Nghị quyết 68: Bệ phóng cho mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp

Để đạt mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp như Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị đề ra, cần có những chính sách đột phá và hỗ trợ thiết thực cho hàng triệu hộ kinh doanh.

Mục tiêu đạt 2 triệu doanh nghiệp (DN) vào năm 2030 như Nghị quyết 68/2025 của Bộ Chính trị đề ra, không chỉ là một con số mà là biểu hiện cho tầm nhìn chiến lược và khát vọng phát triển mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam.

Đây là cơ hội vàng để hàng triệu hộ kinh doanh vươn mình, hội nhập sâu rộng vào dòng chảy kinh tế hiện đại. Tuy nhiên, để biến khát vọng thành hiện thực, đòi hỏi những bước đi quyết liệt, chính sách đột phá và sự hỗ trợ thực chất từ Nhà nước đến cộng đồng DN.

Đòn bẩy chính sách cho hộ kinh doanh

Luật sư Trần Xoa, chuyên gia thuế, nhận định mục tiêu đạt 2 triệu DN vào năm 2030, đi kèm với những chính sách hỗ trợ mà Nghị quyết 68 vừa được Tổng Bí thư Tô Lâm ban hành là cơ hội để hàng triệu hộ kinh doanh chuyển đổi, tái cấu trúc và hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế hiện đại.

Theo ông Xoa, Chính phủ đang từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý, thúc đẩy các chính sách mang tính đòn bẩy như áp dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT), trong đó có HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền. Đặc biệt, từ ngày 1-6-2025, hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỉ đồng/năm trở lên bắt buộc phải sử dụng HĐĐT. Dù giai đoạn đầu có thể gặp khó khăn nhưng đây là xu hướng tất yếu, giúp tăng tính minh bạch, tiết kiệm chi phí và thuận tiện trong quản lý. Các quy định ngày càng rõ ràng cũng giúp hộ kinh doanh xác định lộ trình phát triển bài bản, tự tin mở rộng quy mô.

Nghị quyết 68/2025 về phát triển kinh tế tư nhân là tín hiệu tích cực nhưng để tạo chuyển biến thực sự, cần nhanh chóng ban hành các chính sách cụ thể, thiết thực.

“Đáng chú ý, theo Nghị quyết 68, chính sách miễn thuế thu nhập DN cho DN nhỏ và vừa trong ba năm đầu thành lập, cho phép khấu trừ chi phí hợp lý, hỗ trợ tư vấn miễn phí từ hệ thống đại lý thuế. Việc chính thức trở thành DN còn giúp nâng cao uy tín, tiếp cận vốn tốt hơn, tham gia chuỗi cung ứng và quản trị hiệu quả. Với chính sách đồng hành và tinh thần đổi mới từ người dân, mục tiêu 2 triệu DN là hoàn toàn khả thi” - chuyên gia thuế Trần Xoa nói.

Chuyên gia tài chính Trần Đình Phương nhận định mục tiêu 2 triệu DN hoạt động hiệu quả theo Nghị quyết 68 không đơn thuần là một con số mang tính hình thức, mà là dấu mốc chiến lược trong hành trình phát triển kinh tế đất nước.

Theo ông Phương, khi số lượng DN tăng mạnh, nền kinh tế sẽ có thêm nhiều “cỗ máy” sản xuất, cung ứng hàng hóa và dịch vụ. Điều này không chỉ thúc đẩy tăng trưởng GDP, mà còn tạo thêm việc làm, giúp giảm thất nghiệp và nâng cao thu nhập người dân.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu đầy tham vọng này, Việt Nam cần một chiến lược đồng bộ và quyết liệt hơn nữa. Trong đó, cải cách thể chế, hoàn thiện khung pháp lý, hỗ trợ tài chính, đất đai, hạ tầng và nâng cao năng lực cạnh tranh là những yếu tố then chốt.

“Việc ươm mầm và hỗ trợ DN nhỏ và vừa phát triển, song song với khuyến khích sự hình thành của các DN lớn có vai trò dẫn dắt thị trường, sẽ quyết định thành công. Nếu cả hệ thống chính trị, DN và xã hội cùng nỗ lực, mục tiêu 2 triệu DN không nằm ngoài tầm với” - ông Phương nhấn mạnh.

Mở lối thông thoáng, minh bạch

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Vina T&T, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đánh giá cao tinh thần của Nghị quyết 68 vừa được Tổng Bí thư Tô Lâm ban hành, đặc biệt là mục tiêu phát triển 2 triệu DN. Theo ông, đây là định hướng tích cực, thể hiện quyết tâm thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.

