Tăng ngân sách nghiên cứu khoa học trong trường đại học
Những bất cập về ngân sách cho nghiên cứu khoa học (NCKH) là vấn đề được đề cập nhiều thời gian qua. Theo ý kiến các chuyên gia, việc cấp kinh phí được thực hiện theo chi thường xuyên là không đúng với tính chất tự chủ của các đơn vị nghiên cứu.
Theo nhận định chung của nhiều chuyên gia, hiện điểm nghẽn của NCKH đang nằm ở chính tư duy quản trị của trường đại học (ĐH). Trong khi trường ĐH có hai chức năng chính là đào tạo nhân lực và NCKH, nhưng trên thực tế hầu hết các trường ĐH ở Việt Nam vẫn coi hoạt động chính là đào tạo nhân lực.
Đã có những ý kiến đặt ra, nên chăng cần quy định ngân sách bổ sung cho hoạt động NCKH ở trường ĐH thuộc về chi đầu tư chứ không phải chi thường xuyên. Đứng trước thách thức này, một số chuyên gia kiến nghị Nhà nước cần thay đổi cơ chế phân bổ ngân sách khoa học công nghệ theo mô hình quỹ với phương thức đầu tư đặt hàng. Theo đó, kinh phí được đưa về quỹ và đặt hàng theo yêu cầu của thực tiễn, không bị áp lực giải ngân, nâng cao hiệu quả đầu tư…
TS Nguyễn Viết Thịnh - Chủ tịch Hội đồng trường - Trường ĐH Tiền Giang cho rằng, bên cạnh năng lực quản trị của trường ĐH thì điểm nghẽn của NCKH ở trường ĐH còn do cơ chế, chính sách về việc phát triển khoa học công nghệ trong trường ĐH chưa được thông thoáng. Tài chính của hầu hết các trường ĐH công hiện nay chủ yếu dựa vào nguồn thu chính là học phí. Học phí thì có giới hạn, trường không thể muốn thu bao nhiêu cũng được. Do vậy nếu không có nguồn lực công cũng như tư hỗ trợ cho thì trường khó thực hiện tốt hoạt động NCKH ở trường.
Ghi nhận thực tế cho thấy, hiện các trường ĐH đang tích cực khuyến khích sinh viên, giảng viên, cán bộ nghiên cứu, tham gia vào công tác khoa học như một sở thích, thói quen và đam mê. Nhiều trường đã đề ra các chương trình, phương án để đẩy mạnh phong trào này bằng các biện pháp thiết thực như tăng cường hợp tác quốc tế, mở rộng hợp tác với các trường ĐH, đẩy mạnh nghiên cứu liên ngành…
TS Thái Doãn Thanh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công thương TP Hồ Chí Minh cho rằng, bất cứ một trường ĐH nào thì hoạt động về NCKH học hay hoạt động về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp cũng là một trong những hoạt động rất quan trọng để khẳng định sứ mạng của trường ĐH. Dẫu thế, ông Thanh cho rằng nguồn thu từ NCKH và chuyển giao công nghệ hiện nay rất nhiều trường khó có thể đạt được 5% mà chủ yếu là nguồn thu đến từ học phí. Từ thực tế này, cần thay đổi cách thức tiếp cận NCKH ở Việt Nam. Chúng ta cần xem hoạt động NCKH là một dịch vụ mà khi đã là dịch vụ rồi thì phải có sự kết nối rất nhiều với các bên liên quan.
Vừa rồi, trong khuôn khổ Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội thảo luận về Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đề xuất, ưu tiên ngân sách đầu tư cho ĐH, nhất là các trường định hướng nghiên cứu, có đào tạo tiến sĩ. Theo ông Cường, trên thế giới phần lớn các trường ĐH trở thành trung tâm nghiên cứu. Nhiều công bố lớn, giải Nobel đến từ các trường ĐH. Ở Việt Nam, 90% công bố quốc tế đến từ các trường ĐH nhưng ngân sách của NCKH cấp cho ĐH chỉ 10%. Điều này là không tương xứng.
Chỉ ra những bất cập liên quan đến việc cấp kinh phí cho hoạt động NCKH, ông Hoàng Văn Cường phân tích, theo dự thảo Nghị quyết, việc cấp kinh phí được thực hiện theo chi thường xuyên. Điều này không đúng với tính chất tự chủ của các đơn vị nghiên cứu. Đặc biệt, không đáp ứng yêu cầu nghiên cứu là phải quá trình dài, nhiều năm. Nếu cấp kinh phí từng năm, năm sau không được cấp, hoạt động nghiên cứu đó sẽ bị ngắt quãng. Do đó, ông Cường đề xuất, không cấp chi phí chi thường xuyên, chuyển sang đặt hàng cho các đơn vị nghiên cứu theo thời gian dài hạn. Tùy theo nhiệm vụ có thể đặt hàng 2 năm, 3 năm, thậm chí 7 năm.