Tăng cường quản lý dạy thêm, học thêm:Hiểu đúng, làm đúng, vì sự phát triển toàn diện của học sinh

Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ ngày 14-2, đến nay vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm từ dư luận xã hội.

Những quy định mới về dạy thêm, học thêm được kỳ vọng khắc phục nhiều bất cập, giải quyết căn cơ tình trạng học sinh buộc phải học thêm, hướng tới việc xây dựng môi trường giáo dục giúp học sinh phát triển toàn diện.

Đội ngũ giáo viên nâng cao chất lượng giảng dạy trên lớp sẽ góp phần giúp học sinh không phải học thêm để bổ trợ kiến thức. Trong ảnh: Một tiết học của học sinh Trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt (quận Long Biên). Ảnh: Quang Thái

Đội ngũ giáo viên nâng cao chất lượng giảng dạy trên lớp sẽ góp phần giúp học sinh không phải học thêm để bổ trợ kiến thức. Trong ảnh: Một tiết học của học sinh Trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt (quận Long Biên). Ảnh: Quang Thái

Gỡ vướng cho giáo viên

Có hiệu lực từ ngày 14-2, với nhiều điểm mới được cho là mang tính đột phá, những ngày qua, Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT đã tác động mạnh mẽ đến các nhà trường, giáo viên và gia đình học sinh. Hàng loạt các lớp học bổ trợ, tăng cường trong trường học tạm dừng. Nhiều trung tâm bồi dưỡng văn hóa ngoài nhà trường tạm ngưng đón học sinh để hoàn thiện thủ tục đăng ký kinh doanh. Gia đình học sinh cũng đang từng bước làm quen với việc điều chỉnh thời gian học của con ở trường.

Ghi nhận thực tế những ngày qua cho thấy, bên cạnh đối tượng là học sinh, quy định mới về dạy thêm cũng tác động mạnh đến đội ngũ giáo viên, thậm chí nhiều người vẫn lúng túng và chưa biết thực thi thế nào cho đúng. Câu hỏi được nhiều người quan tâm những ngày qua là nếu giáo viên được phụ huynh nhờ kèm một vài học sinh tại nhà thì có phải đăng ký kinh doanh hay không.

Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ngày 18-2 cho biết, đơn vị nhận được phản ánh một số giáo viên dừng dạy thêm tại nhà và mong muốn hỗ trợ thủ tục đăng ký kinh doanh dạy thêm theo quy định. Một số khác đặt câu hỏi: Nếu giáo viên không dạy trực tiếp mà chuyển sang dạy trực tuyến cho học sinh của mình thì có sai quy định hay không? Theo phản hồi của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Sở đang tiếp tục tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các thủ tục cần thiết để giáo viên hiểu và chấp hành đúng quy định.

Về việc chuyển dạy thêm từ trực tiếp sang trực tuyến, Sở cũng đã thông báo rõ, việc dạy thêm ở bên ngoài nhà trường với học sinh mình đang dạy chính khóa dù thực hiện theo hình thức trực tiếp hay trực tuyến đều không đúng quy định. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cùng các nhà trường, thầy, cô giáo để đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào nền nếp.

Theo phản hồi từ Bộ Giáo dục và Đào tạo trong ngày 18-2, quy định của Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT đã nêu rõ, tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh bắt buộc phải đăng ký kinh doanh và chịu sự quản lý theo quy định của Luật Doanh nghiệp, kể cả dạy kèm một vài học sinh tại nhà.

Giáo viên đến đăng ký hộ kinh doanh dạy thêm tại bộ phận “một cửa” UBND quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Phương Anh

Giáo viên đến đăng ký hộ kinh doanh dạy thêm tại bộ phận “một cửa” UBND quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Phương Anh

Không cấm dạy thêm, học thêm

Hiện tại, ngành Giáo dục và Đào tạo quyết tâm thực hiện hiệu quả quy định mới về dạy thêm, học thêm, đồng thời tiếp tục lắng nghe, rà soát, tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai. Tại các trường, nhiều giáo viên vẫn nỗ lực phụ đạo miễn phí cho những em đang chuẩn bị bước vào kỳ thi chuyển cấp, bảo đảm việc ôn thi của học sinh không bị gián đoạn.

Là một trong những giáo viên đang dạy lớp 12 môn toán, cô giáo Lê Thị Thúy Nga, Trường Trung học phổ thông chuyên Sơn Tây (thị xã Sơn Tây) cho biết: "Sau mỗi đợt khảo sát học sinh lớp 12, những học sinh chưa đạt yêu cầu về nội dung này, hổng kiến thức ở nội dung kia đều được phụ đạo miễn phí. Đội ngũ nhà giáo chúng tôi luôn xác định việc hỗ trợ học sinh bảo đảm yêu cầu cần đạt của chương trình là trách nhiệm”.