Tuy vậy, để hiện thực hóa mục tiêu này, ông cho rằng cần chính sách cụ thể hơn dành cho DN nhỏ, siêu nhỏ là lực lượng chủ lực hiện nay. Nhiều bạn trẻ có tinh thần khởi nghiệp, mong muốn làm chủ nhưng vẫn thiếu điều kiện về vốn, thủ tục và môi trường thuận lợi.

 Chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết 68 tạo đòn bẩy giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển. Ảnh: QH

Chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết 68 tạo đòn bẩy giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển. Ảnh: QH

Ông Tùng cho rằng cần quỹ hỗ trợ khởi nghiệp để đánh giá, lựa chọn các ý tưởng tiềm năng và hỗ trợ vốn ban đầu, đặc biệt với những người chưa có tài sản thế chấp. Cùng với đó là chính sách phù hợp theo từng giai đoạn phát triển, từ siêu nhỏ đến vừa và lớn, tránh tình trạng chính sách “đứng trên” DN nhỏ.

“Một nội dung quan trọng khác là cần tạo động lực để hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN. Theo ông, điều này chỉ đạt được khi có các chính sách thuế minh bạch, ưu đãi rõ ràng, tạo cảm giác an toàn và xứng đáng với việc lớn lên. Nghị quyết đã có, bây giờ là lúc cần hành động cụ thể, thiết thực và gần sát thực tế hơn nữa” - ông Tùng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, cho biết hiện cả nước có khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh, tuy nhiên chỉ khoảng 2,1 triệu hộ trong số này thực hiện đăng ký kinh doanh và nộp thuế đầy đủ. Hơn 3 triệu hộ còn lại vẫn đang hoạt động không chính thức, chủ yếu nộp thuế theo phương pháp khoán.

Để thúc đẩy sự phát triển bền vững của khu vực kinh tế tư nhân, TS Lực cho rằng cần khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN siêu nhỏ. Việc này cần đi kèm chính sách hỗ trợ cụ thể như miễn thuế thu nhập trong giai đoạn đầu, đơn giản hóa thủ tục thành lập DN, hỗ trợ kế toán và quản lý.

Theo ông, để đạt mục tiêu có 2 triệu DN vào năm 2030 như Nghị quyết 68 đặt ra, cần có những cải cách đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh. Điều này bao gồm sửa đổi Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, giảm thuế cho DN nhỏ và siêu nhỏ, cắt giảm mạnh thủ tục hành chính, chi phí và thời gian giải quyết hồ sơ.

“Chính sách quản lý cần linh hoạt, phù hợp với quy mô và đặc thù của từng loại hình DN, tránh áp đặt một khuôn mẫu chung” - ông Lực nhấn mạnh. Ông cũng đề xuất để Nghị quyết 68 đi vào cuộc sống, cần có chiến lược phát triển kinh tế tư nhân rõ ràng, với mức độ hỗ trợ dựa trên đóng góp thực tế của DN vào ngân sách, tạo việc làm và lợi ích xã hội. DN tư nhân cần được bảo đảm quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng trong khuôn khổ pháp luật.•

Tăng nội địa hóa, ràng buộc trách nhiệm FDI

Để phát triển bền vững, cần có chính sách ràng buộc trách nhiệm của các DN lớn, đặc biệt là khối FDI. Không thể để DN FDI chỉ nhận ưu đãi mà không chia sẻ trách nhiệm. Phải có quy định rõ về tỉ lệ nội địa hóa, yêu cầu họ gắn kết với các nhà cung cấp trong nước, thúc đẩy sự phát triển của DN hỗ trợ.

Nghị quyết 68/2025 về phát triển kinh tế tư nhân là tín hiệu tích cực nhưng để tạo chuyển biến thực sự, cần nhanh chóng ban hành các chính sách cụ thể, thiết thực. Làm sao để DN siêu nhỏ thành nhỏ, nhỏ thành vừa, vừa thành lớn và DN lớn có thể vươn ra toàn cầu - đó mới là thành công thật sự.

Ông NGUYỄN ĐÌNH TÙNG, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T

QUANG HUY - PHƯƠNG MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/nghi-quyet-68-be-phong-cho-muc-tieu-2-trieu-doanh-nghiep-post848262.html
Zalo