Đã qua thời giáo viên 'tha thiết' xin dạy lớp cuối cấp, dạy thêm trong trường?
Trước khi có Thông tư 29, nhiều trường giáo viên tha thiết xin dạy lớp 9 và ôn thi vào 10. Tuy nhiên, khi thông tư có hiệu lực thì mọi thứ 'đổi chiều'.
Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm đang trở thành đề tài nóng của các phương tiện thông tin đại chúng trong những ngày gần đây. Bản thân người viết hiện đang công tác tại một trường trung học cơ sở thuộc khu vực đô thị nên cũng đã chứng kiến nhiều sự việc tại đơn vị mình công tác về những tác động khi Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực.
Nếu như trước đây, nhiều giáo viên luôn đưa ra nhiều lý do để xin được dạy lớp 9 nhằm có thêm khoản thu nhập từ việc dạy thêm vào dịp cuối năm học và điều quan trọng là dạy lớp 9 thì số lượng học sinh học thêm với mình sẽ nhiều hơn và nguồn thu cũng sẽ tăng lên.
Nhưng, thời điểm này, khi Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực thì mọi chuyện lại có chiều hướng "đảo chiều".

Ảnh minh họa
Giáo viên có còn thiết tha với việc dạy thêm trong nhà trường?
Một tổ trưởng môn Tiếng Anh trường trung học cơ sở chia sẻ với người viết rằng, mặc dù nhà trường không tổ chức dạy thêm trong nhà trường trong năm học, mỗi năm chỉ ôn thi khoảng hơn 1 tháng trước khi học sinh thi tuyển 10 nhưng giai đoạn này cũng giúp cho giáo viên có thêm một khoản thu nhập khá.
Chính vì thế, những năm vừa qua và ngay cả nửa đầu năm học 2024-2025 này, không ít giáo viên dạy các môn học: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh vẫn có tâm lý thích được phân công dạy lớp 9.
Có giáo viên năng lực chưa thật nổi bật nên tổ trưởng và phó hiệu trưởng phân công dạy các lớp dưới nhưng có giáo viên tỏ ý không đồng tình.
Vì thế, có người trực tiếp trao đổi với tổ trưởng và phó hiệu trưởng đề đạt nguyện vọng được dạy lớp 9 để được trải nghiệm kiến thức khó vì lớp 9 ôn tuyển sinh nên đòi hỏi giáo viên phải có kiến thức bao quát của cả cấp học. Có người đặt thẳng vấn đề xin dạy 9 để được dạy thêm nhằm có thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình.
Chính vì nguyện vọng của giáo viên nên năm học 2024-2025 này mặc dù trường chỉ còn có 8 lớp 9 nhưng tổ và ban giám hiệu nhà trường phân công đến 7 giáo viên dạy môn Tiếng Anh. Mọi việc tiến triển khá suôn sẻ cho đến khi Bộ ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT.
Theo kế hoạch nhà trường, sau khi kết thúc chương trình lớp 9 vào giữa tháng Tư (vì trường đã chủ động tăng tiết ở học kỳ I) sẽ tiến hành ôn tập tuyển sinh vào lớp 10. Trường sẽ thực hiện đúng theo nội dung Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT hướng dẫn là không thu tiền học sinh.
Mỗi tuần, giáo viên sẽ ôn cho học sinh 2 tiết cho đến khi thi tuyển 10. Có điều, số tiết ôn này sẽ được tính vào định mức tiết dạy của giáo viên. Mỗi tuần 19 tiết, mỗi năm học có 35 tuần, tương đương với 665 tiết học.
Sau khi cộng số tiết dạy chính khóa, số tiết ôn tuyển sinh 10, nếu dư ra, nhà trường sẽ chi trả 70.000 đồng/ tiết.
Hiệu trưởng cũng nhấn mạnh, hiện ngân sách chi cho dạy thêm hiện nay chưa được hướng dẫn nên nhà trường chỉ có thể chi ở mức đó nhằm động viên giáo viên ôn tập.
Đồng thời, nhà trường không bắt buộc nhưng động viên, khuyến khích giáo viên có thể ôn tập thêm một số tiết ngoài quy định (2 tiết) nhằm trang bị thêm kiến thức cho học trò. Nhưng, những tiết “dạy thêm” này không tính trong định mức và chi trả tiền.
Và, đa phần giáo viên các môn Toán, Văn, Anh cùng đồng loạt nêu ý kiến là họ chỉ dạy theo đúng hướng dẫn (2 tiết/ tuần) của Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT.
Vì thế, nhà trường phải chốt lại chỉ dạy thêm cho học sinh 2 tiết/ tuần. Thời gian ôn tập là 6 tuần, tương đương với 12 tiết. Nếu giáo viên dạy chưa đủ định mức thì xem như số tiết ôn thi này này lấp qua cho đủ định mức, nếu giáo viên đã đủ định mức thì 12 tiết này tương đương với 840.000 thù lao/ lớp.
Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT đã khiến cho nhiều giáo viên “vỡ mộng” khi đầu năm đã thiết tha xin được dạy lớp 9 để hướng đến việc dạy thêm trong và ngoài nhà trường.
Hết thời giáo viên xin được dạy lớp cuối cấp và dạy thêm trong nhà trường
Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm, có hiệu lực từ ngày 14/2/2025 quy định việc dạy thêm học trong trường chỉ còn giới hạn với 3 đối tượng, gồm: học sinh có kết quả học tập chưa đạt yêu cầu ở học kỳ trước; học sinh được nhà trường chọn để bồi dưỡng nâng cao; học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh hoặc tốt nghiệp theo kế hoạch của trường.
Nhưng, học sinh học thêm không phải đóng học phí và nhà trường chỉ được phép dạy thêm không quá 2 tiết/ tuần.
Điều này cũng đồng nghĩa từ đầu học kỳ II của năm học 2024-2025 này nhà trường sẽ không được thu tiền học thêm của học sinh nhưng có nghĩa vụ ôn tập tuyển sinh 10 cho học sinh tự nguyện đăng ký.
Nếu như các trường trên cả nước làm nghiêm theo hướng dẫn của Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT thì mọi kế hoạch giáo dục của nhà trường sẽ dần ổn định và đi vào nền nếp, quy củ.
Chúng tôi cho rằng, năm học này có thể bị động vì Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT ra đời và có hiệu lực khi 2/3 chặng đường của năm học đã đi qua. Nhưng, từ năm học tới đây các nhà trường sẽ chủ động xây dựng kế hoạch và chủ động trong việc phân công giáo viên, tổ chức dạy thêm cho học trò.
Thực tế hiện nay giáo viên ở các nhà trường đang thừa thiếu cục bộ rất nhiều. Vì thế, nhà trường cần chủ động sắp xếp để những thầy cô dạy lớp cuối cấp linh hoạt, dành một số tiết nhất định trong định mức giảng dạy để chuyển sang bố trí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp cho học trò có lẽ là giải pháp tối ưu nhất.
Bởi lẽ, trường sẽ không thu tiền học thêm của học sinh mà tận dụng được nguồn nhân lực tại chỗ, không phát sinh chi phí tiền thừa giờ cho giáo viên. Đồng thời, cũng không vi phạm hướng dẫn của Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT mà giáo viên cũng sẽ không có ý kiến, không có lý do để từ chối dạy thêm “không thu phí” trong nhà trường.