Phải có cách làm mới, làm khác để thực hiện bằng được các mục tiêu của Nghị quyết 68

TS. Nguyễn Đình Cung đặt rất nhiều kỳ vọng vào việc triển khai Nghị quyết 68-NQ/TW. 'Nghị quyết đặt ra nhiều mục tiêu rất cao, với hệ thống giải pháp đồng bộ, đầy đủ và rất quyết liệt, rất cần cách thực thi khác với lâu nay để thực thi bằng được', TS. Cung nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (hiện nay là Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược) là một trong những chuyên gia hàng đầu trong cải cách môi trường kinh doanh, là người đã nhiều lần gửi ý kiến đóng góp cho Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trong giai đoạn dự thảo.

TS. Nguyễn Đình Cung.

TS. Nguyễn Đình Cung.

Ông đón nhận Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân với tâm thế nào?

Tôi đã chờ đợi và có rất nhiều ấn tượng.

Ấn tượng đầu tiên là vai trò, vị trí của khu vực kinh tế tư nhân đã được xác định là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, theo nghĩa không chỉ xác định vai trò cho đến nay, mà là cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tương lai, từ nay trở đi, với yêu cầu nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững...

Ấn tượng thứ hai là Nghị quyết đã đưa ra một hệ thống giải pháp khá đồng bộ, khá đầy đủ, quyết liệt. Trong các giải pháp, tựu trung lại, giải quyết hai vấn đề căn bản đối với khu vực doanh nghiệp tư nhân hiện nay, đó là doanh nghiệp không muốn lớn và doanh nghiệp không thể lớn được.

Trong số các giải pháp, tôi rất ấn tượng với giải pháp liên quan đến nguyên tắc “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự”. Phải thẳng thắn, đây là một trong những giải pháp được cho là nhạy cảm, ít người bàn luận đến, dù đã được nhắc đến. Vì vậy, các kiến nghị để thực thi thường không đầy đủ, không triệt để. Lần này, Nghị quyết 68-NQ/TW đã đề cập khá đầy đủ và cụ thể những cái giải pháp để thực hiện được yêu cầu này.

Cùng với đó, Nghị quyết đã có nhóm giải pháp về nâng cao hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra, kiểm tra mà không làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trong đó, có giải pháp trước đây đã được đưa ra, như thực hiện 1 năm chỉ được thanh tra 1 lần với doanh nghiệp, nhưng mới ở tầm Chính phủ; thì lần này, Bộ Chính trị đã quyết định đưa vào Nghị quyết 68-NQ/TW...

Nhóm giải pháp này rất quan trọng, vì nếu cảm thấy không an toàn, có rủi ro pháp lý, doanh nghiệp sẽ chần trừ, do dự trong mở rộng đầu tư - kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp lớn, kinh doanh đa ngành...

Ấn tượng thứ ba là Nghị quyết đặt mục tiêu rất cao, phải thực hiện trong một thời gian tương đối ngắn. Điều này cũng có thể thấy áp lực cực kỳ lớn đối với cái Chính phủ cũng như là các bộ, ngành, địa phương trong quá trình thực thi.

Chính vì vậy, thời điểm này, theo tôi, việc cần phải bắt tay vào làm ngay là cách thức thực hiện. Có lẽ cách làm truyền thống, lâu nay đã không còn phù hợp với một Nghị quyết với tư duy hoàn toàn mới, với một hệ thống giải pháp đầy đủ, quyết liệt...

Theo ông, cách thực hiện khác truyền thống có thể hiểu thế nào?

Cách thức thực hiện lâu nay là Chính phủ, rồi các bộ, ngành, địa phương ban hành các kế hoạch hành động. Nghĩa là, vẫn dựa vào bộ máy hành chính nhà nước, cơ quan quản lý nhà nước.

Tôi hình dung môi trường kinh doanh sẽ phải đạt được yêu cầu như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói, tức là một môi trường kinh doanh mà tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả mọi người, mọi doanh nghiệp cùng tham gia vào việc sản xuất, kinh doanh, tạo sản phẩm xã hội. Đó phải là môi trường kinh doanh thực sự thuận lợi, thực sự an tâm và thực sự an toàn cho hoạt động kinh doanh, đầu tư.

Kinh nghiệm trong quá trình tham gia rà soát, đề xuất cắt bỏ giấy phép con, điều kiện kinh doanh nhiều năm trước, tôi lo ngại, nếu đề các bộ, ngành tự rà soát, rất có thể sẽ không loại bỏ được quan điểm, tư duy quản lý, thậm chí lợi ích của các bộ. ngành. Khi đó, kết quả rà soát và phương án xử cắt giảm sẽ thiếu đi tính khách quan, tính độc lập, từ đó ảnh hưởng đến tính triệt, tư duy cải cách của Nghị quyết 68-NQ/TW.

Với quan điểm này, tôi nghĩ rằng, phải có sự chỉ đạo áp đặt từ trên xuống trong thực hiện Nghị quyết, giống như cách làm trong tinh giản bộ máy, trong thực hiện Nghị quyết 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Có thể gọi Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68 là cuộc cách mạng về tinh giản quy định, sẽ phải bãi bỏ đi nhiều quy định, nhiều văn bản pháp luật, nhiều nội dung trong các văn bản về pháp luật để chấm dứt cơ chế xin - cho, chuyển quản lý nhà nước chủ yếu từ tiền kiểm sang hậu kiểm... Đây là thay đổi có tính bước ngoặt của hệ thống thể chế cũng như cách thức quản lý nhà nước, nên cần hệ thống thể chế phục vụ yêu cầu mới.

