Luật sư nhận định những điểm 'cực lợi hại' của Thông tư 29

Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT không chỉ mang tính pháp lý mà còn có ý nghĩa lớn trong việc xây dựng môi trường giáo dục công bằng, minh bạch, và bền vững', luật sư Hoàng Văn Hà - Công ty Luật ARC Hà Nội nhận định.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (BGDĐT) quy định về dạy thêm, học thêm, có hiệu lực từ ngày 14/02/2025, có nhiều điểm mới đáng chú ý, mang tính cải cách mạnh mẽ.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Hoàng Văn Hà - Công ty Luật ARC Hà Nội nhận định: Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT được ban hành dựa trên các nguyên tắc và mục tiêu của Luật Giáo dục 2019, đặc biệt là: Điều 16 Luật Giáo dục quy định quyền được học tập bình đẳng. Điều 99 về trách nhiệm của nhà nước, tổ chức, cá nhân trong giáo dục, trong đó yêu cầu đảm bảo giáo dục công bằng, không gây áp lực tài chính lên học sinh và phụ huynh. Điều 100 về quản lý hoạt động giáo dục, bao gồm cả hoạt động dạy thêm, học thêm.

Luật sư Hoàng Văn Hà - Công ty Luật ARC Hà Nội.

Luật sư Hoàng Văn Hà - Công ty Luật ARC Hà Nội.

Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT đưa ra một số quy định quan trọng như việc cấm dạy thêm trong nhà trường với các đối tượng cụ thể: Không được dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các chương trình bồi dưỡng về nghệ thuật, thể thao và kỹ năng sống; Giáo viên không được dạy thêm có thu tiền đối với học sinh mà mình đang trực tiếp giảng dạy tại trường.

Việc quy định cụ thể này nhằm hạn chế tình trạng ép buộc học sinh tham gia học thêm hoặc các hành vi biến tướng dưới hình thức tự nguyện. Đây là một bước tiến lớn trong việc bảo vệ quyền lợi học sinh, đồng thời đảm bảo sự công bằng trong giáo dục.

Luật sư Hà cũng cho rằng, Thông tư 29 giúp quản lý chặt chẽ giáo viên và tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường.

"Giáo viên trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường. Tuy nhiên, họ vẫn có quyền tham gia dạy thêm nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định. Tổ chức hoặc cá nhân tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh theo pháp luật. Quy định này nhằm quản lý minh bạch các hoạt động dạy thêm, giảm thiểu tình trạng trốn thuế, kinh doanh bất hợp pháp trong lĩnh vực giáo dục", vị luật sư phân tích.

Cũng theo luật sư Hà, quy định việc không thu tiền học sinh trong các hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường đảm bảo rằng mọi hoạt động giáo dục bổ trợ trong nhà trường được cung cấp miễn phí, giảm gánh nặng tài chính cho phụ huynh, nhất là ở những địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn.

"Khi triển khai Thông tư 29, nhà trường cần rà soát lại các chương trình bổ trợ, ôn tập hoặc phụ đạo, đảm bảo không vi phạm quy định về thu phí. Việc quản lý giáo viên tham gia dạy thêm ngoài nhà trường cần được thực hiện chặt chẽ, tránh các hành vi vi phạm hoặc lách luật.

Giáo viên cần tuân thủ các quy định về báo cáo khi tham gia dạy thêm ngoài nhà trường. Việc tham gia dạy thêm trong các cơ sở ngoài nhà trường có thể tạo cơ hội thu nhập hợp pháp nhưng đồng thời cũng đặt ra yêu cầu về trách nhiệm và minh bạch.

Tổ chức/cá nhân kinh doanh dịch vụ dạy thêm phải đăng ký hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật, đồng thời tuân thủ các điều kiện về thuế, lao động và bảo đảm chất lượng giáo dục.

Vị luật sư cũng cho rằng, Bộ GD&ĐT cần tiếp tục xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả việc thực hiện Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Đối với các địa phương: Cần bố trí ngân sách hỗ trợ các trường trong việc tổ chức miễn phí các chương trình bồi dưỡng học sinh yếu kém, ôn tập cuối cấp, nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục.

Đối với phụ huynh và học sinh cần tìm hiểu kỹ các quy định để bảo vệ quyền lợi của mình, đồng thời phối hợp với nhà trường để nâng cao chất lượng học tập.

"Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT không chỉ mang tính pháp lý mà còn có ý nghĩa lớn trong việc xây dựng môi trường giáo dục công bằng, minh bạch, và bền vững", luật sư Hà nói.

Giải đáp thắc mắc, tư vấn pháp luật miễn phí: 090.221.1881

Hoặc gửi về email: toasoan.phunuphapluat@gmail.com

PV

Nguồn Góc nhìn pháp lý: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/luat-su-nhan-dinh-nhung-diem-cuc-loi-hai-cua-thong-tu-29-10614.html
Zalo