Theo ý kiến của các chuyên gia, để quản lý tốt hoạt động dạy thêm, học thêm, tránh những hình thức biến tướng, cơ quan quản lý cần có hướng dẫn rõ ràng để các tổ chức, cá nhân liên quan nắm biết, thực hiện nghiêm túc, cũng là để bảo đảm quyền lợi người học. Vì vậy, việc giải đáp kịp thời những băn khoăn liên quan đến hoạt động này cần tiếp tục quan tâm.

Và trước câu hỏi là có phải việc dạy thêm, học thêm đang bị cấm hay không được đề cập trong những ngày gần đây, ngày 18-2, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh, Bộ không cấm, cũng không “siết” dạy thêm, học thêm, nhưng cần phải quản lý để bảo đảm quyền lợi của người học và người dạy.

Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam Nguyễn Tùng Lâm:
Phụ huynh cần giảm kỳ vọng để con phát triển

Phụ huynh nếu con học giỏi hãy cứ yên tâm để con học, tìm môi trường để con vận dụng kiến thức phù hợp với năng lực. Với học sinh khá, phải khơi gợi xem các em có năng lực, mong muốn gì.

Bố, mẹ nào cũng đều có kỳ vọng ở con, kỳ vọng là không sai nhưng nếu kỳ vọng quá lớn sẽ gây áp lực cho con. Do đó, phụ huynh cần giảm kỳ vọng, tăng kỳ công với con, tìm mọi hoàn cảnh để con phát triển chứ không phải chỉ so sánh với con người ta.

Chúng ta cũng đừng lo cấm dạy thêm trong nhà trường thì trung tâm dạy thêm lại phát triển, điều cần quan tâm là nhà trường có đủ thầy, cô giáo dạy giỏi hay không; mỗi phụ huynh, học sinh cần nhận thức được rằng việc tự học sẽ không sợ bị cạnh tranh. Nếu Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT được thực hiện một cách triệt để, đúng đắn, thầy giáo, cô giáo, nhất là hiệu trưởng nhận thức được để định hướng, bồi dưỡng cho giáo viên của mình, tôi chắc chắn các trung tâm bên ngoài sẽ thất nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng:
Ra đề thi bảo đảm học sinh không cần học thêm vẫn vượt qua

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục có các văn bản đôn đốc, chỉ đạo, đồng hành cùng các địa phương thực hiện nghiêm túc Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT. Về giải pháp chuyên môn, Bộ tập trung nâng cao năng lực, phương pháp giảng dạy và trách nhiệm của giáo viên; đổi mới công tác kiểm tra đánh giá, cụ thể là xây dựng nội dung kiểm tra, đánh giá, thi tuyển phù hợp với nội dung, yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; không ra đề ngoài nội dung chương trình để bảo đảm học sinh không cần học thêm mà vẫn vượt qua các kỳ thi.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị các địa phương tiếp tục phát triển quy mô, có đủ trường học; tăng số trường, lớp dạy học 2 buổi/ngày; tăng cường kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, của phụ huynh và của toàn xã hội đối với dạy thêm, học thêm.

Việc tăng cường thông tin, tuyên truyền cũng là giải pháp rất quan trọng góp phần nâng cao ý thức tự trọng của giáo viên để họ nói “không” với dạy thêm không đúng với quy định.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương:
Đề xuất có kinh phí hỗ trợ học sinh cuối cấp ôn tập

Nguyện vọng “được sống bằng nghề” của nhà giáo là chính đáng. Hà Nội xác định việc quản lý dạy thêm, học thêm cần được đặc biệt quan tâm ngay từ những ngày đầu Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang khẩn trương xây dựng dự thảo quy định về dạy thêm, học thêm trình UBND thành phố ban hành với những nội dung cụ thể nhằm tăng cường quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm.

Trước lo lắng của nhiều phụ huynh cho rằng quy định mới về việc không thu tiền học thêm đối với học sinh ôn tập cuối cấp có thể ảnh hưởng đến động lực của giáo viên và chất lượng giảng dạy, thậm chí có thể khiến kế hoạch ôn tập của học sinh bị gián đoạn, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã rà soát, chỉ đạo các nhà trường bảo đảm nội dung chương trình môn học theo đúng kế hoạch. Bên cạnh đó, Sở đang tích cực đề nghị các cấp thẩm quyền, HĐND thành phố ban hành nghị quyết hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng cho học sinh cuối cấp ôn tập.

Minh Khang ghi

Thống Nhất

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tang-cuong-quan-ly-day-them-hoc-them-hieu-dung-lam-dung-vi-su-phat-trien-toan-dien-cua-hoc-sinh-693534.html
Zalo