Tôi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nên thành lập một tổ công tác đặc biệt với thành phần chủ yếu là các chuyên gia độc lập, có kinh nghiệm, có trải nghiệm, có tâm huyết, có kiến thức trong cải cách pháp luật, cải cách thế chế. Tổ này cũng cần có sự tham gia của đại diện doanh nghiệp, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện rà soát. Có như vậy, năm 2025 mới hoàn tất được yêu cầu rà soát được hết quy định về điều kiện kinh doanh.

Việc này rất quan trọng, vì để thực hiện được mục tiêu bãi bỏ 30% điều kiện kinh doanh, giảm 30% chi phí tuân thủ, nhưng phải xác định được 30 % của con số nào...

Những nhiệm vụ tương ứng cũng nên thực hiện theo cách tương tự, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Có như vậy mới nhanh được, nhất quán, đầy đủ, quyết liệt thì và có như vậy thì mới đạt được mục tiêu.

Còn những mục tiêu đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp. Thực ra, mục tiêu tương tự chúng ta đã từng đặt ra, như đến năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp, đến năm 2025 có 1,5 triệu doanh nghiệp. Nhưng đến bây giờ, theo số liệu mới nhất, số doanh nghiệp vẫn chưa đạt được 1 triệu, thưa ông?

Để bàn về cách làm có lẽ, phải bóc tách rất chi tiết. Mục tiêu là đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp, có nghĩa là trong chưa đầy 5 năm tới sẽ phải có thêm 1 triệu doanh nghiệp. Đây là 1 triệu doanh nghiệp hoạt động chứ không phải chỉ là số đăng ký.

Như vậy, có thể hình dung, để thực hiện mục tiêu này, mỗi năm chúng ta phải có thêm 200.000 doanh nghiệp, với tốc độ tăng trưởng năm thứ nhất là 20%, năm thứ hai khoảng 16%, năm thứ ba khoảng 14% và năm thứ cuối cùng là hơn 10%. Nhưng hiện nay, tốc độ tăng trưởng chỉ khoảng 3-4%, thậm chí có năm âm.

Vậy ông có kiến giải gì để thực hiện bằng được mục tiêu rất cao này, thưa ông?

Mục tiêu này là kết quả tổng hòa của tất cả giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, những giải pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai, tiếp cận khoa học công nghệ. Cùng với đó là các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cả về mặt tiêu thụ sản phẩm...

Nghị quyết đã chuyển tải tư duy rất khác, rất mới với một hệ thống giải pháp quyết liệt so với trước đây thì việc thực thi cũng cần cách làm khác.

Muốn đạt được 200.000 doanh nghiệp/năm, việc cần làm đầu tiên là cải thiện một cách triệt để thủ tục gia nhập thị trường, thủ tục thành lập doanh nghiệp. Tôi hình dung môi trường kinh doanh sẽ phải đạt được yêu cầu như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói, tức là một môi trường kinh doanh mà tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả mọi người, mọi doanh nghiệp cùng tham gia vào việc sản xuất kinh doanh, tạo sản phẩm xã hội. Đó phải là môi trường kinh doanh thực sự thuận lợi, thực sự an tâm và thực sự an toàn cho hoạt động kinh doanh, đầu tư.

Cần có sự rút kinh nghiệm từ việc thực hiện của giai đoạn trước, khi mà chúng ta đã không hoàn thành các mục tiêu về số lượng doanh nghiệp. Tôi đề nghị, trong kế hoạch hành động, Chính phủ cần phải giao cho một bộ hay một cơ quan, đơn vị cụ thể, từ đó gắn trách nhiệm cá nhân người đứng đầu thực hiện mục tiêu. Khi có người chịu trách nhiệm, sẽ có việc đánh giá kết quả thực hiện hàng tháng, theo quý, theo sáu tháng và theo hàng năm.

Ví dụ, để một năm có được 200.000 doanh nghiệp, mỗi tháng phải có thêm 17.000 doanh nghiệp, khi đánh giá sẽ nhận định được tại sao số doanh nghiệp gia nhập thị trường đạt chừng này, chừng kia, có đạt được mục tiêu hay không. Cũng sẽ nhìn nhận được số doanh nghiệp rút khỏi thị trường ít hay nhiều, tăng hay giảm… Từ đó, các giải pháp thúc đầy hay tháo gỡ sẽ được kiến nghị ngay, có thể kiến nghị giải pháp kịp thời khi gặp phải vấn đề vượt quá thẩm quyền…

Tóm lại, Nghị quyết đã chuyển tải tư duy rất khác, rất mới với một hệ thống giải pháp quyết liệt so với trước đây thì việc thực thi cũng cần cách làm khác. Bây giờ là lúc mọi người cùng góp ý, thảo luận cách thức tổ chức thực hiện. Tôi thực sự trông đợi cách làm khác không phải chỉ vì đạt mục tiêu mà còn vì cơ hội phát triển đột phá, nếu bỏ lỡ, rất khó có lại.

Làm được như vậy thì quá trình thực hiện Nghị quyết 68-NQ/TW sẽ rất sống động.

Khánh Linh thực hiện

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/phai-co-cach-lam-moi-lam-khac-de-thuc-hien-bang-duoc-cac-muc-tieu-cua-nghi-quyet-68-d279472.html
Zalo