Chủ tịch Hà Nội nói lý do lấy giám đốc ngân hàng tư nhân về giúp Nhà nước mà không được

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, quy định hiện nay người 45 tuổi không được vào công chức. Vì thế, muốn lấy một giám đốc ngân hàng tư nhân về giúp Nhà nước nhưng không thực hiện được vì vướng luật.

Chiều 7/5, phát biểu tại tổ về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhận định, đây là cơ hội gần nhất, sớm nhất để khơi thông sự giao thoa, chuyển đổi lao động giữa khối Nhà nước và phần còn lại. Theo ông, nếu không làm được lần này thì có thể còn rất lâu nữa mới làm được.

Ông Thanh cho biết, theo quy định hiện nay, người 45 tuổi không được vào công chức. “Muốn lấy một giám đốc ngân hàng tư nhân hoặc lấy một nhà khoa học ở viện nghiên cứu của tư nhân về để giúp cho Nhà nước các lĩnh vực mà họ giỏi nhưng không thể thực hiện được vì vướng luật”, ông Trần Sỹ Thanh bày tỏ.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh. Ảnh: PT.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh. Ảnh: PT.

Ngược lại, theo Chủ tịch Hà Nội, có những lao động Nhà nước ra ngoài làm việc cho các doanh nghiệp tư nhân lại rất tốt, vì họ đã hiểu cơ quan Nhà nước nên tư vấn, tham mưu, giúp việc rất hiệu quả. "Tại sao chúng ta không lấy được phần tư nhân vào Nhà nước?", ông Thanh nêu.

Đại biểu đoàn Hà Nội cho biết, Bộ Chính trị và Trung ương đã đề cập đến vấn đề này, và đề nghị phải sửa đổi, bổ sung quy định này cho hợp lý để thực hiện, nhằm tăng trưởng, nâng cao nền quản trị quốc gia.

Cũng theo Chủ tịch Hà Nội, nếu không có sự giao lưu, giao thoa giữa cán bộ khối Nhà nước và tư nhân và nếu chỉ loay hoay ở khối công chức Nhà nước thì cán bộ không thể hiểu hết được nhiều vấn đề như các loại hình kinh doanh, vận hành xã hội, kinh tế, văn hóa…

Ông Thanh nói thêm, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã họp và thống nhất quan điểm xuyên suốt là phải đảm bảo mọi việc phải thông suốt, trôi chảy, ít nhất là với những dịch vụ công thiết yếu cho người dân.

Chủ tịch Hà Nội đề nghị trong dự thảo luật phải ghi rất kỹ vấn đề này để các địa phương thực hiện được thuận lợi ngày 1/7, thời điểm Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) có hiệu lực.

Lương, thưởng theo hiệu suất công việc

Đại biểu Tạ Đình Thi (đoàn Hà Nội) đề nghị nghiên cứu, quy định cụ thể việc áp dụng cơ chế đánh giá định kỳ dựa trên KPI, lấy ý kiến phản hồi từ người dân và doanh nghiệp, làm cơ sở cho các khâu khác trong công tác cán bộ.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị hoàn thiện các quy định bảo đảm quyền lợi và động lực cho cán bộ, công chức, trong đó có chính sách lương, thưởng. “Nhiều nước trong khu vực đã áp dụng chính sách lương, thưởng theo hiệu suất công việc hằng năm. Để đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, công chức, chúng ta cũng nên áp dụng chính sách này”, ông Tạ Đình Thi cho hay.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cũng đồng tình với quy định quản lý cán bộ theo vị trí việc làm và đánh giá năng lực theo kết quả thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, ông lưu ý, phải xác định rõ cơ chế đo lường hao phí công việc, độ phức tạp của công việc mà công chức thực hiện khi xác định chức trách nhiệm vụ.

“Ngay cả những người giỏi nhất, thậm chí là nhân tài được tuyển dụng vào đúng vị trí theo quy định nhưng chưa chắc họ đã phù hợp. Do vậy, cần có thời gian để người được tuyển dụng thích nghi với công việc”, ông Cường cho hay.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chu-tich-ha-noi-noi-ly-do-lay-giam-doc-ngan-hang-tu-nhan-ve-giup-nha-nuoc-ma-khong-duoc-post1740240.tpo
Zalo