Bước ngoặt đột phá của kinh tế tư nhân
Nghị quyết 68 đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế tư nhân tại Việt Nam. Các chuyên gia nhận định, lần đầu tiên kinh tế tư nhân được khẳng định là 'động lực quan trọng nhất' của nền kinh tế, thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ trong việc đặt khu vực này làm trụ cột phát triển.
Mục tiêu rõ ràng
Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, kinh tế tư nhân là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Nghị quyết số 68 đặt mục tiêu, phấn đấu năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp (DN) hoạt động trong nền kinh tế, 20 DN hoạt động/nghìn dân. Có ít nhất 20 DN lớn tham gia chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt khoảng 10-20%/năm, cao hơn tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 55-58% GDP, khoảng 35-40% tổng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho khoảng 84-85% tổng số lao động.
Năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5%-9,5%. Trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu khu vực châu Á.

Thép dự ứng lực Hòa Phát. Ảnh: HPG.
Tầm nhìn đến năm 2045, kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế; phấn đấu đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu DN hoạt động trong nền kinh tế, đóng góp khoảng trên 60% GDP.
Cùng với việc nêu ra các mục tiêu cụ thể trên, Nghị quyết số 68 cũng đặt ra nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân.
Khu vực kinh tế tư nhân hiện có hơn 940.000 DN và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và sử dụng khoảng 82% tổng số lao động vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, là động lực quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống xã hội.
Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đánh dấu bước ngoặt rất lớn trong tiến trình phát triển kinh tế tư nhân.
Bước ngoặt này được kỳ vọng sẽ tạo ra sự thay đổi về chất, nâng cao chất lượng của khu vực kinh tế tư nhân, đưa khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất trong việc đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước.
Chia sẻ với báo giới, bà Lê Thị Mỹ Dung- Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Biotech Group Việt Nam cho hay, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như tiếp cận vốn, công nghệ, nhân lực chất lượng cao, Nghị quyết 68-NQ/TW đã hướng tới việc bảo đảm quyền tự do kinh doanh và tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận công bằng các nguồn lực.
Theo ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, chưa bao giờ DN tư nhân được ủng hộ, khuyến khích như thời điểm hiện tại. “Tôi rất mừng khi Đảng, Nhà nước đã khẳng định sự ủng hộ với DN tư nhân, đặc biệt là các DN sản xuất sản phẩm thì càng được ủng hộ”.
Trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông năm 2025 mới đây của Tập đoàn Hòa Phát, ông Trần Đình Long còn chia sẻ, không một nước nào là không bảo vệ sản xuất trong nước cả. Hiện nay đã có thuế chống bán phá giá và nước nào cũng muốn phát triển sản xuất trong nước.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng đã có phân tích năm 2025 ngân hàng có cả cơ hội và thách thức. Trong đó cơ hội là kinh tế phục hồi, Nhà nước chủ trương thúc đẩy hoạt động kinh doanh, sẽ tạo điều kiện cho ngành ngân hàng phát triển.

Dây chuyền sản xuất tủ lạnh của doanh nghiệp. Ảnh: DN cung cấp.
Ông Phan Đức Hiếu, đại biểu Quốc hội, ủy viên Ủy ban Kinh tế quốc hội có phân tích, trong quá trình phát triển, Việt Nam đã thực hiện 3 bước ngoặt lớn. Bước ngoặt đầu tiên được thực hiện trong giai đoạn 1986-1990. Khi đó, chúng ta đã chuyển từ chỗ coi khu vực kinh tế tư nhân là đối tượng cải tạo sang việc thừa nhận và cho phép kinh tế tư nhân được hoạt động trong một số lĩnh vực ngành nghề. Đây là bước ngoặt đầu tiên trong tiến trình phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Tiếp đến là sự ra đời của Luật Doanh nghiệp giai đoạn 1999-2000. Luật Doanh nghiệp đã đánh dấu sự đột phá về thể chế, tạo điều kiện cho việc gia nhập thị trường, là bước ngoặt thứ hai trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam.
Chúng ta đã từng có Nghị quyết về kinh tế tư nhân. Ví dụ như: Nghị quyết 10-NQ/TW khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và rất nhiều chính sách, đạo luật về khu vực kinh tế tư nhân.
Tuy nhiên, Nghị quyết số 68-NQ/TW lần này của Bộ Chính trị đã thể hiện 3 tư tưởng rất lớn. Đó là giảm sự phiền hà; tăng cường mức độ bảo vệ đối với khu vực kinh tế tư nhân và khơi thông mọi nguồn lực.
Đây là điểm rất mới vì trước đây chúng ta đã nhấn mạnh về việc giảm sự phiền hà nhưng lần này chúng ta còn nhấn mạnh thêm việc tăng cường mức độ bảo vệ khu vực kinh tế tư nhân; đồng thời, khơi thông mọi nguồn lực để khu vực kinh tế tư nhân thực sự là lực lượng quan trọng nhất trong việc đóng góp vào mục tiêu xây dựng đất nước đến năm 2030, năm 2045 mà chúng ta đã đề ra.
Giải pháp cụ thể
Chia sẻ với Đại Đoàn Kết, ông Mạc Quốc Anh, Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển Doanh nghiệp, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (HanoiSME) nhận định: Nghị quyết 68 cả về thực tiễn, lý luận, chủ trương chúng ta đều có định hướng rõ ràng về phát triển kinh tế tư nhân.

