đại, sự bận rộn và khoảng cách địa lý đôi khi khiến các thành viên trong gia đình trở nên xa cách. Thế nhưng, chị luôn tin rằng những hoạt động quây quần bên nhau dịp Tết chính là sợi dây gắn kết bền chặt giữa các thế hệ. Chính vì vậy, chị thường chủ động chuẩn bị mọi thứ sớm, nhắc nhở và gọi các em về quê từ trước Tết để có thêm thời gian bên ông bà, bố mẹ.
Bên cạnh việc gói bánh Chưng, nhiều hoạt động truyền thống khác cũng được giới trẻ tích cực hưởng ứng mỗi dịp Tết đến. Những năm gần đây, hình ảnh các bạn trẻ khoác lên mình những bộ áo dài thướt tha, đủ kiểu dáng, màu sắc để trở nên quen thuộc, góp phần tô điểm thêm sắc xuân. Áo dài không chỉ là trang phục truyền thống mà còn trở thành xu hướng thời trang được yêu thích, giúp các bạn trẻ thể hiện niềm tự hào văn hóa dân tộc theo cách riêng.
Đối với Phương Thảo (20 tuổi), Tết năm nay mang một ý nghĩa đặc biệt hơn. Bên cạnh chụp những bộ ảnh áo dài cá nhân, Thảo đã sớm trở về quê để cùng ông bà diện áo dài truyền thống và lưu giữ những khoảnh khắc đầm ấm bên gia đình. “Mình muốn có một bộ ảnh không chỉ đẹp mà còn đong đầy kỷ niệm với ông bà. Đây là cách để mình trân trọng những giá trị gia đình và giữ gìn nét đẹp truyền thống,” Thảo chia sẻ.
Những hành động nhỏ ấy không chỉ thể hiện tình yêu thương gia đình, giúp các thành viên trong gia đình thêm gắn bó mà còn góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa Tết cổ truyền. Dù mỗi người có cách đón Tết riêng, nhưng tất cả đều chung một điểm tựa là cội nguồn, gìn giữ những giá trị truyền thống trong dòng chảy hiện đại.
Bên cạnh đó,nhiều bạn trẻ hiện nay cũng chọn cách kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, tạo nên những xu hướng mới nhưng vẫn giữ được tinh thần ngày Tết. Từ những bữa tiệc Tết đầy sáng tạo, cách trang trí độc đáo, đến việc chọn lựa quà Tết, tất cả đều thể hiện sự trân trọng những giá trị cốt lõi như sự sum vầy và sẻ chia. Nhờ vào lòng tự hào dân tộc và sự sáng tạo, thế hệ trẻ không chỉ bảo tồn mà còn mang đến một làn gió mới cho Tết Việt, khiến Tết trở nên gần gũi và phù hợp hơn với nhịp sống hiện đại.