Đề nghị sửa đổi quy định về số lượng phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh sau sáp nhập

Thảo luận về Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), có ý kiến đề nghị sửa đổi quy định về số lượng phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh sau sáp nhập.

Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Lê Văn Hiệu đề nghị sửa đổi quy định về số lượng phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh Ảnh: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Hải Dương

Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Lê Văn Hiệu đề nghị sửa đổi quy định về số lượng phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh Ảnh: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Hải Dương

Chiều 7/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).

Sửa Luật Tổ chức chính quyền địa phương gắn với sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện

Góp ý vào Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đại biểu Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương chỉ ra bất cập trong quy định về số lượng phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh.

Đại biểu Lê Văn Hiệu cho biết tại dự thảo luật quy định trường hợp chủ tịch HĐND cấp tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách thì HĐND cấp tỉnh có 1 phó chủ tịch, trường hợp chủ tịch HĐND cấp tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động không chuyên trách thì HĐND cấp tỉnh có 2 phó chủ tịch.

Đại biểu Lê Văn Hiệu bày tỏ băn khoăn khi tới đây thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, nhiều địa phương sẽ có từ 2 đến 3, hoặc 4 phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh. Tại một số chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương có quy định có thể tăng số lượng phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh.

Để tạo sự đồng thuận và tránh xung đột giữa luật với thực hiện trong thực tiễn khi sắp xếp đơn vị hành chính, đại biểu Lê Văn Hiệu đề nghị sửa đổi quy định tại dự thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định khung số lượng phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh.

Đại biểu Triệu Thế Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội đề nghị làm rõ quy định về sự phân cấp, phân quyền khi bỏ cấp huyện và sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã Ảnh: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Hải Dương

Đại biểu Triệu Thế Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội đề nghị làm rõ quy định về sự phân cấp, phân quyền khi bỏ cấp huyện và sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã Ảnh: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Hải Dương

Cùng cho ý kiến vào Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đại biểu Triệu Thế Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội bày tỏ sự đồng tình và đề nghị quy định cụ thể hơn với trách nhiệm của UBND, chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp cơ sở. Đẩy mạnh sự phân cấp, phân quyền từ lãnh đạo UBND với các công chức để bảo đảm giải quyết công việc, nhất là diện tích, dân số, địa bàn quản lý sau sắp xếp đơn vị hành chính sẽ lớn hơn.

Đồng thời, rà soát các quy định chuyển tiếp trong dự thảo và các quy định có liên quan để bao quát hết các trường hợp cần chuyển giao nhiệm vụ, quyền hạn khi bỏ cấp huyện, phân định rõ việc gì cấp tỉnh quyết định, việc gì cấp cơ sở quyết định để việc tổ chức, triển khai công việc bảo đảm thông suốt ngay sau sáp nhập.

Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn, Giám đốc Sở Tư pháp chỉ ra một số mâu thuẫn trong dự thảo luật với các quy định khác liên quan Ảnh: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Hải Dương

Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn, Giám đốc Sở Tư pháp chỉ ra một số mâu thuẫn trong dự thảo luật với các quy định khác liên quan Ảnh: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Hải Dương

Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn, Giám đốc Sở Tư pháp đề nghị làm rõ HĐND tỉnh có được phân cấp hay không để bảo đảm đồng bộ, tránh mâu thuẫn với các luật khác và với chính các quy định khác trong dự thảo luật.

Quy định việc quy định các cơ quan, tổ chức, cá nhân được đề xuất UBND tỉnh phân cấp cho mình thực hiện nhiệm vụ tại dự thảo còn có sự mâu thuẫn về giới hạn cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp, cá nhân nào được đề xuất UBND tỉnh phân cấp. Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn đánh giá quy định này chưa chặt chẽ và cần nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp.

Tránh chung chung, đánh giá cán bộ kiểu "đồng phục"

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị rà soát, đổi mới cách tiếp cận trong dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị rà soát, đổi mới cách tiếp cận trong dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)

Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) cũng được Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận sôi nổi tại tổ.

Tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi luật này, đại biểu Triệu Thế Hùng đồng tình với chủ trương chế độ lương, đãi ngộ gắn với vị trí việc làm. Tuy nhiên, cần quy định cụ thể hơn về đãi ngộ đặc thù để thu hút người có tài năng, trong đó có trường hợp cán bộ, công chức thu hút từ khối tư nhân vào.

"Có thời kỳ chúng ta thu hút được cán bộ từ khối tư nhân vào và rất hiệu quả khi các chuyên gia với kinh nghiệm rất thực tiễn từ xã hội vào phục vụ trong môi trường công chức. Về tiêu chí người có tài năng, phải có khung tiêu chí đánh giá thế nào là người có tài năng. Luật quy định nguyên tắc, Chính phủ khi hướng dẫn, tổ chức thi hành luật nên có quy định cụ thể. Tiêu chí đánh giá công chức càng rõ ràng thì càng khách quan, trong đó cần chú ý về đối tượng, định lượng, hiệu quả của mỗi người, mỗi việc", đại biểu Triệu Thế Hùng đề nghị.

Đại biểu Triệu Thế Hùng nhấn mạnh cần rà soát chỉnh lý các quy định liên quan xếp loại, đánh giá cán bộ, công chức, bảo đảm phù hợp, công bằng, tránh sự chung chung, "đánh giá kiểu đồng phục" vì với mỗi đặc thù công chức ở mỗi cấp có đặc điểm khác nhau.

Cùng quan tâm đến việc thu hút chuyên gia, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng quy định việc ký kết các hợp đồng thuê dài hạn với chuyên gia, nhà khoa học để thực hiện một số nhiệm vụ với công chức tại chương quy định về tuyển dụng công chức là chưa phù hợp và cần quy định ở một nội dung khác.

Đồng thời, cần quy định cụ thể để tránh nhầm lẫn trách nhiệm, nhiệm vụ của các chuyên gia, nhà khoa học với công chức.

Toàn dự thảo luật cần được rà soát theo hướng toàn diện hơn, tiếp cận theo tư duy mới từ quy định lựa chọn, tuyển dụng, bổ nhiệm, sử dụng cho đến đánh giá cán bộ, công chức cho phù hợp với mục tiêu tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cũng đề nghị có những tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức rõ ràng, minh bạch, định lượng được và ứng dụng trên nền tảng số, tránh cảm quan từ lãnh đạo, dựa vào KPI để đánh giá chất lượng cán bộ, công chức.

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung đề nghị bổ sung một số tiêu chí đánh giá thực chất đối với cán bộ, công chức Ảnh: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Hải Dương

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung đề nghị bổ sung một số tiêu chí đánh giá thực chất đối với cán bộ, công chức Ảnh: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Hải Dương

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung, viên chức ngành y tế đề nghị quy định bắt buộc việc đánh giá qua mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính.

Đại biểu cho biết thực tế từ một số địa phương cho thấy mô hình đánh giá công chức qua máy khảo sát điện tử tại bộ phận "một cửa" tạo động lực cho cán bộ công chức làm việc. Tuy nhiên, nếu không có cơ chế bắt buộc thì việc khảo sát thường bị xem nhẹ và mang tính hình thức.

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung đề xuất thêm: "Tôi cũng đề nghị bổ sung tiêu chí đánh giá theo mức độ hoàn thành mục tiêu cá nhân gắn với kế hoạch công tác vì qua giám sát cho thấy nhiều nơi đánh giá vẫn mang tính chung chung, không phản ánh đúng hiệu quả công việc. Có nơi báo cáo hoàn thành giải quyết 100% số lượng hồ sơ nhưng kết quả giải quyết thì người dân không đồng tình..."

PT

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/de-nghi-sua-doi-quy-dinh-ve-so-luong-pho-chu-tich-hdnd-cap-tinh-sau-sap-nhap-411053.html
Zalo