Đơn giản hóa các thủ tục hành chính hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Ảnh: T.L.
Còn ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phân tích, Nghị quyết có rất nhiều những nhóm giải pháp cụ thể và rõ ràng cho các bộ, các ngành, các địa phương thực hiện và nhiều những quan điểm tiến bộ từ những vấn đề khó, nhạy cảm như vấn đề về vụ việc hình sự thì xử lý như thế nào cho đến việc đổi mới về tư duy quản lý nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm hay những giải pháp như miễn thuế 3 năm đối với DN thành lập mới, DN tư nhân lần đầu tiên được tham gia những lĩnh vực công nghiệp an ninh, quốc phòng…Tuy nhiên, một điều rất quan trọng là làm sao tinh thần Nghị quyết phải đến được với DN một cách đầy đủ và trọn vẹn nhất. Chính vì thế, cộng đồng DN, các tổ chức hiệp hội, các chuyên gia cũng cần phải tăng cường việc giám sát cùng với nhà nước để thúc đẩy việc xây dựng chính sách pháp luật trong thời gian tới.
Để tạo điều kiện cho cộng đồng DN tư nhân phát triển, Nghị quyết cũng đã nêu rõ các giải pháp cụ thể, trong đó cải cách thể chế, bảo vệ quyền tài sản và tự do kinh doanh. Trong đó, đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện thể chế, chính sách. Chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, sửa đổi Luật Phá sản, đẩy mạnh tố tụng điện tử. Thiết lập cơ chế phản hồi về vướng mắc. Đảm bảo không phân biệt đối xử trong tiếp cận nguồn lực. Hoàn thiện chính sách thuế, phí công bằng cũng như khung pháp lý cho mô hình kinh tế mới (Fintech, AI, tài sản ảo...), cơ chế thử nghiệm sandbox và pháp luật về dữ liệu… Có chính sách hỗ trợ đặc biệt cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), bãi bỏ lệ phí môn bài, miễn thuế thu nhập DN 3 năm đầu. Đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, thương mại điện tử, hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu, ưu tiên DNNVV tham gia mua sắm công…
Nghị quyết yêu cầu sửa đổi các quy định về pháp luật hình sự, dân sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự để bảo đảm nguyên tắc khi xử lý các sai phạm, vụ việc về dân sự kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước, cho phép các DN, doanh nhân được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại. Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự.
Trường hợp đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo…

Kiểm tra sản phẩm trước khi xuất hàng sang Mỹ. Ảnh: HPG.
Xây dựng vùng an toàn cho doanh nghiệp
Giới chuyên gia khẳng định, vai trò của kinh tế tư nhân cùng với các thành phần kinh tế khác như doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là không thể phủ nhận. Nghị Quyết 68 đã tạo một vùng an toàn để doanh nghiệp tư nhân có thể vươn lên. Hiện nay Việt Nam đã có những doanh nghiệp lớn mà nhiều người vẫn ví von là “sếu đầu đàn”, cần để cho các doanh nghiệp này thêm phần lớn mạnh, lan tỏa dẫn dắt các doanh nghiệp khác tạo thành cộng đồng doanh nghiệp vững mạnh.
Đặc biệt không thể kỳ vọng khu vực tư nhân vươn mình mạnh mẽ khi họ vẫn phải lặn lội trong hệ thống thủ tục hành chính rườm rà, vẫn bị chịu các chi phí không chính thức và rủi ro pháp lý tiềm ẩn. Những rào cản ấy khiến ngay cả những doanh nghiệp có ý định mở rộng đầu tư cũng phải chùn bước, còn những nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm đối tác nội địa lớn mạnh cũng cảm thấy thiếu sự bảo đảm.
Trên thế giới, cường quốc nào cũng có đội ngũ có kinh tế tư nhân phát triển. Đơn cử, khi nói về Hàn Quốc có Samsung, LG, CJ, Nhật Bản có Honda, Toyota, Sony… Mỗi quốc gia đều có những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn để tạo nên cường quốc.
Chính vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế tư nhân là hoàn toàn đúng đắn để Việt Nam có thể tạo ra các tập đoàn kinh tế vững mạnh, đóng vai trò là đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế phát triển, song hành cùng kinh tế Nhà nước.