WHO: Đây là thời điểm tốt nhất để áp thuế với đồ uống có đường

Trong khi đồ uống có đường là nguyên nhân lớn gây bệnh béo phì và tiểu đường gia tăng ở Việt Nam, thì việc tiêu thụ mặt hàng này ở nước ta lại tăng quá cao, tới 350% trong thời gian qua.

Tổn thất sức khỏe do đồ uống có đường rất lớn

WHO lưu ý đồ uống có đường (ĐUCĐ) là nguyên nhân chính của bệnh tiểu đường tuýp 2, béo phì, tim mạch... Trong khi đó, “tiêu thụ nước ngọt tại Việt Nam tăng rất nhanh trong 15 năm qua: Tổng tiêu thụ nước ngọt tăng gấp hơn 4 lần, từ 1,59 tỷ lít lên 6,67 tỷ lít; tiêu thụ đầu người tăng 350%, từ 18,5 lít/người lên 66,5 lít/người” - Ths Nguyễn Tuấn Lâm (Văn phòng WHO Việt Nam) cho hay.

Kết quả Điều tra Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy tỷ lệ thừa cân béo phì và tiểu đường tuýp 2 cũng tăng nhanh: Trẻ dưới 5 tuổi bị béo phì tăng từ 5,6% lên 11,1%; trẻ 5-18 tuổi tăng từ 8,5% lên 19% và người lớn từ 12 lên 19,6%. Tỷ lệ đái tháo đường ở người lớn tăng từ 4,1% lên 7,1% trong 6 năm qua.

Trước tình hình này, WHO khuyến nghị mạnh mẽ mọi người cần giảm tiêu thụ đường tự do, nên duy trì dưới 10% tổng năng lượng ăn vào hàng ngày, tương đương với 12 thìa cà phê đường, tốt nhất giảm dưới 5% (6 thìa cà phê đường) tổng năng lượng.

 Tỷ lệ trẻ béo phì do đồ uống có đường gia tăng. Ảnh minh họa từ Internet

Tỷ lệ trẻ béo phì do đồ uống có đường gia tăng. Ảnh minh họa từ Internet

Cần bảo vệ sức khỏe người dân

Thông báo 176 của Văn phòng TW Đảng về kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm trong đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết của Trung ương về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân (CSSKND) ngày 23/4/2025 nhấn mạnh: “Công tác CSSKND cần hướng đến mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam khỏe mạnh” vàđặt sức khỏe và công tác CSSK lên vị trí chiến lược ưu tiên trong tất cả các chiến lược, chính sách phát triển.

Thực hiện chỉ đạo này, để bảo vệ sức khỏe người dân, thì việc giảm sử dụng ĐUCĐ là rất cần thiết.

Trả lời báo chí, WHO khẳng định tăng thuế là một biện pháp hiệu quả, chi phí thấp mà nhiều nước áp dụng thành công. “Tăng giá ĐUCĐ 10% thông qua thuế sẽ làm giảm 10-11% mức tiêu thụ, từ đó giảm chi phí y tế công và nâng cao chất lượng sức khỏe cộng đồng”- Tiến sỹ Angela Pratt – Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam nhấn mạnh.

Bà Angela Pratt khuyến nghị hiện là thời điểm rất phù hợp – khi Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đang xem xét sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) - là cơ hội tốt nhất để áp thuế với ĐUCĐ. Nếu không có hành động can thiệp, xu hướng tiêu thụ ĐUCĐ sẽ còn tiếp tục tăng, ảnh hưởng tiêu cực đến cả trẻ em lẫn thanh thiếu niên, người trưởng thành và nền kinh tế.

Ở một số nước, ngành công nghiệp muốn chặn hoặc trì hoãn thuế, với các lập luận rằng nó sẽ gây tổn thất kinh tế. Nhưng bằng chứng từ các nước khác cho thấy điều này không đúng. Trên thực tế, người tiêu dùng chuyển sang các loại đồ uống khác, tốt cho sức khỏe hơn. Các nhà sản xuất thông minh cải tiến sản phẩm của họ để phù hợp với nhu cầu mới.

“Vì vậy, WHO kêu gọi những nhà hoạch định chính sách Việt Nam cần ra quyết định hành động ngay bây giờ” - đại diện của WHO kêu gọi.

 Bà Angela Pratt: WHO ủng hộ mạnh mẽ việc áp thuế TTĐB đối với ĐUCĐ

Bà Angela Pratt: WHO ủng hộ mạnh mẽ việc áp thuế TTĐB đối với ĐUCĐ

Biện pháp hiệu quả

ĐUCĐ là sản phẩm tiêu dùng phổ biến, nhất là ở giới trẻ, nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sẽ tạo ra nguồn thu đáng kể cho ngân sách để tái đầu tư vào y tế, giáo dục, phòng, chống bệnh tiểu đường, béo phì, tim mạch...

Theo TS Hoàng Thị Mỹ Hạnh (Viện Chiến lược và Chính sách Y tế), hiện có 104 quốc gia/vùng lãnh thổ áp thuế TTĐB với ĐUCĐ trên phạm vi toàn quốc, nhằm bảo vệ sức khỏe người dân. ASEAN đã có 6 nước áp thuế TTĐB là Thái Lan, Philippines, Malaysia, Lào, Campuchia và Brunei.

World Bank tính toán nếu chậm áp thuế TTĐB với ĐUCĐ, hàng năm, GDP Việt Nam sẽ bị mất trên 3%. Càng hoãn áp thuế thì số người sử dụng ĐUCĐ càng tăng và tác động tiêu cực tới GDP càng cao. Ngược lại, áp thuế TTĐB, số người dùng ĐUCĐ giảm đi, sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhờ tiết kiệm chi phí do bệnh tật và tử vong, môi trường.

World Bank chỉ ra nếu áp dụng phương án áp thuế TTĐB với ĐUCĐ của Bộ Tài chính Việt Nam thì tổng doanh thu của doanh nghiệp và đóng góp ngân sách tăng từ 177.874 tỷ đồng năm 2025 lên 182.045 tỷ đồng năm 2026 (tương ứng với mức tăng trưởng thực tế 2,3%).

Như vậy, việc áp thuế TTĐB với ĐUCĐ hoàn toàn phù hợp với chiến lược quốc gia về dinh dưỡng và sức khỏe cộng đồng, lại thúc đẩy các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) mà Việt Nam cam kết: “Không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần; hướng tới tăng trưởng bền vững, toàn diện, mang lại lợi ích cho mọi người dân.”

“WHO ủng hộ mạnh mẽ việc áp thuế TTĐB đối với ĐUCĐ như một chính sách y tế công cộng, đặc biệt là để bảo vệ thanh thiếu niên” – bà Angela Pratt khẳng định.

WHO khuyến nghị Bộ Tài chính đưa ra lộ trình áp thuế suất TTĐB đến năm 2030 là 40% giá xuất xưởng để giá bán lẻ các sản phẩm ĐUCĐ tăng thêm 20% nhằm đảo ngược xu hướng gia tăng các sản phẩm ĐUCĐ hiện nay.

Thanh Hằng

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/who-day-la-thoi-diem-tot-nhat-de-ap-thue-voi-do-uong-co-duong-post185319.html
Zalo