Đại biểu Quốc hội: Không nên áp dụng thời hiệu khi xử lý kỷ luật cán bộ

Về kỷ luật và thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật cán bộ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị 'bất kỳ loại vi phạm nào cũng không nên áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật'. Theo bà Yên, như vậy có lẽ sẽ công bằng hơn và mang tính răn đe cao hơn.

Tại phiên thảo luận ở tổ chiều 7/5, góp ý cho Luật Cán bộ công chức sửa đổi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) quan tâm đến quy định liên quan đến việc đánh giá cán bộ, công chức.

Theo bà, lần sửa đổi này đã đưa ra cách tiếp cận hiện đại, chuyển từ các tiêu chí định tính sang tiêu chí định lượng, dựa vào KPI như với khu vực doanh nghiệp. Các tiêu chuẩn định lượng sẽ tránh được tình trạng đánh giá cán bộ thiếu công bằng, so bì, ganh tỵ, bè phái, rồi "dĩ hòa vi quý", ngại va chạm, nhụt ý chí đấu tranh.

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên. Ảnh: Như Ý

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên. Ảnh: Như Ý

"Trong thực tế, đã có nhiều trường hợp chúng ta thu hút được người tài, nhưng rồi không bố trí được công việc, hay bố trí không phù hợp để rồi người ta lại bỏ đi; hoặc do đãi ngộ không tương xứng với công sức người ta bỏ ra, họ phải tự bươn trải cuộc sống, lo cho gia đình… nên cũng không được bền lâu", bà Tạ Thị Yên.

“Một bộ phận công chức thực sự có năng lực, tận tụy với công việc, sẽ cảm thấy bất công khi không được đánh giá đúng mực, làm mất đi động lực phấn đấu, vươn lên”, bà Yên cho hay.

Bên cạnh đó, đại biểu đoàn Điện Biên cũng tán thành với cơ quan thẩm tra, dự luật cần “đưa việc kê khai, kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập vào tiêu chí đánh giá cán bộ, đảng viên và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu” như Kết luận số 105/2024 của Bộ Chính trị.

Về xử lý kỷ luật, bà Yên đề nghị, bất kỳ loại vi phạm nào cũng không nên áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật. Như vậy có lẽ sẽ công bằng hơn và mang tính răn đe cao hơn.

“Cứ phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật của cán bộ, công chức dù có lâu bao nhiêu đi nữa vẫn phải bị xử lý kỷ luật, chứ không phải là cố giấu đi cho hết thời hiệu xử lý rồi được cho qua”, bà Yên cho hay.

Làm rõ cơ chế "kiểm soát quyền lực"

Tại phiên thảo luận, đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga (đoàn Trà Vinh) cho rằng, để đảm bảo trách nhiệm giải trình gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực, ban soạn thảo nên giải thích và quy định rõ hơn về "cơ chế kiểm soát quyền lực" giữa cấp trên với cấp dưới.

“Nếu không quy định cụ thể sẽ rất khó thực thi nhiệm vụ trong điều kiện sắp tới không tổ chức cấp huyện, mở rộng quy mô đơn vị hành chính cấp xã khiến công việc ở cấp cơ sở tăng lên rất nhiều. Trong khi đó, chính quyền cấp xã mới cần có thời gian kiện toàn, bắt nhịp với khối lượng công việc mới", bà Nga nói.

Vì vậy, cần tăng trách nhiệm kiểm soát của cấp trên đối với cấp dưới để kịp thời hỗ trợ, xử lý, nhằm đảm bảo tính thông suốt, hiệu lực, hiệu quả của nền hành chính, góp phần giải quyết công việc của nhân dân được kịp thời, nhanh chóng.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng lưu ý, phải có sự phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh với cấp xã một cách rõ ràng, cụ thể, để cấp xã phải là nơi trực tiếp tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân trên địa bàn, đảm bảo người dân không phải lên tỉnh thực hiện thủ tục hành chính.

“Chính vì vậy, việc quy định cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước nên đủ mạnh và đúng nghĩa là cơ chế kiểm soát độc lập. Kiểm soát quyền lực của cấp trên với cấp dưới và giữa các cơ quan trong cùng một cấp phải được thực hiện thường xuyên, đúng mức”, bà Nga cho hay.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dai-bieu-quoc-hoi-khong-nen-ap-dung-thoi-hieu-khi-xu-ly-ky-luat-can-bo-post1740221.tpo
Zalo