Người cuối cùng giữ nghề món 'mứt nhà nghèo' xứ Huế
Mỗi dịp cận kề Tết Nguyên đán, gian bếp nhỏ của bà Lê Thị Tư (86 tuổi, phường Thủy Xuân, TP. Huế) lại thoang thoảng hương thơm ngọt ngào của mứt sắn - một món ăn dân dã nhưng thấm đượm hương vị quê hương mỗi độ xuân về.
Ghé thăm nhà bà Tư vào những ngày giáp Tết, dễ dàng bắt gặp cảnh bà cùng con gái tất bật gọt vỏ, chế biến từng củ sắn để làm nên món mứt truyền thống. Mứt sắn, từng được biết đến với cái tên dân dã “mứt nhà nghèo”, gắn bó với tuổi thơ của biết bao thế hệ người dân xứ Huế.
Theo tìm hiểu, gia đình bà Tư là một trong những nơi cuối cùng còn lưu giữ nghề làm mứt sắn truyền thống. Trong căn bếp đỏ lửa, bà Tư chia sẻ: “Gần 60 năm nay, gia đình tôi vẫn duy trì làm món mứt này. Tôi mong muốn giữ gìn món ăn truyền thống của cha ông, như một lời tri ân với những năm tháng khó khăn, khi sắn khoai từng cứu đói bao thế hệ.”
Huế từ lâu đã được biết đến là xứ sở của mứt Tết với hàng chục loại mứt nổi tiếng như mứt gừng, hạt sen, quất... Mỗi loại đều mang một nét đặc trưng riêng, được chế biến công phu nhờ vào những bí quyết gia truyền. Để làm ra mứt sắn ngon, từng củ sắn tươi phải được chọn lọc kỹ lưỡng, gọt vỏ, ngâm nước để loại bỏ nhựa, sau đó luộc chín. Sắn được thái miếng vừa ăn, phơi khô rồi rim với đường cho đến khi miếng sắn trong dẻo, phủ một lớp đường trắng óng ánh.
Bà Tư chia sẻ, bí quyết để có mẻ mứt ngon là ở khâu canh lửa đều tay, đảo liên tục để sắn không cháy, kết tinh đường đẹp mắt. Khi thưởng thức, mứt sắn Huế không chỉ mang vị ngọt thanh mà còn phảng phất chút bùi bùi, dẻo dai, gợi lên cảm giác thân thuộc của quê hương.
Khi được hỏi về cái tên “mứt nhà nghèo”, bà Tư mỉm cười giải thích: “Ngày xưa, cuộc sống còn nhiều khó khăn, bữa cơm độn sắn độn khoai là chuyện thường tình. Mứt sắn khi đó không phải món ăn cao sang, nhưng lại luôn hiện diện trên mâm cỗ Tết của các gia đình nghèo. Vì vậy, người ta mới gọi vui là mứt của nhà nghèo.”
Giữa nhịp sống hiện đại, khi nhiều nghề truyền thống dần bị mai một, vẫn có những con người âm thầm giữ lửa, tiếp nối tinh hoa của cha ông. Một trong số đó là bà Đỗ Thị Tưởng (64 tuổi), con gái duy nhất của bà Tư, người đã gắn bó với nghề làm mứt sắn cùng mẹ mình nhiều năm qua. Bà Tưởng chia sẻ, dù công việc vất vả, thu nhập không cao, nhưng bà luôn hạnh phúc vì có thể giữ gìn được hương vị quê nhà và truyền lại cho thế hệ sau.
“Làm mứt sắn không chỉ là một nghề, mà còn là cái tình, cái nghĩa với mảnh đất Huế. Mỗi lần nếm thử miếng mứt, tôi lại thấy cả ký ức tuổi thơ ùa về,” bà Tưởng tâm sự. Nhờ những người thợ như bà Tư, bà Tưởng, mứt sắn Huế vẫn còn hiện diện trong các gia đình mỗi dịp Tết đến, trở thành món quà quê giản dị mà đầy ý nghĩa dành tặng bạn bè, người thân.